Cuối tháng 1, tỷ phú giàu nhất thế giới công bố thay đổi chiến lược của Tesla, trong đó sẽ không cho ra mắt mẫu xe nào trước năm 2023. Tuy nhiên, ông tìm ra mục tiêu mới và bắt đầu dồn lượng tiền lớn vào cổ phiếu Twitter, tăng mức cổ phần lên tới hơn 9%.
Ngày 26/3, Elon Musk đối thoại với người bạn lâu năm Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập Twitter, về khả năng trở thành giám đốc công ty. Dorsey vẫn giữ ghế trong hội đồng quản trị của mạng xã hội này. Một đề tài được nhắc tới là tương lai mạng xã hội.
Tương lai đó lúc này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Twitter tuần trước khởi kiện Musk vì tỷ phú Mỹ tuyên bố rút khỏi thương vụ 44 tỷ USD. Nhóm pháp lý của nền tảng đã liệt kê những sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận sáp nhập.
"Sau khi thu hút sự chú ý của công chúng, cũng như đề xuất và ký thỏa thuận hợp nhất đầy thân thiện với người bán, dường như ông Musk tin mình có thể tùy ý thay đổi ý định, phá hoại và làm gián đoạn hoạt động của công ty, hủy hoại giá trị của các cổ đông rồi bỏ đi", các luật sư Twitter nêu trong khổ đầu tiên của đơn kiện.
Tài liệu cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đã gặp nhiều vấn đề ngay từ đầu. Sau cuộc thảo luận với Dorsey, Musk thông báo cho Twitter về ý định gia nhập hội đồng quản trị, mua công ty và biến nó thành doanh nghiệp tư nhân.
Ông được đề xuất vị trí lãnh đạo Twitter và chấp thuận hồi đầu tháng 4, nhưng sau đó lại từ chối. CEO Twitter Parag Agrawal công bố thông tin này ngày 11/4.
Hai ngày sau, Musk vạch ra kế hoạch mua nền tảng với ban lãnh đạo, đồng thời công khai thông tin vào ngày 14/4. Động thái này khiến Twitter không hài lòng nên đã áp dụng chiến thuật phòng thủ "viên thuốc độc" nhằm đối phó nguy cơ bị thâu tóm. Trong đó, các cổ đông có thể mua lại cổ phần với giá rẻ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Musk và buộc ông ngồi vào bàn đàm phán.
Sau những cuộc trao đổi, hai bên cũng đi đến thống nhất rằng Musk sẽ mua lại công ty với giá 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, Twitter cho rằng Elon Musk bắt đầu lo lắng khi cổ phiếu công nghệ lao dốc. Sức hấp dẫn dần mất đi khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, lãi suất cho vay tăng cao. Các đợt bán tháo cũng khiến cổ phiếu Twitter và Tesla cùng suy giảm, ảnh hưởng tới nguồn tài chính chủ đạo của Musk.
Giữa lúc đó, tỷ phú Mỹ chuyển sang đặt câu hỏi về tài khoản spam trên Twitter, dù mạng xã hội luôn khẳng định chúng chiếm chưa đến 5% trong số 229 triệu tài khoản.
"Khi thị trường đi xuống, các cố vấn của Musk bắt đầu yêu cầu thông tin chi tiết về cách Twitter tính toán số người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền (mDAU) và ước tính số tài khoản spam hoặc giả mạo", đơn kiện có đoạn.
Ngày 13/5, Musk nêu ý định "hoãn mua Twitter". Mạng xã hội tỏ ra bất ngờ với thông báo này và cố vấn hai bên vội vã liên hệ với nhau. Hai tiếng sau đó, Musk khẳng định vẫn duy trì cam kết.
Nhưng chỉ vài ngày sau, tỷ phú Mỹ đăng biểu tượng cục phân khi CEO Agrawal đăng bài giải thích về vấn đề spam. Hành động này cũng được mô tả trong đơn kiện, khi Twitter tố Musk phá vỡ thỏa thuận bằng cách liên tục công kích công ty và nhân viên.
Ngày 8/7, các luật sư của Musk thông báo chính thức hủy thương vụ. Twitter cho biết đã nhiều lần tìm cách gặp Musk và xử lý vấn đề spam, nhưng không có cuộc họp nào diễn ra.
Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) từ 26/4, Twitter và Musk phải đền bù một tỷ USD nếu một trong hai bên chấm dứt hợp đồng. Khoản phí này được áp dụng nếu Musk không trả đủ tiền như cam kết; Twitter chấp nhận một đề nghị chào mua khác; hoặc các cổ đông bỏ phiếu bác đề nghị của Musk. Twitter cũng không được kêu gọi hay đàm phán với bất kỳ bên mua tiềm năng nào khác sau thỏa thuận, kể cả được trả giá cao hơn.
Twitter đã thuê hãng luật chuyên về mua bán, sáp nhập Wachtell, Lipton, Rosen & Katz để tham gia cuộc chiến pháp lý với Musk. Trong khi đó, tỷ phú Mỹ cũng thuê Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan, hãng luật từng giúp ông chiến thắng một cáo buộc phỉ báng năm 2019.
Giới chuyên gia đánh giá khả năng Elon Musk thua kiện rất cao, nhưng Twitter cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. "Nhìn chung, vụ kiện là một thất bại với Musk, đồng thời là một bộ phim kinh dị cho Twitter cùng nhân viên công ty. Kể từ khi phát sóng, không có người chiến thắng", nhà phân tích Daniel Ives của quỹ đầu tư Wedbush nhận xét hôm 13/7.
Trong khi đó, Harry Kraemer, Giáo sư tại Đại học Northwestern, gọi đây là "cú đấm tàn khốc" đối với nhân viên Twitter. "Một tổ chức được xây dựng bởi các nhân viên. Nhưng giờ đây, thay vì làm việc, nhân sự của Twitter dành phần lớn thời gian chờ xem ai sẽ là chủ công ty và điều gì sắp xảy ra với họ. Công việc ở Twitter đang bị đình trệ dù có muốn hay không", ông nói.
Điệp Anh (theo Guardian)