![]() |
Bà Park Geun-hye vẫy tay trước đám đông người ủng hộ sau lễ nhậm chức hôm qua. Ảnh: AFP |
Đất nước Hàn Quốc từng trải qua 18 năm sống dưới chế độ độc tài của ông Park Chung-hee, cha đẻ nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Park Geun-hye. Nhiều người còn chưa bao giờ hết nghi ngờ khả năng lèo lái đất nước của bà trước bối cảnh khoảng cách giàu nghèo không ngừng gia tăng, cũng như sự trì trệ của nền kinh tế. Đáp lại, hồi tháng 12, Park Geun-hye từng tuyên bố, bà sẽ một lần nữa lặp lại "Kỳ tích sông Hàn", cụm từ mà người ta thường sử dụng khi nhắc tới những gì mà cha bà từng làm được sau chiến tranh Hàn-Triều.
Riêng với Triều Tiên, chương trình thử nghiệm hạt nhân gây tranh cãi mới đây của nước này đã kiểm chứng lời hứa của bà Park về việc mềm hóa chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng. Trả lời trước báo giới, bà Park từng tuyên bố sự kiện hôm 12/2 là "hiểm họa đe dọa tới sự tồn vong và tương lai của con dân Hàn Quốc", đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng nên từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này và hành động vì hòa bình.
"Đừng mắc phải những sai lầm mà nạn nhân lớn nhất không ai khác chính là bản thân Triều Tiên", bà nói trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách tổng thống.
Lễ nhậm chức của bà Park đã đi vào lịch sử Hàn Quốc, trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn người, cùng với sự tham gia của Cố vấn An ninh Quốc gia, Mỹ Tom Donilon, Thủ tướng Thái Lan, Yingluck Shinawatra và Phó thủ tướng Nhật Bản, Taro Aso.
Cùng thời điểm đó, ở bên kia biên giới, hãng tin KCNA của Triều Tiên hùng hồn tuyên bố cuộc tập trận chung thường niên giữa Hàn Quốc và Mỹ chính là một buổi diễn tập xâm lược, mà mục tiêu chính là Bình Nhưỡng.
"Nước Mỹ hiếu chiến phải hiểu rằng, việc đối đầu với DPRK sẽ chỉ mang lại những hậu quả nghiêm trọng", Triều Tiên cho hay. Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Mỹ cùng các đồng minh sẽ bị "chìm trong biển lửa" nếu họ tiến hành xâm lăng miền bắc.
Hiện tại, cả Bình Nhưỡng, Washington, Bắc Kinh và Tokyo đều đang chờ đợi những hành động đầu tiên của bà Park. Liệu bà sẽ mang tới sự yên bình cho bán đảo này trong 5 năm tới, hay sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn như những gì người tiền nhiệm, ông Lee Myung-bak từng làm.
Lựa chọn của bà Park sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cách thức tiếp cận về mặt ngoại giao mà mà Washington và nhiều quốc gia khác sẽ sử dụng để khuyến khích Triều Tiên từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Nếu bà Park Geun-hye muốn kiềm chế, nước Mỹ sẽ hỗ trợ bà ấy", Victor Cha, cựu cố vấn cấp cao về châu Á của cựu tổng thống George W. Bush, nói. "Nhưng nếu Park Geun-hye, sau vài tháng, lại muốn chiến tranh, thì nước Mỹ vẫn sẽ đi cùng bà ấy", ông nói thêm.
Tháng đầu tiên của của bà Park tại nhiệm sở được dự đoán là sẽ rất khó khăn. Triều Tiên từng cảnh báo sẽ dùng thêm "hai và ba biện pháp khác với cường độ mạnh hơn và không thể dự đoán trước", nếu Washington và đồng minh tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt lên nước này.
Hôm qua, tân Tổng thống Park Geun-hye đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên bằng việc gặp gỡ các nhà lập pháp, bàn luận về kế hoạch tái cơ cấu chính phủ, bao gồm việc thành lập và cải tiến một số bộ ngành. Tuy nhiên, vài người trong nội các mới của bà Park lại đang bị cáo buộc trốn thuế, đầu cơ bất động sản và có những vấn đề về mặt đạo đức.Bà còn bị chỉ trích vì tỏ ra ưu tiên một số cộng sự thân cận, cất nhắc họ vào nhiều vị trí cao cấp.
Park Geun-hye lên nắm quyền điều hành đất nước cũng đồng nghĩa với việc bà đã nắm vai trò tiên phong khẳng định sức mạnh phụ nữ ở Hàn Quốc, đất nước có sự chênh lệnh giữa thu nhập của nam và nữ cao nhất trong khối các quốc gia phát triển. Thế nhưng, bà Park chỉ trao hai trong số 18 vị trí ở nội các cho phụ nữ. Trước đó, cựu tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của ông Lee, đã giành 4 vị trí ở nội các cho phái yếu.
Bà Park cũng đã trao nhiều vị trí hàng đầu trong chính phủ cho những người từng có quan hệ chặt chẽ với người cha quá cố Park Chung-hee. Ông Park là một chính trị gia đặc biệt, vừa bị chỉ trích như một nhà độc tài và vi phạm quyền con người, vừa được tôn vinh như người đã đưa đất nước Hàn Quốc đi lên từ đống đổ nát của nền kinh tế sau chiến tranh Hàn-Triều. Trong suốt chiến dịch tranh cử gây tranh cãi, nữ tổng thống đã đáp lại những lời chỉ trích của phe tự do bằng việc tiếp cận gia đình các nạn nhân của chế độ độc tài mà cha bà từng đứng đầu trước kia.
Park Geun-hye cho hay, bà không vội thay đổi những chính sách cũ, thứ từng được xây dựng để đề phòng các hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng còn phụ thuộc phần lớn vào Kim Jong-un, rằng nhà lãnh đạo trẻ sẽ lựa chọn điện năng, "của hiếm" ở Triều Tiên, hay bom, thứ có thể đặt vừa một chiếc tên lửa và nhằm thẳng vào nước Mỹ.
Bản thân người Hàn Quốc, sau thời gian cầm quyền của ông Lee, đang rất thất vọng trước tình hình quan hệ liên Triều. Chỉ trong 5 năm, họ đã phải chứng kiến hai vụ thử nghiệm hạt nhân và ba vụ phóng tên lên lửa tầm xa của Triều Tiên. Đó là chưa kể tới những cuộc tấn công mà Bình Nhưỡng bị buộc tội đã khiến 50 người Hàn Quốc thiệt mạng hồi năm 2010.
Mặc dù đề cao quốc phòng, nhưng bà Park cũng mong muốn tăng cường lòng tin giữa hai nước bằng việc tiến hành những chuyến hàng viện trợ, tổ chức các cuộc đàm phán song phương và nối lại một số sáng kiến kinh tế quy mô lớn. Nhiều khả năng bà cũng sẽ tổ chức một hội nghị với sự tham gia của Chủ tịch Kim Jong-un.
Trước đó, bà Park từng khiến công chúng bất ngờ khi quyết định tổ chức một buổi hội đàm bí mật với cố chủ tịch Kim Jong-il hồi năm 2002.
"Tôi không nghĩ hành động khiêu khích mới nhất này (vụ thử hạt nhân) có thể phá hoại toàn bộ tư duy nền tảng của bà Park và khiến bà ấy quyết định tái gây chiến với Bình Nhưỡng", John Delury, một chuyên gia phân tích tại Đại học Yonsei, Seoul, nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang thực sự cần những viện trợ và đầu tư quy mô lớn từ Hàn Quốc.
Quỳnh Hoa (theo AP)