Ngày 30/5, các nhà chức trách Thái Lan bắt đầu tiến hành di dời đàn hổ tại Wat Pha Luang Ta Bua (Đền Hổ), tỉnh Kanchanaburi, phía tây bắc thủ đô Bangkok. Nhân viên được trang bị súng bắn thuốc mê để bắt sống đàn thú, theo CNN.
"Hôm qua quả thật lộn xộn", giám đốc Phòng Bảo tồn Động vật hoang dã (WCO) Teunjai Noochdumrong cho biết. "Khi đội bác sĩ thú y của chúng tôi đến, hổ ở khắp mọi nơi. Có vẻ như đền thờ cố ý thả rông những con hổ để cản trở công việc của chúng tôi".
Đền Hổ từ lâu đã nổi tiếng bởi sự có mặt của đàn hổ. Du khách đến đây có thể đi bộ giữa đám hổ không trong chuồng bảo vệ, không dây xích và chụp ảnh cùng chúng. Tuy nhiên, phòng Bảo tồn Động vật hoang dã Thái Lan cho biết 137 con hổ tại ngôi đền này có thể gây nguy hiểm cho du khách.
Khi nhân viên WCO đến để di dời đàn hổ, những người quản lý đền từ chối cho họ vào trong. Sau nửa ngày trì hoãn, các nhà chức trách mới có thể vào đền. WCO nhận được lệnh khám xét từ tòa án địa phương sau khi cuộc đàm phán với các đại diện từ Đền Hổ thất bại. Đại diện ngôi đền cho biết đây là thánh địa của động vật hoang dã, không ai được di dời chúng.
Hơn 2.000 nhân viên, trong đó có cả bác sĩ thú y, công chức WCO, cảnh sát và quân dân địa phương tham gia vào nhiệm vụ di dời đàn hổ tới khu tổ hợp mới ở tỉnh Ratchaburi.
Suthipong Pakcharoong, phó chủ tịch Wat Pha Luang Ta Bua nói ngôi đền sẽ tuân thủ lệnh di dời đàn hổ nhưng điều này gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho địa phương. "Không có gì là bất hợp pháp hay nguy hiểm ở đây cả", Pakcharoong nói. "Họ làm như thế này sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch".
Chính quyền Thái Lan từ lâu đã chịu áp lực về việc hổ thả rông ở Đền Hổ. "Chúng tôi nhận được khiếu nại từ khách du lịch về việc họ bị hổ tấn công khi đi bộ tại chùa", Noochdumrong cho biết. "Chúng tôi đã cảnh báo ngôi đền dừng việc này lại nhưng họ không nghe".
Trong thỏa thuận năm 2001 với WCO, ngôi đền được phép chăm sóc những con hổ miễn là không kinh doanh hoặc lai tạo chúng. Tuy nhiên, những con hổ được phép sinh sống trong đền tự do. Nhiều con trong số đó bị mắc bệnh mãn tính hoặc bị mù.
Ngôi đền còn thu phí du khách đến đây và nói tiền được dành để chăm sóc đàn hổ. "Chúng tôi buộc phải làm thế vì đó là cách kiếm tiền và dùng tiền này để chăm sóc, nuôi lớn những con hổ", Pakcharoong nói.