Đó là ý kiến chia sẻ của độc giả Long sau khi đọc bài viết “Tâm sự của thạc sĩ được ông Nguyễn Bá Thanh tìm việc” của tác giả Nguyễn Đông. Anh Long nói: “Tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ tài chính ngân hàng. Họ bảo tôi ngồi nhà chờ "khi nào có nhu cầu" mới gọi đi làm. Nhưng càng chờ tôi càng thấy nản, vẫn bặt vô âm tín. Bây giờ, tôi phải ngồi ở nhà bán sim điện thoại để kiếm sống qua ngày. Đừng hỏi người thất nghiệp tại sao không tìm được việc, nên hỏi nhà tuyển dụng có thật sự cần người không”.
Kinh tế khó khăn, thạc sĩ khó xin việc hơn sinh viên
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, thạc sĩ ra trường trong thời buổi này muốn tìm được việc làm đúng nghành nghề đã khó, huống gì trông chờ tìm được một việc làm có lương cao, vị trí tốt. Trong khi kinh nghiệm của các thạc sĩ còn ít, nếu cho làm nhân viên như các sinh viên đại học thì không bằng lòng theo kiểu “cao không tới, thấp cũng không thông”.
Độc giả Athony.le1985 chia sẻ: "Tôi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành về kinh tế của một trường khá danh tiếng ở nước ngoài, nhưng tôi không ở lại mà quyết định về nước làm việc. Tuy nhiên đến tận bây giờ, tôi cũng chưa dám đưa tấm bằng thạc sĩ ra. Vì mình có làm tốt thì mới được hậu đãi".
"Tôi cũng từng có thời gian thất nghiệp 6 tháng dù đã có tấm bằng thạc sỹ ở nước ngoài. Sau đó, tôi đành chấp nhận một công việc lương thấp nhưng phù hợp với sở thích và kiến thức. Sau 3 năm, khi có kinh nghiệm vững chắc, làm việc tốt thì lương tôi tăng lên theo cấp số nhân”, độc giả Hung nguyen tâm sự.
Còn độc giả Tâm chia sẻ: "Nhớ lúc tôi vừa tốt nghiệp, cầm tấm bằng thạc sĩ và thêm hai bằng cử nhân, nhưng tôi vẫn chấp nhận đi giũa nail (móng tay) hết nửa năm đó thôi. Bởi tôi nghĩ không ai vừa mới ra trường mà tìm được việc làm ngay cả. Chuyện gì cũng phải từ từ, nếu bản thân có năng lực và bằng cấp thì chẳng sợ gì thất nghiệp".
Thạc sĩ thất nghiệp vì thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc
Lý giải nguyên nhân nhiều thạc sĩ sau khi ra trường vẫn thất nghiệp, đa phần các độc giả cho rằng họ thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. “Học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi. Tôi thấy nhiều bạn bằng khá giỏi nhưng kỹ năng làm việc, giao tiếp, ứng xử thì rất kém, nghiệp vụ thì có thể đào tạo nhưng các kỹ năng mềm thì chỉ có các bạn tự hoàn thiện bản thân thôi”, độc giả Trang Nguyên nói.
Còn bạn đọc Trương Công Lệ chia sẻ: "Tôi mở công ty riêng trong khi chẳng có bằng đại học nào, ngoài nghiệp vụ là đầu bếp nhưng tôi có khả năng nói trôi chảy tiếng Anh và sử dụng tốt máy tính. Khi chưa mở công ty tôi cũng chẳng mấy khó khăn để tìm kiếm công việc với mức thu nhập hàng nghìn đô”.
“Hiện nay, tôi thấy có nhiều bạn có đầy đủ bằng đại hoc, thạc sĩ đến công ty tôi xin làm việc. Nhưng nhìn các bạn ấy thao tác một số công việc văn phòng mà làm tôi phát nản. Còn kỹ năng sống thì quá yếu như: gọi taxi cũng chẳng biết gọi hãng nào. Bảo đi giao dịch thì kêu không biết đường, trong khi vẫn Facebook cả ngày mà không biết hỏi đường trên bản đồ ra sao? Các bạn nên hiểu cái chúng tôi cần là giá trị sức lao động chứ không phải giá trị của cái bằng mà các bạn đang có".
Muốn có việc làm thạc sĩ cần trau dồi thêm kỹ năng
Để tìm được một việc làm, lương bổng tương xứng với bằng cấp mà bản thân có, độc giả Lê Ngọc Khánh cho rằng: "Sau khi tốt nghiệp đại học, các bạn sinh viên nên đi làm để lấy kinh nghiệm, rồi sau đó mới học thạc sĩ. Như vậy, các bạn sẽ được đánh giá cao hơn! Rõ ràng dù bạn có bằng thạc sỹ khi quá trẻ, kinh nghiệm chưa có thì "cao không tới, thấp không thông". Bởi các công ty không thể tuyển bạn vào làm quản lý vì không có kinh nghiệm, còn nếu làm nhân viên như các sinh viên đại học thì có thể bạn không bằng lòng (muốn lương cao, nghĩ là mình cần phải hơn người khác). Nếu là tôi thì tôi cũng không dám tuyển bạn".
Đồng tình với ý kiến này,bạn đọc có nickname Danang nói: "Nếu các bạn có bằng thạc sĩ mà đi làm với mức lương 2 triệu/tháng thì bạn phải cố gắng nghĩ rằng tiền lương mình 5 triệu/ tháng và xem như 3 triệu kia là học phí của kinh nghiệm, của cơ hội giao tiếp, của nhu cầu được thể hiện mình. Bởi chỉ có đi làm mới có những việc làm mới. Phải xác định rằng, bằng đỏ mới chỉ là sự ghi nhận của nhà trường đối với sự nỗ lực học tập của bạn chứ chưa phải là cái gì đối với xã hội rộng lớn này. Và càng không nên tạo áp lực cho xã hội vì bạn học cao mà phải sắp xếp cho bạn".
>> Xem thêm: Tốt nghiệp thạc sĩ làm lương 1,5 triệu đồng / Hai bằng đại học đi bán trà đá lương 9 triệu
Xuân Trang tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây