Khi Covid-19 lây lan khắp thế giới trong giai đoạn cuối tháng 2 và tháng 3, giới chuyên gia bệnh truyền nhiễm quốc tế đưa ra dự báo dường như rất thảm khốc, rằng khoảng 1% người nhiễm sẽ chết, gấp 10 lần tỷ lệ tử vong của bệnh cúm thông thường.
Nhưng đến nay, theo nhiều hệ thống theo dõi Covid-19 không chính thức, tỷ lệ người chết trên số ca nhiễm nCoV trên toàn cầu đã lên tới khoảng 6,4% và không đồng đều giữa các nước.
Tỷ lệ tỷ vong của Italy là khoảng 13%, trong khi Mỹ khoảng 4,3%. Ở Hàn Quốc, quốc gia áp dụng chiến lược xét nghiệm rộng khắp giúp kiểm soát Covid-19, tỷ lệ tử vong vẫn lên tới 2%.
Con số này cũng khác nhau tùy theo địa lý: Tỷ lệ tử vong ở Đức bằng khoảng 1/10 của Italy, hay ở Los Angeles bằng một nửa so với New York. Trong số các bang của Mỹ, Michigan là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất với khoảng 7%, trong khi Wyoming chỉ khoảng 0,7%.
Các chuyên gia virus học nói rằng không có bằng chứng cho thấy nCoV đã đột biến để trở nên nguy hiểm hơn ở khu vực này so với khu vực khác. Điều này đặt ra câu hỏi rằng tại sao Covid-19 lại gây ra tỷ lệ tử vong khác nhau giữa các quốc gia nhiều như vậy.
Việc xác định tỷ lệ tử vong thực sự là một thách thức với bất cứ quốc gia nào, khi đại dịch vẫn hoành hành, bởi các số liệu liên tục thay đổi. Các nhà dịch tễ học cho rằng tỷ lệ tử vong được báo cáo thường cao hơn so với thực tế, bởi trong khi số người chết tương đối dễ xác định, việc thống kê số người nhiễm khó hơn rất nhiều.
Giới chức y tế và các nhà dịch tễ học ước tính tại một số cộng đồng dân cư, khi một người được xác định dương tính với nCoV, khoảng 5-10 người khác bị lây nhưng không được phát hiện.
Ngoài ra, các ca tử vong bao giờ cũng xảy ra sau nhiễm. Hàng nghìn người chết vì nCoV ở Mỹ tuần này rất có thể đã bị nhiễm từ trước đó cả tháng. Do đó, khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm ở một số điểm nóng như thành phố New York, tỷ lệ tử vong gần như chắc chắn sẽ tăng lên.
"Để biết tỷ lệ tử vong, bạn cần biết có bao nhiêu người nhiễm và bao nhiêu người chết vì căn bệnh này. Chúng ta biết có bao nhiêu người chết, nhưng không biết chắc có bao nhiêu người đã nhiễm", Ali H. Mokdad, giáo sư tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, Đại học Washington ở Seattle, Mỹ, cho hay.
Thực tế, ngay cả số người chết ở Mỹ, Trung Quốc hay nhiều nước khác trên thế giới cũng chưa được thống kê đầy đủ. Những ca tử vong vì Covid-19 ở nhà riêng dường như không được báo cáo. Thành phố New York đã tăng thêm 3.700 ca tử vong vào 14/4, sau khi giới chức nói rằng họ đang thống kê cả những người chưa xét nghiệm nCoV nhưng được cho là chết vì Covid-19.
Thành phố Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, gần đây cũng sửa số liệu, khiến số ca tử vong tăng thêm 50%, sau khi tính cả các trường hợp chưa được báo cáo, báo cáo muộn hay nhầm lẫn hoặc những người tử vong tại nhà chưa được xét nghiệm.
Nhưng những ca tử vong bị thống kê thiếu gần như chắc chắn không sánh được với số ca nhiễm tăng quá nhanh. Tỷ lệ tử vong được các thị trưởng và thống đốc công bố trong họp báo về Covid-19 thường dựa trên dữ liệu về số người nhiễm là những người đã có triệu chứng và được xét nghiệm, chưa tính đến những người không có triệu chứng.
Các nhà dịch tễ học gọi đó là "định kiến về mức độ nghiêm trọng". Đó là lý do tỷ lệ tử vong ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, ban đầu được báo cáo ở mức 2-3,4%, nhưng sau đó được sửa thành 1,4% và có thể còn thấp hơn.
Một trường hợp lý tưởng để các nhà dịch tễ học tìm ra tỷ lệ tử vong chính xác là du thuyền Diamond Princess, khi gần như toàn bộ 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn đã được xét nghiệm nCoV, sau khi ổ dịch Covid-19 bùng phát ở đây. Tỷ lệ tử vong trên số ca (CFR), được tính với những người nhiễm có triệu chứng, là 2,6%, trong khi tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm (IFR), tính cả những người nhiễm không triệu chứng, chỉ là 1,3%, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra du thuyền Diamond Princess là một không gian hẹp, khép kín, nên không giống với thực tế ở các thành phố.
Số người nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới là hơn 2 triệu và hơn 150.000 người đã chết. Mỹ đã báo cáo hơn 710.000 người nhiễm và hơn 37.000 trường hợp tử vong, trở thành vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Nhưng rất nhiều người nhiễm nCoV không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ chưa được thống kê.
Đối mặt với tình trạng thiếu bộ xét nghiệm và lo sợ thiếu giường chăm sóc tích cực, nhiều bệnh viện ở Mỹ từ chối xét nghiệm hoặc tiếp nhận những người có nồng độ oxy trong cơ thể trên 90%.
Việc xét nghiệm cả những người có triệu chứng nhẹ là yếu tố quan trọng để xác định số người nhiễm nCoV, nhưng khả năng xét nghiệm ở nhiều nơi còn rất hạn chế.
"Đối với những người có triệu chứng nhẹ, tôi sẽ để họ về nhà. Điều đó góp phần tạo ra sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong, theo đó không phản ánh được thực tế", Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Viện An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, bác sĩ cấp cứu tại Pittsburgh, cho biết.
Ngay cả khi xét nghiệm trở nên phổ biến hơn đối với người Mỹ có triệu chứng nhiễm nCoV, tỷ lệ những người nhiễm không có hoặc có triệu chứng nhẹ vẫn là ẩn số. Đây là tình trạng chung ở nhiều nơi có tỷ lệ người tử vong trên 100.000 dân cao nhất, bao gồm New York (55), Tây Ban Nha (40), Bỉ (36), Italy (35), New Jersey (32), Pháp (23) và Louisiana (22).
Iceland cũng có thể trở thành một ví dụ điển hình cho thấy có rất nhiều người nhiễm nCoV không triệu chứng. Quốc gia này đã xét nghiệm 6% dân số và có lẽ là nước có tỷ lệ xét nghiệm cao nhất so với các quốc gia khác. Trong số những người có kết quả dương tính với nCoV, 43% không có triệu chứng vào thời điểm đó, mặc dù có thể họ sẽ xuất hiện triệu chứng sau đó.
Tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm (IFR) được theo dõi rất chặt chẽ, bởi chỉ cần giảm rất ít, ví dụ từ 1% xuống 0,9%, cũng có nghĩa là số người tử vong ở một quốc gia đông dân như Mỹ có thể ít hơn vài trăm nghìn người. Nó cũng được sử dụng như một căn cứ để điều chỉnh những biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm giảm số người chết, nhưng có thể gây tổn thương nền kinh tế.
Trong những tháng tới, khi việc xét nghiệm xác định kháng thể trong máu người vô tình nhiễm nCoV trở nên phổ biến, nó sẽ giúp các nhà khoa học thống kê được đầy đủ hơn số ca nhiễm trong các cộng đồng dân cư khác nhau.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) gần đây đều thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sử dụng xét nghiệm kháng thể trong máu để xác định tỷ lệ người Mỹ nhiễm nCoV. Covid-19 có thể được chứng minh ít nguy hiểm hơn những dự đoán ban đầu, với tỷ lệ IFR dưới 1%, theo bài viết của tiến sĩ Anthony Fauci và H. Clofford Lane thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cùng tiến sĩ Robert R. Redfield, giám đốc CDC, đăng trên Tạp chí Y khoa New England ngày 26/3.
Nhưng công chúng không nên có cảm giác an toàn sai lầm khi những thống kê tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn, theo cảnh báo của các nhà dịch tễ học.
Tỷ lệ IFR của các chủng cúm mùa, khiến hàng chục nghìn người Mỹ tử vong mỗi năm, chỉ khoảng 0,1%. Như tiến sĩ Fauci, quan chức về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, từng nói với các nghị sĩ hồi tháng 3 khi kêu gọi họ có những biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt hơn, Covid-19 là "một căn bệnh thực sự nguy hiểm".
Sự thiếu nhất quán về số ca tử vong và nhiễm nCoV giữa các khu vực ở Mỹ là do nhiều yếu tố: thời điểm phát hiện ca nhiễm đầu tiên của một khu vực, mật độ dân số, phân bố tuổi và tỷ lệ người có bệnh lý nền, theo một báo cáo của CDC công bố tuần này. Ngoài ra, nó cũng bị chi phối bởi thời gian và mức độ của các biện pháp kiểm soát dịch mà các lãnh đạo vùng đưa ra, cũng như khả năng xét nghiệm và cách thức báo cáo của hệ thống y tế công cộng.
Tỷ lệ tử vong 2/100.000 dân ở California, thấp hơn 27,5 lần so với New York, được cho là nhờ giới chức bang đã thực thi sớm cách ly tại nhà, đồng thời văn hóa làm việc từ xa ở California cũng giúp người dân dễ dàng thích nghi với những hạn chế. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, việc so sánh trở nên khập khiễng khi New York đóng vai trò là trung tâm kinh doanh của thế giới và là nơi có mật độ dân số cao, nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh.
"So sánh New York với California là không công bằng. Đúng là Thống đốc California đã phong tỏa sớm hơn, nhưng chúng ta không thể lấy điều đó ra để so sánh. Bởi mật độ người quá đông là điều bất lợi hơn đối với New York", tiến sĩ Mokdad nhận định.
Biên tập viên Amy Harmon của NYTimes nhận định tỷ lệ dân số già, điều kiện sống chênh lệch và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế không đồng đều giữa các cộng đồng dân cư cũng là yếu tố chi phối tới tỷ lệ tử vong. Italy, đất nước có dân số già thứ hai trên thế giới với gần 1/4 người trên 65 tuổi, có thể là một minh chứng rõ ràng, khi quốc gia châu Âu này hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, với hơn 172.000 người nhiễm và gần 23.000 người chết vì Covid-19.
Ngay cả khi nhiều khu vực của Mỹ chuẩn bị mở cửa, số ca nhiễm vẫn đang tăng lên ở Florida và nhiều bang miền nam, nơi các thống đốc trì hoãn đóng cửa các bãi biển và nhà hàng. Tỷ lệ nhiễm nCoV, cũng như tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm, là điều khiến các chuyên gia y tế đau đầu tìm cách xác định.
"Mọi người trên khắp nước Mỹ đều dễ tổn thương trước Covid-19. Không ai có thể miễn dịch. Nó hoàn toàn khác cúm. Chỉ với vài ca ban đầu, Covid-19 đã lây lan kinh hoàng ở New York", Andrew Noymer, phó giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học California ở Irvine, nhận định. Theo ông, khi chưa hiểu rõ về nCoV, nếu cách biệt cộng đồng kết thúc sớm trong lúc chưa có vaccine hay thuốc đặc trị, sẽ có thêm nhiều người nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)