Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không vấp phải quá nhiều thách thức khi thực thi chính sách của mình bằng cách ban hành các sắc lệnh, vốn không có chỗ cho những tranh luận, phản đối của phe đối lập.
Tuy nhiên, trong 5 năm nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ cần cách tiếp cận khôn khéo và mang tính hòa giải hơn, giới quan sát đánh giá. Tổng thống Macron biết rõ rằng rất nhiều người bỏ phiếu giúp ông tái đắc cử hôm 24/4 chủ yếu nhằm ngăn lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen lên lãnh đạo đất nước, không phải vì bản thân ông.
Phe của bà Le Pen và lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6, khi họ đã nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất từ trước tới nay trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Sau bầu cử tổng thống, các cuộc biểu tình và đình công làm tê liệt giao thông dự kiến tiếp tục bùng phát trên các đường phố của nước Pháp.
Tổng thống Macron hôm 24/4 có bài phát biểu đầy khiêm nhường sau khi giành chiến thắng với cách biệt 17 điểm phần trăm trước đối thủ Le Pen, thấp hơn nhiều so với cách biệt 32 điểm phần trăm hồi năm 2017.
"Kỷ nguyên này sẽ không giống như 5 năm đầu tôi nắm quyền, mà sẽ là một sáng kiến tập thể về phương pháp lãnh đạo đất nước mới", Tổng thống Macron nói, thêm rằng ông sẽ lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác biệt, bởi "đất nước đang có quá nhiều hoài nghi và chia rẽ".
Thử thách đầu tiên mà Tổng thống Macron phải đối mặt là lựa chọn ghế thủ tướng, quyết định mà ông được cho là sẽ thực hiện trong vài tuần tới. Thủ tướng mới sẽ lãnh đạo chính phủ và dẫn dắt đảng của Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6.
Trong các cuộc bầu cử quốc hội, những ứng viên thuộc đảng của tổng thống đắc cử thường được hưởng lợi, song giới phân tích cho rằng ở lần này, đảng của Tổng thống Macron sẽ khó giành được thế đa số như ở nhiệm kỳ trước.
Đảng La République en Marche (nền Cộng hòa Tiến bước) của Tổng thống Macron đã gặp không ít khó khăn khi xây dựng mạng lưới cơ sở trên cả nước kể từ khi được thành lập vào năm 2016. Phần lớn các thành viên của đảng đều không được chọn tại các cuộc bầu cử địa phương hay khu vực.
Đảng La République en Marche cũng thiếu những cái tên nổi bật có thể đảm nhận vai trò thủ tướng. Các đảng khác từng giới thiệu thành viên nội các cho ông Macron cũng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi để thua quá xa trong cuộc bầu cử tổng thống.
Theo một số thành viên trong đảng của Tổng thống Macron, các ứng viên cho ghế thủ tướng gồm có Bộ trưởng Lao động Élisabeth Borne cùng hai người từng theo đường lối bảo thủ là Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin. Ông Macron cũng đang cân nhắc Bộ trưởng Nông nghiệp Julien Denormandie và chánh văn phòng Alexis Kohler vào ghế lãnh đạo chính phủ.
Những cái tên này đã gây được thiện cảm cho cử tri của Tổng thống Macron, những người nghiêng về cánh hữu và tán thành chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp của ông, từ việc ông nới lỏng các hạn chế lao động cho đến kế hoạch hợp lý hóa hệ thống lương hưu phức tạp của Pháp và nâng cao tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, những người bầu cho ông sau khi bỏ phiếu cho các ứng viên cánh tả ở vòng bầu cử đầu tiên sẽ không vui.
"Tổng thống Macron cần có hành động cụ thể để báo hiệu rằng ông ấy sẽ nghiêng về cánh tả nhiều hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của mình", diễn viên hài đã giải nghệ Christian Peythieu, 70 tuổi, nói. Ông đã bỏ phiếu cho Tổng thống Macron hôm 24/4 sau khi ủng hộ lãnh đạo cánh tả Mélenchon trong vòng đầu tiên.
Ông Mélenchon, người suýt lọt được vào vòng hai cuộc bầu cử với 22% phiếu bầu ở vòng đầu tiên, đang cố gắng tập hợp các đảng thiên tả khác đứng về phía mình để giành đa số tại quốc hội và buộc Tổng thống Macron phải chọn ông làm thủ tướng.
"Vòng ba bắt đầu từ tối nay", ông Mélenchon cuối tuần trước tuyên bố sau khi kết quả vòng bỏ phiếu thứ hai được công bố. "Các bạn có thể đánh bại Tổng thống Macron và chọn một con đường khác".
Tập hợp được các chính trị gia cánh tả Pháp là nhiệm vụ rất khó đối với Tổng thống Macron. Một phần lý do khiến các ứng viên cánh tả ngoài ông Mélenchon thể hiện kém trong cuộc bầu cử tổng thống là do số lượng của họ quá nhiều. Đảng Xã hội, đảng Xanh và các đảng khác hiện tại đều muốn giới thiệu ứng viên trong cuộc đua vào quốc hội.
Đảng của ông Mélenchon, France Unbowed, chỉ nắm 17 trong 577 ghế tại quốc hội Pháp.
Đảng National Rally với chủ trương chống nhập cư của bà Le Pen không được kỳ vọng sẽ giành thế đa số tại quốc hội, theo các nhà phân tích. Đảng của bà hiện chỉ nắm 7 trong 577 ghế tại quốc hội Pháp, dù bà từng kết thúc cuộc đua tổng thống năm 2017 ở vị trí thứ hai.
Đảng National Rally đang coi cuộc đua vào quốc hội là cơ hội để cử tri kiểm soát quyền lực của Tổng thống Macron, điều mà họ cho là đã không được thực hiện tốt trong nhiệm kỳ đầu tiên ông lãnh đạo đất nước.
Những nhà lập pháp trong đảng của Tổng thống Macron đa phần ủng hộ ông khi ông vượt mặt quốc hội để ban hành một sắc lệnh giúp quy trình sa thải và tuyển dụng lao động trở nên dễ dàng hơn. Đây là cải cách quan trọng nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Ông Macron cũng từng chuẩn bị qua mặt quốc hội để ký một sắc lệnh cải cách hệ thống lương hưu, trước khi kế hoạch này bị trật bánh vì đại dịch Covid-19.
"Đừng trao toàn quyền cho Tổng thống Emmanuel Macron", Jordan Bardella, chủ tịch đảng National Rally, nói hôm 25/4.
Lila Durix, công chức 38 tuổi, người đã bỏ phiếu cho ông Macron trong vòng bầu cử thứ hai chỉ để ngăn đảng cực hữu lên nắm quyền, cho biết cô dự định bầu cho một ứng viên cánh tả trong cuộc bầu cử quốc hội, bởi cô "không mong đợi bất cứ điều gì từ ông Macron nữa".
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)