Thoạt nhìn, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đang dồn lực cho những tháng đầu nhiệm kỳ. Từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước hồi cuối tháng 6, ông đã đưa ra một tầm nhìn táo bạo với mục tiêu đem đến những thay đổi lớn lao, đồng thời thi hành một chính sách đối ngoại độc lập nhưng lại làm mất lòng nhiều tổ chức, quốc gia, cũng như khiến giới chuyên gia, ngoại giao cảm thấy khó hiểu, theo Strait Times.
Các chuyên gia đánh giá những chính sách Tổng thống Duterte thực thi ẩn chứa khá nhiều nguy cơ. Dù nhận được ủng hộ từ công chúng ở một số lĩnh vực nhưng về lâu dài chúng có khả năng ảnh hưởng đến các lợi ích cốt lõi của Philippines, đồng thời làm suy yếu vị thế của ông Duterte ở cả trong và ngoài nước.
Trong nước, giới phê bình nhận xét nhiều chương trình nghị sự ông Duterte theo đuổi rất hứa hẹn, điển hình như kế hoạch 10 điểm vì một nền kinh tế châu Á tăng trưởng thần tốc do ông đề xuất, vừa chú trọng phát triển những ngành nghề mới như xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tập trung cải thiện các khu vực kinh tế bị lãng quên như nông nghiệp.
Về an ninh, ông Duterte cam kết giải quyết triệt để các phong trào nổi dậy gây bất ổn ở Philippines suốt nhiều thập kỷ qua, mang đến hy vọng về một tương lai ổn định cho đất nước.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, ông Duterte bắt đầu cho thấy một hình ảnh giống với những gì các đối thủ của ông vẽ nên: một lãnh đạo liều lĩnh và độc đoán, Prashanth Parameswaran, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á và chính sách Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Mỹ, nhận định. Việc thượng nghị sĩ Leila de Lima, người lên án mạnh mẽ nhất chiến dịch truy quét tội phạm ma túy do ông phát động, bị miễn nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Philippines hồi đầu tuần, là một biểu hiện như thế.
Theo Parameswaran, ông Duterte không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chính trị cố hữu nhưng lại thách thức những giá trị của họ trên nhiều mặt trận cùng lúc. Hành động ấy có thể khiến ông đánh mất sự ủng hộ từ tầng lớp vốn có rất nhiều ảnh hưởng này, từ đó mất đi động lực chính trị.
Ở khu vực, chính quyền Duterte phải khởi đầu với một xuất phát điểm khó khăn, ông Parameswaran bình luận. Trong một nỗ lực nhằm lôi kéo Trung Quốc, chính quyền Duterte đang có xu hướng coi nhẹ vấn đề Biển Đông trong cộng đồng ASEAN. Một số nhà ngoại giao Philippines cho rằng việc Manila nghiêng về phía Bắc Kinh đang gây xói mòn ảnh hưởng của Philippines, cũng như làm rạn nứt mối quan hệ giữa Manila với các thành viên trong khối. Đây vốn dĩ là một đòn bẩy mà Philippines có khả năng tận dụng để chống lại Trung Quốc.
"Việc Tổng thống Duterte không tham dự một số cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Lào vừa qua, bất kể lý do là gì, cũng sẽ chỉ thổi bùng lên mối nghi ngại rằng chính quyền Duterte không hề đặt ưu tiên cho khối", Parameswaran nhấn mạnh.
Trên trường quốc tế, Tổng thống Duterte chủ trương theo đuổi một "chính sách đối ngoại độc lập". Ông không ngần ngại lăng mạ Mỹ, Liên minh châu Âu và cả Liên Hợp Quốc. Giới quan sát đánh giá nếu ông có ý muốn đưa dần Philippines tách khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, hướng tới một vị thế độc lập hơn, đây chắc chắn là một tầm nhìn đáng hoan nghênh và nên nhận được ủng hộ.
Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Duterte vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi họ sẽ theo đuổi mục tiêu này ra sao. Ông Duterte sẽ làm gì để hiện đại hóa lực lượng quân đội Philippines, vốn bị coi là yếu kém nhất thế giới, mà không cần đến sự trợ giúp từ Mỹ, đối tác an ninh truyền thống và quan trọng bậc nhất? Ông sẽ bù đắp cho những mất mát, thâm hụt về thương mại hay viện trợ từ Mỹ và châu Âu, hai đối tác kinh tế hàng đầu, như thế nào khi họ bắt đầu phản ứng trước những lời lăng mạ từ ông bằng cách hạn chế hầu bao của mình?
Theo Parameswaran, phương pháp tiếp cận của Tổng thống Duterte tới giờ chưa đem đến bất kỳ sự "độc lập" nào cho Philippines, trái lại, chúng dường như chỉ khiến Manila trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Các cố vấn cho ông Duterte khẳng định Tổng thống nhất định sẽ tìm ra cách thích nghi. Nhưng nếu vẫn tiếp tục làm suy yếu lợi ích của Philippines cũng như vị thế của bản thân ở trong nước, tại khu vực và trên trường quốc tế, ông Duterte chắc chắn sẽ mất dần đi động lực chính trị cần thiết để áp dụng những chính sách cải cách táo bạo mà ông từng hứa thực hiện khi tranh cử. Mặt khác, nếu không thể kiềm chế sự chống phá từ các phe phái đối lập, thách thức mà chính quyền Duterte phải đối mặt sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, Parameswaran bình luận.
Xem thêm: 20 năm thanh tẩy 'thành phố sát nhân' định hình phong cách Duterte
Vũ Hoàng