Một lính bắn tỉa Canada thuộc đơn vị đặc nhiệm JTF2 hôm 22/6 lập kỷ lục thế giới mới sau khi bắn hạ một tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ khoảng cách 3.540 m, theo Independent.
Để thực hiện được phát bắn diệt mục tiêu từ khoảng cách không tưởng này, tay súng bắn tỉa cùng trợ thủ sẽ phải vượt qua một loạt thách thức về kỹ thuật và môi trường.
Thách thức về độ cao
Các nguồn tin quân sự Mỹ và Canada cho biết người lính thực hiện phát bắn tỉa kỷ lục này từ vị trí ẩn nấp trên một tòa nhà cao tầng. Viên đạn cỡ 12,7 mm phải mất 10 giây kể từ khi rời nòng súng mới trúng mục tiêu.
Việc bắn từ nóc nhà cao tầng đòi hỏi xạ thủ phải tính toán chuẩn xác góc nâng của nòng súng và dự đoán điểm rơi của viên đạn. Các chuyên gia cho rằng tình huống thuận lợi nhất là xạ thủ điều chỉnh được góc nâng trong khoảng cách thực tế tại vị trí mà họ triển khai, loại bỏ được nhưng yếu tố dễ thay đổi trong quá trình ổn định súng khi bắn.
Điều đó đòi hỏi người trợ thủ phải nhanh chóng tính toán được chênh lệch độ cao giữa vị trí ẩn nấp của xạ thủ và mục tiêu để đưa ra phương án phù hợp nhất cho xạ thủ. Những tính toán này có thể được thực hiện bằng máy tính dã chiến mà họ mang theo, đảm bảo đường đạn đi chính xác nhất có thể.
Áp suất và nhiệt độ không khí
Đường đạn giúp xạ thủ Canada hạ phiến quân IS từ 3,5 km.
Một trợ thủ giỏi phải thực hiện lượng công việc gấp đôi một nhà khí tượng học thông thường. Quỹ đạo đường đạn sẽ bị thay đổi bởi tác động của áp suất không khí và khoảng cách.
Ở khoảng cách 3,5 km, có rất nhiều yếu tố thay đổi liên tục có thể khiến phát bắn chệch mục tiêu. Độ loãng của không khí có thể ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo bay của viên đạn, làm chệch mục tiêu nếu không được xạ thủ lưu tâm.
Nhiệt độ cũng ảnh hướng rất nhiều đến phát bắn. Các thử nghiệm chỉ ra rằng khi nhiệt độ môi trường lên 40 độ C, đường đạn có thể ăn lên 3,8 cm. Ở khoảng cách 3,5 km, nhiệt độ không khí có thể làm sai lệch đáng kể đường đạn, kể cả với súng cỡ 12,7 mm.
Tác động từ gió
Các yếu tố thay đổi trên có thể tính toán bằng thiết bị tính toán cầm tay trước khi nổ súng, nhưng mức độ mạnh, nhẹ của gió trên suốt quãng đường 3,5 km của viên đạn thì con người cần phải quan sát trực tiếp và có những điều chỉnh tức thời.
Trước tiên, trợ thủ cần trong nghiên cứu nhiều giờ liên tục, nhằm nhận biết được sự thay đổi của tốc độ gió qua sự chuyển động của cành, lá, bụi hoặc độ căng của lá cờ…. Ngay trước khi nổ súng, trợ thủ sẽ thông báo hướng gió bên trái hoặc phải với khoảng cách tính bằng km, phụ thuộc vào những gì quan sát được.
Khó khăn cũng tồn tại ngay cả trong điều kiện lặng gió. Hiện tượng ảo giác lập tức xuất hiện khi không khí bốc lên và cảm giác như khu vực của mục tiêu bị nâng lên. Hình ảnh của phiến quân có thể bị phản xạ do khí nóng, càng làm tăng thêm khó khăn cho xạ thủ.
Nguyễn Hoàng