Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố ông sẽ "rời đi một cách tôn trọng" nếu cảm thấy cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "không đạt kết quả". Giới phân tích cho rằng tuyên bố này của Trump cho thấy ông đã cảm nhận được những thách thức sẽ phải đối mặt trong cuộc gặp lịch sử.
Theo bình luận viên Tom O’Connor của Newsweek, Trump đã khiến giới quan sát, thậm chí là nhiều cố vấn thân cận, ngạc nhiên khi chấp nhập lời mời gặp được Kim Jong-un đưa ra tháng trước. Hôm 17/4, ông xác nhận cuộc gặp có thể diễn ra vào đầu tháng 6 hoặc "sớm hơn một chút", đồng thời tiết lộ Giám đốc CIA, người sắp giữ chức Ngoại trưởng, hồi đầu tháng 4 đã tới Bình Nhưỡng để gặp Kim Jong-un, với kết quả là "mối quan hệ tốt đã hình thành".
Những tuyên bố này của Trump trái ngược hoàn toàn với cuộc khẩu chiến mà lãnh đạo Mỹ - Triều tung ra hồi năm ngoái, khi hai bên khoe "nút bấm hạt nhân" và đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân để hủy diệt đối phương.
Bình luận viên Harry J. Kazianis của Fox News đánh giá cao nỗ lực của Trump trong việc vừa gây sức ép tối đa với Triều Tiên vừa tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo, nhưng khẳng định Nhà Trắng cần phải cảnh giác với những thách thức trước mắt.
Lịch sử cho thấy Triều Tiên đã nhiều lần "qua mặt" Mỹ và phương Tây trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của mình, theo Kazianis. Ông Kim Jong-un cũng đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng kho vũ khí hạt nhân và sẽ không dễ dàng từ bỏ "thanh gươm báu hộ quốc" này.
Bình Nhưỡng luôn coi vũ khí hạt nhân là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quốc gia trước các hành động quân sự của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là sau các bài học lịch sử ở Iraq và Lybia. Một khi không có vũ khí răn đe hiệu quả, Triều Tiên lo ngại chế độ có thể bị lật đổ, đất nước có thể chìm trong chiến tranh sau động thái can thiệp quân sự của phương Tây.
Bởi vậy, Kazianis lo ngại rằng Triều Tiên có thể tìm mọi cách để đưa ra những lời đảm bảo chung chung nhằm lôi kéo Mỹ và các đồng minh vào những cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều năm, nhưng rốt cuộc sẽ không chịu từ bỏ điều gì.
Các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc sẽ giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh nguyên thủ quốc tế và củng cố vị thế của mình, cho người dân Triều Tiên thấy ông có thể đứng ngang hàng với các lãnh đạo quyền lực nhất.
Điều này sẽ giúp ông Kim gia tăng sự ủng hộ trong nước, cho dư luận thấy rằng ông xứng đáng với sự tôn kính và lòng trung thành của họ, khi ông đã coi thường và chế ngự được những lời đe dọa của Mỹ.
Triều Tiên và Hàn Quốc dự kiến hội đàm cấp cao vào tuần tới, nhưng Bình Nhưỡng đến nay chưa đề cập gì đến việc loại bỏ vũ khí hạt nhân. Kazianis cho rằng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Triều Tiên chưa thực sự có thiện chí đối với hướng tiếp cận phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phương Tây, nhưng các nỗ lực thất bại của nhiều đời tổng thống Mỹ trước đây cho thấy việc đáp ứng các yêu cầu này là nhiệm vụ rất khó khăn, ngay cả với những nhà ngoại giao lão luyện.
Để đi tới được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, quan chức hai nước sẽ phải trải qua nhiều vòng đàm phán. Trong các cuộc đàm phán này, nếu mục tiêu của chính quyền Trump là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải đưa ra được định nghĩa "phi hạt nhân hóa". Kazianis cho rằng các quan chức Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tranh luận quyết liệt về khái niệm này.
Khi khái niệm "phi hạt nhân hóa" đã được thống nhất, thách thức tiếp theo mà chính quyền Trump phải đối mặt là vạch ra lộ trình cụ thể để Triều Tiên thực hiện cam kết. Bình Nhưỡng có thể đưa ra những điều kiện để thực hiện điều này và Washington có thể bị "sập bẫy" nếu đáp ứng các điều kiện đó trước khi cam kết được thực hiện.
Khó khăn lớn nhất đối với Mỹ là việc xác minh Triều Tiên đã từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hay chưa. Nếu Bình Nhưỡng không đưa ra được những bằng chứng vững chắc cho thấy họ đã tiêu hủy các đầu đạn hạt nhân và cơ sở sản xuất chúng, mục tiêu của Trump sẽ không thể hoàn thành.
Trong trường hợp đó, các chuyên gia cho rằng Mỹ không nên từ bỏ việc gây sức ép tối đa với Triều Tiên trước khi đạt được kết quả rõ ràng và có thể kiểm chứng. Nỗ lực này cần sự phối hợp, đồng lòng của các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực, nhưng nỗi hoài nghi của họ với chiến lược của Washington đang ngày càng lớn hơn với những thay đổi liên tục trong giọng điệu của Trump.
Trong một phiên họp thượng viện hôm qua, thượng nghị sĩ Chuck Schumer lo ngại rằng chiến lược đối ngoại "thay đổi từng ngày, từng giờ" của Tổng thống sẽ có tác động tiêu cực đến nước Mỹ và đồng minh.
"Tới nay chúng ta chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên muốn có những biện pháp vững chắc hướng tới phi hạt nhân hóa. Với những gì từng chứng kiến, tôi quan ngại rằng khi không có chiến lược rõ ràng, liền mạch, chính quyền Trump chỉ đang ôm vào một đống 'đậu thần' trong khi đánh mất đồng minh, đối tác cũng như an ninh của chính nước Mỹ", ông Schumer nói.
Bình An