Quá trình dẫn tới kết quả trên thực sự vất vả, liên quan tới nhiều khâu cả trong và ngoài nước. Mỹ trước đó phải sắp xếp một thỏa thuận tài trợ với Moderna và sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đồng khởi xướng.
Trong khi COVAX ký các thỏa thuận với Moderna về miễn trừ trách nhiệm đối với tác hại tiềm ẩn từ vaccine, các quan chức đại sứ quán Mỹ ở Islamabad phối hợp cùng cơ quan quản lý địa phương phê duyệt đánh giá của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về vaccine. Các nhà quản lý Pakistan sau đó còn phải xem xét hàng loạt thành phần trên các lô vaccine và đánh giá nhà máy nơi chúng được sản xuất trước khi cấp phép sử dụng.
Sau khi họ ký kết, một thỏa thuận ba bên được hình thành. Tuy nhiên, loại thỏa thuận này đang cho thấy nó tạo ra không ít khó khăn đối với nỗ lực chia sẻ vaccine của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trước những ý kiến chỉ trích từ giới chuyên gia y tế công cộng rằng nỗ lực ngoại giao vaccine của Tổng thống Biden đang quá chậm và không thực sự đủ, Nhà Trắng chuẩn bị đưa ra thông báo rằng họ đã thực hiện xong cam kết mà Biden đưa ra là chia sẻ 80 triệu liều vaccine vào hạn chót 30/6.
Chính quyền Biden hứa cung cấp 80 triệu liều vaccine cho khoảng 50 nước. Trong đó, 1/2 đã được vận chuyển, số còn lại dự kiến tiếp tục được chuyển di trong vài tuần tới, Natalie Quillian, phó điều phối viên phản ứng Covid-19 của chính quyền Biden, cho hay.
Nỗ lực chia sẻ vaccine đã phát triển thành một chuỗi hoạt động liên tục trong toàn bộ chính quyền liên bang với những cuộc họp cấp thứ trưởng vài lần mỗi tuần bên cạnh những cuộc gọi trao đổi gần như hàng ngày.
Nhà Trắng có thể tổ chức 15 cuộc gọi theo từng quốc gia cụ thể mỗi ngày, bắt đầu từ 7h sáng và thường có sự tham gia của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cùng nhiều cơ quan khác.
Khoảng 75% số vaccine được phân phối thông qua COVAX, bên đã vận chuyển tổng cộng hơn 91 triệu liều, đến cả những quốc gia giàu có lẫn nước có thu nhập thấp hơn. Số còn lại được chia sẻ trực tiếp cho các nước thông qua thỏa thuận song phương.
Các nhà nghiên cứu ước tính toàn thế giới phải cần đến 11 tỷ liều vaccine mới đủ dập tắt đại dịch Covid-19. Những tháng gần đây, hàng chục triệu liều vaccine tại Mỹ không được sử dụng, thậm chí có nguy cơ quá hạn. Giới chức Nhà Trắng cho biết họ đặt mục tiêu cung cấp đủ vaccine cho người Mỹ vào mùa xuân này, trước khi hoàn thành việc vận chuyển lượng vaccine thừa ra nước ngoài.
Đến nay, hơn ba tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới, tương đương 40 liều trên 100 người. Một số nước thậm chí chưa tiêm một mũi vaccine nào, trong bối cảnh biến chủng Delta dễ lây lan đang xâm chiếm toàn cầu, càng làm bật lên tình trạng bất bình đẳng vaccine.
"Nếu đây là tốc độ mà mọi thứ tiếp tục diễn ra thì thật không may, nó chậm hơn rất nhiều so với những gì chúng ta cần", tiến sĩ Saad B. Omer, giám đốc Viện y Tế Toàn cầu Đại học Yale, nhận xét về tiến trình chia sẻ vaccine của Mỹ.
Quillian cho biết lượng vaccine được chuyển đi sẽ tăng lên trong mùa hè, ngoài 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech mà chính quyền Tổng thống Biden tháng trước cam kết phân phối tới khoảng 100 nước trong năm tới.
Bà gọi giai đoạn ngoại giao vaccine này phức tạp hơn về mặt thủ tục so với chương trình tiêm chủng trong nước. Trong số các thách thức đối với thỏa thuận song phương, như với ba triệu liều vaccine Johnson & Johnson gửi tới Brazil hồi tuần trước, là khâu đàm phán thỏa thuận bảo đảm giữa nước tiếp nhận và công ty sản xuất.
Tuần trước, khi các liều vaccine chuyển tới Pakistan được thông báo đã sẵn sàng, sự chú ý bắt đầu chuyển sang khâu đóng gói và vận chuyển chúng đến sân bay Dallas.
Giới chức y tế Pakistan và UNICEF, tổ chức đứng sau sáng kiến COVAX, sẽ vận chuyển vaccine và chính quyền Biden đứng ra giám sát toàn bộ quá trình. Đến nay, chỉ chưa đầy 2% dân số Pakistan được tiêm vaccine.
Tiến sĩ Hilary D. Marston, thành viên nhóm phản ứng Covid-19 của chính quyền giúp điều phối các chuyến hàng, cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ và CDC cũng đã trao đổi với phía Pakistan để xác định lượng vaccine mà nước này đủ khả năng dự trữ.
Theo Quillian, việc Pakistan trở thành ứng viên hàng đầu được Mỹ viện trợ vaccine là điều không phải bàn cãi. Là quốc gia láng giềng của Ấn Độ, đất nước đang bị Covid-19 nhấn chìm trong khủng hoảng, Pakistan có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nước khác trong danh sách cũng cần được cân nhắc.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo tháng trước rằng chính quyền đang ưu tiên các nước láng giềng của Mỹ và những quốc gia châu Á có số ca nhiễm gia tăng.
Việc chia sẻ vaccine đôi khi giống như một kế hoạch "mai mối" quốc tế. Một số nước yêu cầu vaccine Johnson & Johnson vì điều kiện bảo quản không quá khắt khe và chỉ phải tiêm một mũi. Số khác đã cấp phép cho những loại vaccine đang được Mỹ sử dụng, khiến quá trình chuyển giao nhanh chóng hơn.
"Tất cả những nước mà chúng tôi cung cấp vaccine, khi họ yêu cầu một loại cụ thể nào đó, chúng tôi đều có thể đáp ứng", Quillian nói.
Dù vậy, các quan chức vẫn gặp phải những trở ngại đáng kể. Vì vaccine được sản xuất và bán ra theo quy trình pháp lý và quy định của Mỹ nên chúng vẫn cần được các quốc gia tiếp nhận phê duyệt riêng. Quá trình này thường gặp nút thắt ở khâu liên lạc, trao đổi với các cơ quan quản lý nước ngoài.
Việc sử dụng vaccine trong chương trình COVAX đối khi cũng có thể bị đình trệ, như ở Nam Sudan và Congo. Cả hai nước đều đã trả lại vaccine vì vấn đề hậu cần và tâm lý hoài nghi.
Trong khi đó, các thỏa thuận song phương thường đem lại thành công hơn. Hàn Quốc, nước nhận một triệu liều vaccine Johnson & Johnson từ Mỹ, cho biết họ đã sử dụng 99,8% số liều chỉ trong vòng vài tuần, giới chức Nhà Trắng thông báo.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Omer, tốc độ viện trợ vaccine hiện nay của chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đủ nhanh.
"Phải mất 6 tháng kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng chúng ta mới có những chuyển động thực chất về vấn đề này", ông nói về chiến dịch chia sẻ vaccine.
Song Quillian vẫn bảo vệ nỗ lực của chính quyền. "Ba tháng trước, thậm chí hồi tháng một, tháng hai, chúng ta vẫn chưa có đủ vaccine cho chính mình", bà nói. "Tổng thống muốn chúng ta tự lo cho mình trước và chứng minh rằng vaccine hiệu quả tại Mỹ, sau đó mới tính đến chia sẻ nếu ta có dư".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)