Em tên là Vũ Duy Minh Khoa, năm nay 22 tuổi và hiện là sinh viên đại học. Em sinh ra và lớn lên tại Đức và hiện giờ em sinh sống tại Witten, một thành phố khá lớn nằm ở miền tây nước Đức.
Em chưa từng có cơ hội về Việt Nam thăm quê hương đất nước của em, em buồn. Em mong được ăn Tết ở Việt Nam, vì em biết rằng Tết ở Việt Nam náo nhiệt tưng bừng hơn ở nước ngoài rất nhiều và không khí Tết ở bên đây không thể sánh bằng ở trong nước. Nhưng em cũng xin kể về cuộc sống của em với sự đón xuân tại Đức và người Việt ăn Tết bên đây như thế nào.
Từ nhỏ, bố mẹ em đưa hai chị em em tới những Hội xuân Dân tộc do người Việt tại Đức tổ chức và riêng tại nhà em thì cũng đón xuân, tuy nhiên, khi em còn nhỏ, em không thật sự biết Tết tây và Tết ta khác nhau chỗ nào. Em chỉ biết khi Tết đến thì trong nhà em có rất là nhiều món ăn ngon và khi em đến những Hội xuân Dân tộc, em được xem những màn múa lân hấp dẫn và ông Địa bụng to cầm quạt múa rất vui. Rồi nhận được những bao lì xì đo đỏ nho nhỏ có tiền bên trong.
Tết năm em 3 tuổi. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Khi em lớn lên thì em dần dần tự học hỏi thêm về văn hóa truyền thống của mình và tự học viết và đọc tiếng Việt, vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ và em quan niệm rằng người Việt thì phải biết tiếng Việt, nếu không thì không phải là người Việt. Rồi sau đó em mới hiểu được sự khác biệt giữa Tết ta và Tết tây. Báo VnExpress đã giúp em rất nhiều trong việc cải thiện tiếng Việt của em, vì em thường xuyên truy cập VnExpress để đọc những bài báo về Việt Nam.
Em thường kể cho bạn bè người Đức của em rằng em ăn Tết hai lần trong năm – họ rất ngạc nhiên. Rồi sau đó, mỗi dịp xuân về thì em tham gia vào những buổi văn nghệ mừng xuân với tiết mục múa lân và ca hát.
Năm 2007, em cùng chị của em tổ chức một buổi văn nghệ mừng xuân tại thành phố em đang sinh sống và buổi đó là buổi Tết đầu tiên do giới trẻ người Việt bên Đức đứng ra tổ chức và buổi Tết đó đã khép lại rất thành công với số người tham gia lên tới khoảng 1.000, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng người Đức.
Trong nhà em, mỗi khi Tết đến xuân về, bố mẹ em chuẩn bị những món ăn cho những ngày Tết. Bố mẹ em đi mua lá dong (lá chuối), thịt ba chỉ, đậu xanh và gạo nếp để gói bánh chưng. Trên bàn ăn trong những ngày Tết còn có những món ăn như là chả quế, giò thủ, giò lụa, bánh mứt, nem chua, củ kiệu và dĩ nhiên không thể thiếu một nồi thịt kho tàu – riêng em, em rất mê món thịt kho tàu, khi không phải Tết em vẫn thường xuyên ăn món đó.
Rồi khi gần Tết, bố mẹ em mua gạo về nhà, mặc dù trong nhà còn rất nhiều gạo. Hồi em còn nhỏ, em luôn thắc mắc vì sao bố mẹ vẫn mua gạo trong khi trong nhà còn nhiều gạo. Sau này em mới hiểu đó là một phong tục trong dịp Tết mong muốn suốt năm có gạo ăn và không bị đói. Ngoài phong tục đó thì còn những phong tục khác như là trong ba ngày Tết không được quét nhà vì không muốn quét tiền ra ngoài, lúc nào cũng phải vui vẻ không cãi nhau cho suốt năm may mắn mỉm cười với mình...
Số người Việt sinh sống tại Đức khá đông, hầu như ở vùng nào nước Đức cũng có người Việt sinh sống, cho nên mỗi dịp Tết đến xuân về thì ở vùng nào cũng có những buổi đón xuân rất vui và hoành tráng. Ở tây Đức thì có buổi Tết lớn ở Oberhausen, ở đông Đức thì có ở Leipzig, miền trung thì ở Frankfurt và miền nam thì ở München. Trong dịp Tết, ở đó có những màn văn nghệ mừng xuân rất vui và có những món ăn Việt Nam rất ngon, bánh chưng, bánh tét, chả quế, giò lụa, giò thủ, nem chua... có thể mua mang về nhà, nhất là những ai không có thời gian để tự làm.
Ngoài những buổi Tết đó thì ở đông Đức còn có khu người Việt buôn bán có tên là "Chợ Đồng Xuân" tại thủ đô Berlin. Nơi đó, khi Tết đến, không khí Tết tràn ngập khu vực với những cây hoa mai rất đẹp khắp nơi và quầy hàng bánh chưng, bánh tét và kẹo mứt.
Rất tiếc, em chưa từng có cơ hội về Việt Nam thăm quê hương đất nước của em, em sẽ cố gắng thu xếp thời gian để trong thời gian sớm nhất em có thể về Việt Nam và ăn Tết ở quê hương một lần.
Sau cùng em xin chúc các anh chị trong ban biên tập và các độc giả của VnExpress một năm mới Nhâm Thìn an khang thịnh vượng và vạn sự như ý.
Vũ Duy Minh Khoa