Chín năm du học Singapore, Mai Tuấn Minh, sinh viên ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Đại học Công nghệ Nanyang, có bảy năm ăn Tết xa nhà. Vì dịch bệnh nên hai năm nay, Minh chưa thể về Việt Nam thăm gia đình. Trong những năm tháng ở đảo quốc Sư tử, chàng trai Hà Nội có nhiều trải nghiệm đón Tết khác nhau với gia đình người Việt Nam, người bản xứ và cộng đồng du học sinh.
Năm 2012, Minh sang Singapore du học tự túc sau khi hoàn thành lớp 8 ở Việt Nam. Muốn thi vào trường cấp hai tại đây nên em chấp nhận ở lại, đón cái Tết đầu tiên xa xứ cùng một gia đình Việt.
"Năm đó, em mới 14 tuổi, rất buồn và nhớ người thân. Tết không có cảm giác như ở nhà dù vẫn được thưởng thức hương vị các món ăn truyền thống. Em đã ước đặt được vé sớm hơn để về", Minh kể, cho biết nhớ nhất dịp giáp Tết, em và gia đình về quê Thanh Hóa, cùng bạn bè đi thả diều, đến thăm họ hàng.
Gọi về nhà vào ngày đầu năm mới, Minh cảm nhận được nỗi buồn và những giọt nước mắt nhớ con của mẹ và lời động viên thi tốt của bố. Vì phải chuẩn bị cho kỳ thi sau Tết nên em không có thời gian đi chơi mà vùi đầu vào ôn luyện. Những năm sau Minh cũng không về Việt Nam do phải thi tới lần thứ năm mới đỗ.
Singapore đón Tết cổ truyền theo phong tục của người Trung Quốc. Trước Tết, người dân cũng có phong tục dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đường phố. Vào ngày Tết, họ nấu các món ăn truyền thống và tham gia lễ hội đặc sắc.
Năm thứ hai ở homestay cùng gia đình bản xứ, Minh đón Tết hoàn toàn khác lạ. Ngày Tết, chủ nhà cũng ăn tất niên nhưng chỉ chuẩn bị 2-3 món, thay vì mâm cỗ với đủ các món truyền thống. Gỏi cá là món ăn phổ biến trong năm mới ở đây.
"Em được họ lì xì và dẫn đi ăn nhà hàng vào ngày mồng một. Ở đây, họ không đi chúc Tết hàng xóm giống như Việt Nam và chỉ có người trẻ mừng tuổi người già", Minh kể.
Thấu hiểu cảm giác nhớ nhà nên sau khi vào đại học và trở thành chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa I ở Singapore, Minh triển khai nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng du học sinh. Năm nay, Hội tổ chức thi gói bánh chưng, giải cầu lông và phát 100 phần quà cho các bạn. Túi quà Tết gồm bánh chưng, giò, mì tôm và bim bim, trị giá khoảng 400.000 đồng, được tài trợ từ cộng đồng người Việt tại Singapore.
"Bim bim và mì tôm rất hiếm, thậm chí không mua được. Chúng em đã rất khó khăn mới nhờ chuyển được từ Việt Nam sang để tặng các bạn, mong mọi người có cái Tết ấm áp, vơi nỗi nhớ nhà", Minh nói.
Với các du học sinh không thể về nước dịp Tết, được quây quần cùng bạn bè đồng hương, thưởng thức món ăn tự làm và tận hưởng không khí năm mới bên nhau là niềm hạnh phúc. Nguyễn Thu Thủy, sinh viên Đại học Thành phố Nagoya, nhớ cái Tết đầu tiên ở Nhật năm 2019, khi đang là sinh viên Học viện tiếng Nhật GAG ở thành phố Fukuoka.
Ngày đó, nhóm sinh viên Việt Nam gồm 15 người học cùng nhau góp tiền làm tất niên. Được nghỉ ngày mồng một nên từ chiều 31, cả nhóm đi mua bánh chưng và thực phẩm để chuẩn bị nấu nướng. Các bạn làm nem, nấu xôi, làm nộm và luộc gà cho mâm cỗ tất niên.
"Đến giao thừa, mỗi bạn chọn một góc gọi điện về nhà chúc Tết. Nhiều bạn nữ khóc vì nhớ bố mẹ", Thủy nhớ lại.
Nữ sinh năm hai ngành Quản trị Kinh doanh cho biết, những ngày đầu mới sang Nhật còn khó khăn về kinh tế nên mâm cơm Tết đơn giản. Khi lên đại học, đi làm thêm có tiền, mọi người tổ chức tươm tất hơn. Là sinh viên Việt Nam duy nhất ở trường nên năm nay, Thủy từ Nagoya về Fukuoka đón Tết cùng bạn bè.
Cách đây hơn một tháng, cả nhóm đã lên kế hoạch chi tiết, hẹn nhau mùng một sẽ đến đền cầu may và thăm những điểm du lịch nổi tiếng của Nhật. Nhóm sẽ gói bánh chưng và cùng trông nồi bánh.
Thủy dự định về Việt Nam ăn Tết vì đang trong kỳ nghỉ đông nhưng dịch bệnh phải hoãn lại. Năm nay là năm thứ tư em không ở bên gia đình đón năm mới.
Hàng ngày gọi điện về, thấy mẹ kể chuyện sắm sửa, trang hoàng, Thủy cũng phấn khởi, cảm nhận được không khí Tết. Mọi năm, Thủy sẽ phụ trách dọn vệ sinh, đi chợ sắm đồ, mua hoa và phụ mẹ nấu nướng. Nhưng mấy năm nay Thủy vắng nhà, phần việc ấy do mẹ và em trai làm.
Nữ sinh hy vọng dịch sớm được đẩy lùi để hè có thể về Việt Nam. Em cũng đặt mục tiêu có được công việc đúng chuyên ngành ở công ty Nhật và học nâng cao tiếng Trung trong năm mới.
Đi học xa nhà, điều khiến nhiều du học sinh nhớ nhất là không khí Tết và món ăn quê nhà. Lê Thị Ngọc Giàu, sinh viên năm bốn, Đại học Melbourne, Australia, thèm nhất món củ kiệu.
Ngày ở nhà, hai chị em hay phụ mẹ làm củ kiệu muối từ 1-2 tuần trước Tết, kho thịt với nước dừa rồi trang hoàng nhà cửa. Đêm giao thừa, cả nhà sẽ đi chơi đường hoa Nguyễn Huệ và xem múa lân. Nhưng Tết ở Mỹ, Giàu vẫn phải đi học, đi làm nên thường đến chiều, em mới gọi điện về cho bố mẹ được.
Khu vực Giàu sống ít người Việt nên hai năm nay, em đến thành phố Geelong gần đó ở cùng chị gái trong những ngày Tết. "Hai chị em sẽ kho một nồi thịt ngon để ăn trong mấy ngày này", Giàu nói.
Năm nay là năm đầu tiên Nguyễn Phạm Khả Hân, sinh viên Đại học DePauw, bang Indiana, Mỹ, xa nhà. Dịp này không được cùng mọi người dọn nhà, mua hoa đào, chuẩn bị bánh kẹo mời khách, Hân thấy thiếu vắng và không quen.
"Em nhớ không khí cả nhà xem pháo hoa rồi đón khách tới xông đất. Đó là cảm giác không thể trải nghiệm ở đây", Hân chia sẻ.
Cảm giác không được quây quần bên gia đình khiến Hân thấy lạ lẫm nhưng em cũng không quá buồn vì bên này có nhiều bạn Việt Nam cùng đón năm mới. Em và một vài người bạn thân đã lên kế hoạch mua nguyên liệu về làm nem, nấu canh ăn Tết.
Đợt Giáng sinh, Hân cùng nhóm bạn lên Chicago xem bắn pháo hoa và không may mắc Covid-19. Sức khỏe của Hân hiện đã ổn định và em đã chính thức bắt đầu học kỳ mới. Nhìn lại một năm đã qua, nữ sinh Hà Nội vui vì đạt được mục tiêu du học, có thành tích tốt trong học tập. Năm tới, Hân mong bản thân và gia đình mạnh khỏe, bình an; có nhiều trải nghiệm mới và hè có thể về thăm nhà.
Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 200.000 du học sinh Việt Nam theo học tại nước ngoài. Dịch bệnh diễn ra hơn hai năm qua làm đảo lộn kế hoạch học tập của họ. Phần lớn du học sinh trở về Việt Nam bị kẹt lại trong nước, phải chuyển sang học online vì chính sách siết chặt đi lại của các quốc gia có dịch. Số ở lại không thể về thăm gia đình vì lý do tương tự.
Sau những cái Tết xa nhà, mong ước "hết dịch để về nước vào hè này" của Khả Hân hay Thu Thủy cũng là mơ ước chung của nhiều du học sinh.
Bình Minh