Xa quê hương 14 năm trời, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp trở về vào Tết Nguyên đán để sum họp với gia đình, nhưng không khí Xuân quê hương và hương vị Tết chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng tôi mỗi dịp đón Xuân ở quê hương mới của mình.
Tôi sống ở thành phố Seattle, một thành phố tương đối yên bình với những cư dân hiền lành, tưởng tượng một cách gần gũi hơn thì Seattle có khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên đồi núi thì thật xinh đẹp và thơ mộng.
Có thể nói một cách ví von khác thì thành phố Đà Lạt ở Việt Nam là một Seattle thu nhỏ, chỉ khác một vài điểm là tại xứ cao nguyên Seattle này thì mưa nhiều hơn, lạnh hơn, thậm chí có tuyết rơi vào những tháng mùa đông.
Là người Việt Nam thuần túy, hằng năm mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để trang hoàng nhà cửa, làm bàn thờ Tết để nhớ đến ông bà tổ tiên.
![]() |
Góc Tết Việt của gia đình tôi. Ảnh tác giả cung cấp. |
Ở Seattle, cộng đồng người Việt tương đối lớn mạnh với rất nhiều hội đoàn. Ở nhà thờ Việt Nam, thuộc cộng đồng giáo xứ Các Thánh Tử Đạo mỗi năm đều tổ chức gói bánh chưng bán gây quỹ, bánh được nấu rất chuyên nghiệp và công phu, đồng thời chất lượng cũng bảo đảm ngon với giá cả hợp lý để ủng hộ cộng đồng giáo xứ.
Bên cạnh đó, các Chùa cũng tổ chức bán bánh tét chay và các món ăn chay ngày Tết để phục vụ bà con phật tử và đặc biệt là đêm giao thừa, Chùa sẽ có đốt pháo bông để tiễn đưa năm cũ và đón mừng năm mới.
Vào ngày giao thừa và mùng một, mùng hai, mùng ba, nhà thờ và chùa đều có những buổi lễ cầu nguyện cho tổ quốc, cho ông bà tổ tiên, và thánh hóa công ăn việc làm. Có chúc Tết các cụ lão niên, có phát lộc đầu năm, lì xì cho các cháu nhỏ và chắc chắn một điều là không thể thiếu đội múa lân trong ngày mồng một.
Tại trung tâm thành phố, lễ hội mừng Xuân cũng được diễn ra sôi nổi trong hai ngày, thường là vào cuối tuần. Ban tổ chức mời gọi các hội đoàn tham gia các hoạt động tiêu biểu như đấu võ thuật, đố vui ngày Tết, giới thiệu các nghệ thuật dân gian, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc và giới thiệu các món ăn truyền thống Việt nam.
Bình chọn cho bài dự thi tuần 2 |
Lễ hội mừng Xuân là một nét son đã được duy trì suốt 15 năm qua tại Seattle nói riêng và hầu hết các thành phố tại Mỹ có cộng đồng người Việt nói chung.
Mỗi dịp Xuân về, gia đình nhỏ của tôi lại đón Tết với nhiều tâm trạng. Bồi hồi nhớ về những mùa Xuân xưa với nồi bánh chưng ba nấu vào ngày 28 Tết, để kịp đi biếu bà con họ hàng nội ngoại. Nhớ chậu hoa mai mẹ chăm bón thật kỹ để các nụ hoa phải nở đúng vào ngày đầu năm mới.
Nhớ hai chị em đi mua sắm hoa quả và bánh mứt trong không khí thật rộn ràng của ngày Tết, rồi đêm giao thừa với tiếng pháo rộn ràng như chào đón một năm đầy vui tươi hạnh phúc.
Ngày đầu năm, cả nhà dậy thật sớm và làm gì cũng thật nhẹ nhàng vì sợ vô ý đổ bể sẽ mất đi may mắn cả năm, chúng tôi thắp hương cho ông bà, chúc Tết ba mẹ rồi cả gia đình mặc quần áo tề chỉnh đi lễ nhà thờ để tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và cầu bình an cho quê hương tổ quốc.
Nói sao cho hết muôn vàn kỷ niệm của Tết ngày xưa. Giờ đây, sinh sống tại xứ người, tôi cũng góp thời gian để tạo một “góc Tết” trong nhà để kính nhớ tổ tiên và ba tôi đã phù hộ cho gia đình chúng tôi trong một năm qua.
Hơn thế nữa, tôi muốn giữ những tập tục cổ truyền của người Việt Nam để nhắc nhở các con mình luôn nhớ đến nguồn gốc và phong tục của người Việt nam. Thật ra, ngày Tết nguyên đán cũng có ý nghĩa tương tự như vào dịp holiday của người Mỹ.
Trước lễ giáng sinh, các thành viên gia đình dù đi học, đi làm, hay đi xa gia đình vì lý do gì cũng đều cố gắng trở về nhà sum họp với gia đình trong ngày lễ giáng sinh. “I’ll be home for Christmas..” là tên một bài hát rất phổ biến chỉ để nói lên một ao ước được về với gia đình trong dịp Christmas.
Người Việt Nam và người Mỹ cũng thực hiện điều ước muốn giống như nhau, là về quê sau một năm xa gia đình làm ăn sinh sống hoặc tụ họp về nhà cha mẹ trong ngày đầu năm để chúc tuổi các cụ và gặp gỡ anh chị em.
Tết Nhâm Thìn năm nay tới sớm hơn mọi năm, gia đình tôi vừa cất cây thông giáng sinh vào nhà kho chưa bao lâu, thì tôi đã nhờ ông xã đi cắt một cành có kiểu dáng tựa cây mai thật đẹp vừa nhú nụ rồi gắn lên cành các hoa mai bằng giấy.
Tuy không đẹp như mai thật nhưng vẫn mang hơi hướng của ngày xuân, rồi đem đôi câu đối rất tâm đắc cất dành từ năm ngoái ra treo: “Thành kính tổ tiên ơn gia độ, Báo ân phụ mẫu nghĩa sinh thành” và cũng không quên đem khung hình ba xuống để lau chùi cho sạch sẽ để hương hồn ba về độ trì cho con cháu trong ngày Tết.
Đến phần hoa trái thì bánh mứt, hột dưa từ Việt Nam nhập sang được bán rất đa dạng phong phú ở các chợ. Mâm ngũ quả cũng tươi tốt và rực rỡ màu sắc, tôi mua cả bông cúc đại đóa vàng và bánh chưng Tết được bán ở nhà thờ, nóng hổi và thơm phức mùi nếp mới. Thế là tạm đủ cho “góc Tết” ở nhà, nếu còn thời gian sẽ kết thêm một bình hoa đào cho đủ cả hoa hai miền nam bắc.
Trước Tết một ngày, tranh thủ mua vài cân giò lụa, giò thủ, làm ít nem chua và kho nồi thịt kho trứng. Món thịt kho trứng này và món bánh chưng là hai món “khoái khẩu” của sắp nhỏ.
Bày xong bàn thờ thì cũng đúng ngày 25 Tết, trong nhà thật là ấm cúng tràn đầy không khí Tết, định sáng mai mua thêm phong “pháo kiểng” treo lên cây mai cho đẹp.
Vừa mở cửa định “đề” máy xe cho ấm thì ôi trời “một trời sáng trong hôm lành, một mùa tuyết ôm cây cành, một màu trắng bao la tình…” tuyết rơi đâu từ đêm qua đã phủ ngập mọi nhà, Seattle thông thường chỉ mưa nhiều và lạnh nhưng ít khi có tuyết, đây là trận tuyết đầu mùa năm nay cũng may rơi vào chủ nhật nên con cái được nghỉ và có dịp ra chơi tuyết.
Cũng thật buồn cười, bên trong nhà thì không khí Xuân đang về, bước ra ngoài cửa thì mùa đông Âu Mỹ với cáí lạnh của tuyết đang rơi, tôi lại bâng khuâng vì chợt nhớ ra mình đang ở Mỹ, cách xa mẹ già cả nửa vòng trái đất và cha tôi thì cũng khuất núi vừa đúng năm năm.
Hôm nay cũng là ngày giỗ ba, đọc một chuỗi kinh cầu cho ba được an vui nơi thiên phúc, cầu cho mẹ già được luôn mạnh khỏe, bằng an nơi quê nhà, cầu cho một ngày con lại được về đón xuân với mẹ thân yêu và gia đình.
Con gái nhỏ vừa nghe mẹ nói nhỏ là trời có tuyết đã vùng dậy hào hứng đòi ra chơi tuyết. Hôm qua cháu cũng đòi giúp mẹ làm bàn thờ Tết và treo bao “lì xì” lên cành mai. Tết và lễ hội mừng xuân cũng đã trở nên một phong tục và hoạt động thân quen với các cháu. Cháu trai lớn học xa nhà nhưng sẽ trở về vào ngày cuối năm để sum họp với bố mẹ và em.
Hy vọng vào một năm mới “xuân sang cội phúc sinh nhành lộc, Tết về cây đức trổ thêm hoa”.
Trang Lê