Triều Tiên hôm qua bất ngờ thả nam sinh viên Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi, người bị nước này bắt giữ hồi đầu năm 2016 và kết án 15 năm tù khổ sai. Warmbier đến Triều Tiên trong một tour du lịch và bị Triều Tiên khép vào tội danh chống phá nhà nước sau khi thú nhận cố trộm một băng-rôn tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng.
CNN dẫn lời cha mẹ nam sinh viên cho biết Warmbier rời khỏi Triều Tiên trong tình trạng hôn mê. Theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ Ngoại giao đã đảm bảo Warmbier được thả theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump. Bộ đang tiếp tục thảo luận với Triều Tiên để thả những người Mỹ khác.
Phía Triều Tiên cho hay Warmbier bị ngộ độc và rơi vào trạng thái hôn mê từ năm ngoái. Song chính phủ Mỹ khẳng định chỉ biết về sự việc cách đây một tuần, thời điểm các cuộc thương thảo trao trả tự do cho Warmbier bắt đầu diễn ra.
Ông Jonathan Cristol, chuyên gia tại Viện Chính sách Thế giới, đánh giá Triều Tiên đều có những lý do riêng khi bắt giữ hay chọn thời điểm trao trả các công dân nước ngoài. Bình Nhưỡng dường như coi đó như một công cụ mặc cả hữu hiệu.
Nếu bắt giữ một công dân Mỹ tự lựa chọn tới Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể yêu cầu Washington đưa ra những nhượng bộ mà không phải lo lắng về rủi ro thổi bùng một cuộc xung đột quân sự. Vì thế, Triều Tiên luôn có xu hướng thả tù nhân khi một thỏa thuận nào đó hoàn thành hay quan ngại về ảnh hưởng của việc bắt giữ đối với những cuộc đàm phán trong tương lai.
Theo ông Cristol, một phần nguyên nhân khiến Triều Tiên quyết định thả Warmbier nằm ở tình trạng sức khỏe của nam sinh này. Nếu Warmbier chết, Bình Nhưỡng sẽ không có được bất kỳ lợi thế nào trong các cuộc thương thảo với Washington và cũng không thể lợi dụng Warmbier để truyền thông điệp tới Mỹ.
Mặt khác, cái chết của Warmbier còn tiềm ẩn nguy cơ kích động những động thái trả đũa từ phía Mỹ. Nếu Triều Tiên không đủ khả năng chữa trị cho tù nhân, trả Warmbier lại cho Mỹ là lựa chọn khả dĩ hơn cả, Cristol nhận định.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng có thể tô vẽ việc trao trả sinh viên Mỹ như một cử chỉ "nhân đạo", "thể hiện thiện chí", dù nhỏ nhoi, ông Cristol nhấn mạnh. Triều Tiên không thực hiện bất cứ hoạt động ngoại giao công chúng nào bên trong các nước phương Tây cũng như không hy vọng lôi kéo được đồng minh nhờ hành động này. Tất cả những gì họ hướng đến là xoa dịu hay ít nhất là tránh gây leo thang căng thẳng với Mỹ.
Ngoài ra, thông báo thả sinh viên Warmbier được phát đi đúng lúc cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman trở lại Triều Tiên sau ba năm. Rodman đã 5 lần tới Triều Tiên và có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo Kim Jong-un.
Lần gần đây nhất, năm 2014, Rodman tới Triều Tiên và còn tặng ông Kim những món quà trị giá hơn 10.000 USD, bao gồm một bộ vest Italy, một áo khoác lông thú, pha lê châu Âu và một túi xách hàng hiệu cho vợ ông Kim. Rodman từng gọi lãnh đạo Triều Tiên là "một người tuyệt vời" và "người bạn suốt đời".
Giới quan sát cho rằng chuyến thăm Triều Tiên lần này của Rodman nhiều khả năng có liên quan đến việc Bình Nhưỡng thả tự do cho Warmbier dù chưa rõ nó tác động ra sao.
Warmbier khóc trước báo giới hồi tháng 2/2016
Vũ Hoàng