Video: Volvo
Volvo có trung tâm thử nghiệm va chạm riêng, nhưng không thể mô phỏng các tình huống tai nạn nghiêm trọng trong thực tế. Sử dụng cần cẩu thả rơi là phương cách giúp hãng có thể tạo ra những tình huống giống như xe đang chạy ở tốc độ cực cao và tông vào một chiếc xe tải.
Các cơ quan cứu hộ được mời tới tham dự cuộc thử nghiệm và thực hành sử dụng các dụng cụ cứu trợ của để đưa người bị thương ra khỏi xe. Volvo cho biết, các đội cứu hộ khẩn cấp thường xuyên sử dụng Trung tâm an toàn xe hơi Volvo để trau dồi kỹ năng cứu sống người bị nạn, mặc dù kiểu thử nghiệm mới nhất này sẽ khiến những chiếc xe bị phá hủy nghiêm trọng hơn rất nhiều so với kịch bản diễn ra tại phòng thử nghiệm truyền thống.
"Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với các cơ quan cứu hộ Thụy Điển nhiều năm nay," Håkan Gustafson – điều tra viên cao cấp nói với đội Nghiên cứu tai nạn giao thông xe Volvo. "Đó là bởi vì chúng tôi có chung một mục tiêu: an toàn hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi hy vọng sẽ không ai phải trải qua các tai nạn nghiêm trọng nhất, nhưng không phải mọi tai nạn đều có thể tránh được. Vì vậy, điều cần thiết là phải tìm ra cách để cứu lấy tính mạng con người trong trường hợp nghiêm trọng như thế nếu xảy ra".
Thông thường, các đội cứu hộ chỉ kiểm tra kỹ năng và thiết bị của mình trên những mẫu xe cũ kỹ có tuổi đời đến 20 năm lấy lại từ bãi phế liệu, dù chúng chẳng được làm từ thép siêu cứng và có lớp khung chắc chắn được như những mẫu xe mới nhất ngày nay. Đó là một sự khác biệt lớn nếu so sánh với thử nghiệm của Volvo.
"Hàng ngày chúng tôi chỉ thử va chạm trong phòng thí nghiệm, còn đây là lần đầu tiên chúng tôi thả xe từ một chiếc cần cẩu", Gustafson nói thêm. "Biết rằng chúng sẽ bị vò nát sau cú rơi, chúng tôi làm điều này để mang đến những thách thức thực sự cho đội cứu hộ phải tìm cách xử lý vấn đề".
Đầu năm nay, Volvo là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới lắp đặt hệ thống giới hạn tốc độ trên tất cả các mẫu xe, thiết lập ở tốc độ tối đa 180 km/h.
Thái Hoàng