Trong bối cảnh Covid-19 càn quét toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết khu vực trên thế giới, Đông Nam Á được đánh giá xử lý đại dịch tốt hơn những nơi khác, chỉ sau khu vực Đông Bắc Á. Lào, Campuchia và Đông Timor tới nay chưa ghi nhận ca tử vong nào vì nCoV, trong khi số người chết tại Brunei, Singapore và Việt Nam rất thấp, lần lượt là 3, 29 và 35.
Bilahari Kausikan, cựu bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, trong một bài bình luận trên Nikkei cho rằng với những người lạc quan, người dân Đông Nam Á đang sống ở khu vực tốt nhất có thể của thế giới giữa đại dịch. Tuy nhiên, những người tin vào tương lai tươi sáng hơn trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ thất vọng, Kausikan viết.
Covid-19 đã cho thấy một số sai lầm trong chính sách phòng chống dịch tại một số quốc gia như Indonesia, Malaysia và Philippines. Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đã ghi nhận hơn 713.000 ca nhiễm và hơn 21.000 người chết, thúc đẩy chính phủ siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Philippines và Malaysia cũng lần lượt là gần 470.000 và hơn 105.000.
Niềm hy vọng thoát khỏi đại dịch giờ đây được đặt vào các loại vaccine Covid-19. Công tác tiêm chủng dự kiến được triển khai trên diện rộng vào năm sau. Mặc dù vậy, Kausikan cảnh báo vaccine không thể giúp khắc phục những thiếu sót trong chiến lược chống dịch của chính phủ. Vì vậy, những nơi dịch bùng phát mạnh vẫn sẽ phải nỗ lực để tránh bị khủng hoảng nhấn chìm trong năm 2021.
Đối với những nước Đông Nam Á đã kiềm chế Covid-19 tương đối tốt, không thể loại trừ mối đe dọa từ làn sóng đại dịch tiếp theo, bởi sự mệt mỏi của công chúng vì dịch bệnh kéo dài có nguy cơ khiến virus âm thầm len lỏi.
Theo Kausikan, việc thuyết phục người dân tránh tự mãn và tiếp tục tuân thủ hướng dẫn y tế sẽ là thử thách thực sự, đặc biệt trong bối cảnh các nước không thể mãi đóng cửa với nhau và với thế giới, khi gánh nặng kinh tế đang ngày càng chồng chất và chưa thể biết tổng thiệt hại cuối cùng.
Mặt khác, hy vọng vẫn được thắp lên đối với một số quốc gia ASEAN trong năm sau. Nếu đại dịch giúp đẩy nhanh tốc độ số hóa, những nền kinh tế tiên tiến trong khu vực có thể giành lợi thế trước các đối thủ, không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. Những nước Đông Nam Á còn lại có khả năng được hưởng lợi từ việc các công ty rời khỏi Trung Quốc và một số nơi khác.
Tuy nhiên, Kausikan đánh giá đây mới chỉ là các khả năng, chưa phải điều chắc chắn, bởi phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của các chính phủ trong việc thích ứng nhanh chóng, cải thiện môi trường kinh doanh, lấp đầy những lỗ hổng trong cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, đồng thời phát triển hệ sinh thái các ngành công nghiệp bổ trợ.
Cựu quan chức ngoại giao này chỉ ra rằng Covid-19 đã làm gia tăng "chủ nghĩa dân tộc về kinh tế" giữa các nước với nhau, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, các nước trong khu vực sẽ phải rất nỗ lực vào năm 2021 để ngăn yếu tố này ảnh hưởng đến quan hệ giữa các thành viên ASEAN, bởi suy cho cùng, chính trị đóng vai trò chủ chốt đối với thành công trên bình diện quốc gia và khu vực của Đông Nam Á.
Theo Kausikan, mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong năm 2021 về cơ bản sẽ không thay đổi, và triển vọng về một viễn cảnh tươi sáng hơn so với năm nay khó có thể xảy ra.
"Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đề cập nhiều hơn về vai trò trung tâm của ASEAN cũng như những thỏa thuận thương mại đa phương như RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) hay CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương", Kausikan dự đoán. Ông cũng cho rằng nước Mỹ dưới thời Biden sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc, tăng cường các hoạt động thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời gia tăng sức ép về thương mại và công nghệ.
Tuy nhiên, cựu quan chức Singapore chỉ ra rằng chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc tái xây dựng mối quan hệ với các đồng minh, vốn bị sứt mẻ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Do đó, ASEAN có thể trở thành mối quan tâm thứ yếu của Mỹ, trừ khi các nước trong khu vực có thể thống nhất ý chí chính trị để hành động tập thể trong việc ủng hộ những mục tiêu của Washington.
Các đề cử của Biden cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng là những người "lão làng" trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng họ chưa có kinh nghiệm nào đặc biệt hoặc mối liên hệ với Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử trong chính quyền Biden thậm chí không có kinh nghiệm đáng kể về khu vực châu Á, trừ Trung Đông.
Kausikan cho rằng không ai trong số những ứng viên này có khả năng bị ấn tượng mạnh với phong cách ngoại giao thận trọng và theo lớp lang của ASEAN, trong đó hình thức và quá trình cũng quan trọng như kết quả. Mỹ trong năm tới có lẽ vẫn sẽ ưu tiên quan hệ song phương với những đồng minh lớn như Nhật, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của Biden trên cương vị tổng thống sẽ là vấn đề y tế trong nước và giải quyết hậu quả kinh tế do Covid-19, giữa áp lực "tứ phía" từ đảng Cộng hòa và phe cấp tiến trong chính đảng Dân chủ. Những chức vụ cấp thấp hơn trong chính quyền và các ghế đại sứ có thể phải dùng để phục vụ mục tiêu chính trị.
Theo Kausikan, ASEAN nên giữ bình tĩnh nếu không được chính quyền Biden chú trọng ở mức độ như mong đợi của họ, trong bối cảnh Trung Quốc luôn có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức và cần tới sự cân bằng.
"Hầu hết quốc gia Đông Nam Á đều hiểu rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực vẫn là yếu tố không thể thay thế đối với bất kỳ sự cân bằng chiến lược nào. Sự cân bằng đó là điều kiện thiết yếu trong mối quan hệ với Trung Quốc", Kausikan nói.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)