Quân đội Na Uy ngày 20/3 thông báo đã bàn giao 8 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 cho Ukraine. Với thông báo này, quân đội Ukraine hiện sở hữu ít nhất 22 xe tăng Leopard 2, sau đợt chuyển giao 14 chiếc của Ba Lan hồi đầu tháng.
Xe tăng Leopard 2 bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine sau khi Đức cuối tháng 1 chấp thuận chuyển loại khí tài hiện đại này cho Kiev và đồng ý để các nước khác làm điều tương tự. Một số nước như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Phần Lan và Canada đã cam kết chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, song chưa rõ thời điểm bàn giao.
Mỹ cũng đã cam kết viện trợ xe tăng M1 Abrams, trong khi Anh đồng ý chuyển mẫu Challenger 2, giúp Ukraine xây dựng lực lượng tăng thiết giáp hiện đại theo chuẩn NATO, đối phó với đà tấn công của lực lượng Nga. Quân đội Ukraine tin rằng xe tăng phương Tây sẽ đóng vai trò quan trọng giúp họ xoay chuyển cục diện trên chiến trường.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc phương Tây cùng lúc chuyển ba mẫu xe tăng chủ lực khác nhau sẽ khiến Ukraine phải đối mặt với thách thức hậu cần rất lớn, khi các loại khí tài này đều rất phức tạp và đòi hỏi quy trình bảo dưỡng, sửa chữa riêng biệt.
Xe tăng chủ lực hiện đại là khí tài phức tạp, hiệu quả tác chiến của chúng phần lớn đến từ hệ thống máy tính và thiết bị điện tử tinh vi bên trong, giúp xác định mục tiêu để khai hỏa pháo một cách nhanh chóng, chính xác.
Tuy nhiên, những thiết bị hiện đại này đòi hỏi công tác bảo dưỡng và sửa chữa rất phức tạp, buộc đội ngũ lái xe cho tới tuyến hậu cần hỗ trợ cần được đào tạo kỹ lưỡng. Các kíp lái Ukraine đang tham gia khóa huấn luyện vận hành xe tăng Leopard 2 dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu (EU) tại Ba Lan, cách tiền tuyến phía đông Ukraine hàng trăm km.
Mark Hertling, chuyên gia quân sự từng chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 1 của lục quân Mỹ, cho hay việc bảo trì, sửa chữa và duy trì chuỗi cung ứng linh kiện cũng quan trọng không kém công tác huấn luyện kíp lái để giữ cho xe tăng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
"Những người liên tục nói rằng 'cứ chuyển số xe tăng đó cho họ đi' có thể chưa bao giờ thấy công việc quay cuồng trên chiến trường để đảm bảo khả năng vận hành của khí tài. Trong chiến đấu, chỉ cần mắc vài sai sót nhỏ là có thể dẫn đến thảm họa, khiến những cỗ xe tăng đắt tiền biến thành khối kim loại bất động, vô dụng", ông Hertling cảnh báo.
Nicholas Drummond, chuyên gia công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực tác chiến trên bộ, cho hay xe tăng Leopard 2 của Đức được thiết kế để lính nghĩa vụ có thể bảo dưỡng, khác mẫu M1 Abrams và Challenger 2 cần binh sĩ chuyên nghiệp vận hành.
"Lính nghĩa vụ có thời gian huấn luyện ít hơn, do đó xe tăng có thiết kế đơn giản hơn như Leopard 2 giúp giảm khả năng mắc sai sót của con người trong quá trình vận hành và bảo trì", Drummond cho biết.
Blake Herzinger, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cũng nhận định Leopard 2 có lợi thế hơn đáng kể so với M1 Abrams và Challenger 2, bởi các nước châu Âu đang biên chế số lượng lớn, xe có hệ thống ít phức tạp hơn, chạy bằng nhiên liệu dễ tiếp cận nhất và có sẵn đạn.
Đức đã chế tạo hơn 3.600 xe tăng Leopard 2, hàng loạt phiên bản đang được biên chế trong quân đội Đức và 13 nước châu Âu, cũng như nhiều quốc gia ở ngoài khu vực.
"Xe tăng hiệu quả nhất với Ukraine chính là loại mà họ có thể vận hành và bảo trì dễ dàng nhất", Herzinger nói.
Drummond cũng nhấn mạnh khả năng huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng thuần thục loại xe tăng được giao quan trọng hơn rất nhiều so với mức độ phức tạp, tinh vi của loại khí tài họ sử dụng.
Drew Thompson, chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định M1 Abrams do Mỹ sản xuất nên mẫu xe tăng này "có chuỗi hậu cần rất dài, kéo đến tận Mỹ".
Các bộ phận quan trọng của M1 Abrams khi bị hao mòn hoặc hư hại trong chiến đấu cần được thay thế bằng phụ tùng đến từ Mỹ, khiến thách thức hậu cần với cả Kiev lẫn Washington tăng lên đáng kể. "Hỗ trợ sửa chữa xe tăng Leopard 2 từ cơ sở hậu cần ở châu Âu chắc chắn là điều tốt hơn", ông Thompson nói.
Số lượng xe tăng Leopard 2 có sẵn ở châu Âu cũng mang đến lợi thế lớn hơn. "Phụ tùng thay thế cho Leopard 2 luôn có sẵn từ nhiều nguồn", chuyên gia Drummond cho biết.
Hertling nhận định xe tăng Leopard 2 có thể tham chiến trong khoảng 2-3 tháng tới, còn M1 Abrams có thể phải sau 8 tháng hoặc hơn. "Đó là tốc độ cực nhanh để cung cấp và chuẩn bị cho một lực lượng vũ trang chưa từng được huấn luyện vận hành những phương tiện này", ông Hertling nhận định.
Giới chuyên gia phương Tây vẫn lạc quan rằng dù xe tăng Leopard 2 và M1 Abrams có thể mất nhiều thời gian để ra chiến trường, quân đội Ukraine vẫn rất cần chúng trong tương lai. Họ cho rằng Ukraine có thể không sớm gia nhập NATO, song nước này sẽ được trang bị vũ khí như một thành viên liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
"Điều này sẽ đảm bảo không chỉ số lượng mà còn chất lượng của các thiết bị có sẵn, cho phép Ukraine hội nhập hiệu quả hơn với NATO cũng như các hệ thống bảo trì và hậu cần khác của phương Tây", chuyên gia quân sự Frank Ledwidge tại Đại học Portsmout nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)