Câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc cho một thạc sĩ đã thu hút nhiều bàn luận của công chúng. Người thì cho rằng thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam quá lớn, tình trạng chạy việc là phổ biến trong các cơ quan nhà nước, nhiều thạc sĩ phải giấu bằng để đi làm phụ hồ, có người thì chán nản đi buôn, đi lấy chồng, làm nội trợ…
Bạn đọc Tùng Thanh bình luận: “Tình trạng chạy việc là có thật, ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng nói không ai tin. Nếu những người giỏi, người tài không được trọng dụng thì sẽ làm cho đất nước chậm phát triển. Đã đến lúc cần xem lại thực trạng này và tìm ra hướng giải quyết. Theo tôi, việc cần thiết nhất là tổ chức thi tuyển công khai, những tiêu chí rõ ràng để người tài có cơ hội được cống hiến cho đất nước”.
Ủng hộ quan điểm của Tùng Thanh, độc giả Cao Bách chia sẻ: “Bạn bè tôi ra trường muốn về quê hương để cống hiến, xây dựng quê hương, nhưng nghe giá chạy một chân công chức quèn cũng đến cả trăm triệu nên đành lắc đầu ngao ngán, quay trở lại thành phố, tìm cơ hội ở những công ty tư nhân”.
Học phải đi đôi với hành
Tuy nhiên, nhiều người lại tâm đắc với câu của ông Nguyễn Bá Thanh: “Mà cũng phải xem con mình học kiểu gì nữa chứ. Cũng học như người ta mà tại sao người ta ra trường là có việc làm liền, việc gì phải mất năm ba chục triệu, việc gì phải xin, đã mất tiền thì mình về làm việc khác”.
Bạn đọc tên Hùng bình luận: “Nhiều khi chúng ta thấy chúng ta đang bận rộn đi học, bận rộn sách vở, tưởng rằng mình đang sống và sử dụng thời gian hiệu quả, nhưng thực chất cái kết quả cuối cùng mới nói lên tất cả. Nhiều bạn đi học thạc sĩ nhưng kinh nghiệm đi làm quá ít ỏi, đến lớp dăm câu 3 điều, chẳng để lại trong đầu cái gì".
"Bạn có thể đem tấm bằng thạc sĩ tạo lợi thế khi đi xin việc, nhưng không phải vì bạn có bằng cấp đấy mà năng lực bạn cao hơn người khác. Điều này cực kỳ khó đánh giá. Cá nhân tôi không vừa mắt khi thấy nhiều bạn đi làm thấy oải quá, lại quay ra đòi học lên cao học, chẳng qua là để giết thời gian, để tránh nhìn vào sự thật, để thấy mình được bận rộn”.
Nickname Dr. Xuân chua chát: “Phải công nhận việc học ở Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng hơn thế, trường lớp mở tùm lum, thậm chí rớt cấp 3 có thể đi học trung cấp, từ trung cấp liên thông lên cao đẳng, đại học, rồi từ đại học có thể liên thông tiếp lên cao học. Việc dạy thì cho có, hết năm lấy tiền, sinh viên thì sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về (trong thời gian học thì cắp cặp xuống quán cà phê)".
"Tôi nói không ngoa, nhưng thạc sĩ, tiến sĩ giấy nhiều như xe ôm thế này thì không thất nghiệp mới lạ. Cuộc sống vốn dĩ là một cuộc chạy đua, ai không đủ sức sẽ gục ngã trên đường. Vì vậy đừng đổ thừa hoàn cảnh, hãy biết đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Ông Nguyễn Bá Thanh đã có hành động khiến tôi kính nể, đó là quan tâm sâu sát tới đời sống của nhân dân, nhưng ông chỉ có thể bút phê cho một vài trường hợp, còn cả nghìn, cả triệu sinh viên khác, không ai cũng may mắn đâu”.
Độc giả Thanh Hoa phát biểu: “Tôi cũng đang hoàn thành chương trình thạc sĩ đây. Nói tóm lại học thạc sĩ ở đâu không biết chứ ở Việt Nam mới đầu cũng hào hứng lắm, nhưng sau lại thấy chán. Vì học cũng như không".
Bạn đọc Hoang Giang nhận định: “Có một thực tế rằng hiện nay, các trường đào tạo tràn lan rồi đem con bỏ chợ, thử hỏi ai không muốn làm đúng ngành nghề mình đã học đã tâm huyết, và nếu không làm đúng ngành nghề thì liệu hiệu quả công việc có cao bằng làm đúng những gì đã được đào tạo và có đam mê. Nhiều người thành công từ trái ngành nhưng cũng chỉ vì cuộc sống vì kiếm tiền... nếu không thì mấy ai ra trường xong đi làm trái ngành...”.
Tại sao cứ phải đúng ngành, sao cứ phải vào làm nhà nước?
Nhìn sự việc ở góc độ khác, nhiều người cho rằng sở dĩ các thạc sĩ không kiếm được việc vì quan niệm cổ hủ là nhất định phải làm đúng ngành, phải làm nhà nước mới chịu.
Bạn đọc có nickname Hilux chia sẻ: “Tôi cũng đang phải làm trái với ngành mình thích và theo đuổi từ lâu. Mọi người hay vẫn dùng từ "làm trái ngành" và cho rằng nhiều người thành công dù không phải lĩnh vực mình được học. Nhưng tôi thấy đó lại là những người "học trái ngành và làm đúng nghề thì hơn". Có những con người học kỹ thuật nhưng đam mê kinh doanh, và khi ra trường họ theo đuổi kinh doanh rồi thành công”.
Bạn đọc Tap Doan kể lại: “Sau khi hoàn thành khóa học sau đại học một trường lớn ở TP HCM, 4 năm qua tôi chưa sử dụng nó để đi xin việc một lần nào cả, công việc tôi hiện tại cũng trái với chuyên ngành tôi học, nhưng tôi làm tự do. Tôi cảm nhận là tư duy, phương pháp làm việc của tôi tiến bộ rất nhiều. Quan trọng nhất là bấy lâu nay đa số chúng ta luôn nghĩ là phải học để dễ xin việc làm, mà không nghĩ mình học để tạo việc làm cho mình, phục vụ cho chính mình” - bạn đọc này kết luận.
>> Xem thêm: Sầu cho những cử nhân, thạc sĩ ngồi bán sim điện thoại / Vì sao nhiều thạc sĩ đi làm phụ hồ
Thạch Lam tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về học hành, khởi nghiệp tại đây.