Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, khi đa số người dân nhất trí với hiến pháp sửa đổi, trong đó có điều khoản cho phép ông được quyền tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024. Về lý thuyết, điều này có thể giúp Putin, 67 tuổi, lãnh đạo nước Nga đến năm 83 tuổi.
Phát ngôn viện Điện Kremlin ca ngợi đây là "chiến thắng lớn". Sau khi cử tri bỏ phiếu, Putin cảm ơn người dân Nga đã "tin tưởng và ủng hộ", nhấn mạnh rằng nước Nga "cần sự ổn định nội bộ và thời gian để củng cố đất nước và thể chế của nó". Tuy nhiên, ông không đề cập đến điều khoản "tính lại" nhiệm kỳ tổng thống trong hiến pháp sửa đổi trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 2/7.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, Putin cho rằng những thay đổi này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu bởi chúng tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, tích cực của nước Nga trong viễn cảnh lâu dài. Ông cũng khẳng định nước Nga chưa sẵn sàng để có một lãnh đạo mới.
Nhưng các chuyên gia cho rằng bằng cách không giải quyết câu hỏi quan trọng là người nào sau này có thể thay thế ông, Putin có nguy cơ gây ra đình trệ chính trị nhiều năm, nhiều khả năng khiến công chúng bất mãn với Điện Kremlin vì họ không thấy có cơ hội có thay đổi hay cải cách trong tương lai.
"Điểm hạn chế hiện nay là chính quyền của Putin không có cơ chế chuyển giao quyền lực", Maxim Trudolyubov, tổng biên tập trang tin Meduza, nói.
Putin đã cầm quyền suốt 20 năm qua với tư cách tổng thống hoặc thủ tướng Nga. Ông chưa khẳng định có tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc năm 2024 hay không, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Putin sẽ ở lại Điện Kremlin lâu nhất có thể.
Các nhà hoạt động đối lập gọi cuộc trưng cầu dân ý là không chính đáng và nói rằng nó được thiết kế để hợp pháp hóa việc Putin sẽ "nắm quyền suốt đời". Golos, tổ chức phi chính phủ theo dõi cuộc trưng cầu dân ý, cho biết họ ghi nhận nhiều điểm bất thường trong cuộc bỏ phiếu, bao gồm nghi ngờ có người bỏ phiếu hai lần và các chủ lao động bắt buộc nhân viên bỏ phiếu.
Cư dân Moskva Ksenia nói rằng cô không tin những con số chính thức về kết quả bỏ phiếu. "Không bạn bè nào của tôi bỏ phiếu. Tôi nghĩ kết quả là giả. Không ai đi bỏ phiếu. Mọi người đều hiểu rằng dù sao cũng sẽ có người quyết định thay chúng tôi, thế thì tham gia có tác dụng gì?".
Trong khi đó, Yevgeny, cũng là cư dân Moskva, cho biết: "Thái độ của tôi đối với cuộc trưng cầu dân ý rất tích cực". Ông đã chọn phương án ủng hộ thay đổi hiến pháp.
Ngoài vấn đề nhiệm kỳ của tổng thống, những thay đổi hiến pháp mà Putin đề ra bao gồm các biện pháp dân túy nhằm tăng lương hưu và mức lương tối thiểu. Chúng cũng nhấn mạnh các giá trị bảo thủ mà Điện Kremlin đã thúc đẩy từ lâu, với một điều khoản đề cập đến "niềm tin vào Chúa" và một điều khoản coi hôn nhân là sự kết hợp giữa đàn ông và phụ nữ, được coi là hình thức cấm hôn nhân đồng tính.
Nhà phân tích chính trị Tatiana Stanovaya cho rằng những thay đổi này vượt xa vấn đề nhiệm kỳ của Putin. "Chúng ta không nên đánh giá thấp những sửa đổi này, tất cả đều về các giá trị truyền thống, các quyền xã hội", bà nói. "Đây là một cách để giữ cho nước Nga mãi ở tình trạng hiện nay, để thể chế hóa di sản của Putin".
Mức tín nhiệm của Putin đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất lịch sử 59% trong những tháng gần đây, một phần do cách chính phủ xử lý Covid-19 trong giai đoạn đầu và cả các vấn đề kinh tế đã tồn tại từ lâu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Cuộc trưng cầu dân ý ban đầu được lên kế hoạch diễn ra ngày 22/4 nhưng bị hoãn do Covid-19. Các nhà phân tích nói rằng lý do Putin chọn thời điểm này để tổ chức là vì ông muốn nó diễn ra trước khi người Nga "thấm đòn" hoàn toàn hệ quả kinh tế từ đại dịch.
Về lâu dài, các nhà quan sát cho rằng Điện Kremlin gặp nhiều khó khăn trong việc cải cách nền kinh tế và đưa ra những thay đổi cần thiết để giúp Tổng thống lấy lại tín nhiệm.
Alexander Titov, nhà phân tích chính trị và là giáo sư tại Đại học Nữ hoàng ở Belfast, nói rằng nếu Putin không tiến hành các cải cách để vực dậy nền kinh tế trong thời gian tới, "mức tín nhiệm sẽ ngày càng giảm".
"Đối với Putin, điều quan trọng nhất bây giờ là tránh các cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội", Titov nói.
Các cuộc thăm dò ý kiến độc lập cho thấy phần lớn cử tri trẻ phản đối sửa hiến pháp. Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Putin không đưa các quan chức chính trị trẻ tuổi vào bộ máy cầm quyền cao nhất và rất ít khả năng chuyển giao quyền lực cho các chính trị gia đang lên, những người có thể đưa ra cải cách thu hút các cử tri trẻ tuổi.
"Thay đổi thế hệ từ lâu đã là điều cần diễn ra ở Nga. Đây chỉ là vấn đề thời gian, khi nào và như thế nào", Trudolyubov nói.
Theo Titov, việc Điện Kremlin né tránh vấn đề chuyển giao quyền lực càng lâu thì càng có nguy cơ xảy ra "thay đổi đột ngột". "Nếu bạn trì hoãn đáp ứng yêu cầu thay đổi quá lâu, nó có nguy cơ bùng phát thành những hình thức quyết liệt hơn", ông nói thêm.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)