![]() |
Cúng ông Công, ông Táo ở Nga. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tròn một phần ba thế kỷ qua, kể từ năm 1981, hợp tác lao động Việt- Xô được ký kết, dân Nga đã quen với sự có mặt và những nghi lễ đặc sắc của người phương Đông, đặc biệt là cái Tết Việt Nam.
Có một nhà dân tộc học đã ví von rằng, nếu như người Chămpa vì một lý do nào đó rời đất đai của mình mà đi, thì dù ở phương trời nào, cứ đến ngày Tết lại cố tìm về thờ cúng tại nơi chôn rau cắt rốn; còn người Việt thì trên đôi gánh đi mở đất của mình luôn mang theo bàn thờ tiên tổ. Cứ cắm đất chỗ nào, thì việc đầu tiên của người Việt là lập ngay bàn thờ với hai bát hương, một thờ gia tộc, một thờ thần linh thổ địa. Chiểu vào cuộc sống của hàng chục ngàn người Việt ở Nga thì thiết nghĩ, ý kiến này hoàn toàn xác đáng.
Dù là ở ký túc xá, dù cư ngụ ở nhà riêng, hay tạm trú tại nhà thuê, có thể nói bất cứ gia đình người Việt Nam nào ở Nga cũng đặt bàn thờ. Ngày đầu tiên chuyển đến nơi ở mới, việc đầu tiên là bày lễ vật, hoa quả, cắm mấy nén hương cúng bái. Ngay cả sinh viên Việt ở chung phòng với sinh viên Tây cũng có một bát hương mua ở trong nước mang sang, có lúc khiêm tốn chỉ dùng một cốc thuỷ tinh đổ đầy gạo đặt trên nóc tủ, cắm ba nén hương bày hoa quả cúng ngày rằm, mồng một. Không ai bảo ai, không ai dạy ai, điều này đã trở thành tiềm thức sâu xa trong cõi tâm linh của người Việt.
Trong số xấp xỉ gần ba triệu người Việt đang sống rải rác trên hàng chục nước khắp đia cầu, những người Việt ở Nga do điều kiện riêng của nơi mình sinh sống, có những phương thức sinh hoạt và đặc điểm rất riêng.
Nói đến người Việt ở Nga là nói đến Ốp. Ốp Xaliút 2, Xaliut 5, Xokol, Sông Hồng, Đôm 14, An Đông, Rưbăc, Sài Gòn, Mekong…là những địa danh như tên làng, tên xóm ở Việt Nam. Ốp là chữ viết tắt đầu tiên bằng tiếng Nga trong từ ký túc xá, nơi người Việt ở thời còn là công nhân theo diện hợp tác lao động. Hình thức rút gọn ngôn ngữ châu Âu này, chắc chắn về sau nhiều nhà ngữ văn sẽ khai thác và tìm ra những quy luật thú vị. Ví dụ: Leningrad thì gọi là Len, Matxcơva thì gọi là Mat, Ulianôv thì gọi là Uli, Ekaterinburg thì gọi là Eka…, thế mà cả Tây, cả ta hầu hết đều hiểu, đều chấp nhận. Còn cái từ Ốp thì ngay cả những trí thức khó tính cũng coi đây là một danh từ, là một sản phẩm tuyệt hảo trong ngữ ngôn người Việt.
Trước năm 2005, khi những Ốp lớn có khoảng dăm, bảy trăm đến một ngàn rưỡi dân cư ngụ vẫn còn tồn tại thì Tết trong các Ốp tại Nga cứ như là Tết ở làng quê Việt Nam vậy.
Mặc dù đã năm năm nay, các Ốp của người Việt tại Nga đã kết thúc hợp đồng, đóng cửa hầu hết; những Ốp danh tiếng đã thành kỷ niệm, nhưng không khí Tết vẫn giống như hồi còn làm ăn thịnh vượng. Hiện tại ở Matxcơva ngoài hai Ốp mới mở, hai Ốp cũ còn tồn tại, còn có thêm chừng năm điểm Khu Ngoại giao đoàn thuê lại, tập trung tới hàng ngàn người Việt, nên không khí Tết cũng chẳng khác gì lắm với thời xa vắng ấy. Sống co cụm là một nét văn hoá của người Việt, đặc biệt rõ đậm nhất là ở Nga.
Cũng như người Việt ở các nước châu Âu khác, nguời Việt ở Nga hàng năm được đón hai cái Tết, Tết Tây và Tết ta. Ở Matxcơva, mỗi năm, cứ cuối tháng 11 dương lịch, không khí năm mới đã rộn rã lắm rồi. Trên hàng chục kênh truyền hình trực tiếp và truyền hình cáp, la liệt các chương trình quảng cáo hàng hoá, mỹ phẩm và những hình thức giải trí, đủ các lời chúc mừng hoa mỹ chuẩn bị đón xuân sang.
Vài năm nay, đa phần người Nga có thu nhập cao chót vót, người ta đã hình thành một mốt mới rất thời thượng là đi đón xuân ở các nước khác, nhất là các nước ấm áp như Ai Cập, Arập, Thái Lan… và trong danh sách quảng cáo có cả Việt Nam. Khắp thành phố Matxcơva mênh mông từ đầu tháng mười hai khai trương hàng trăm điểm bán cây thông tươi. Mỗi cây thông cao cỡ ba mét trở lên, dáng đẹp, có giá từ khoảng sáu chục đô đến tám chục đô; thấp hơn một chút chừng ba, bốn chục đô. Các cây thông giả, loại cao cấp tự quay được, có đủ đèn và quả trang trí made in Trung Hoa, thường phải đến ba trăm đô, có lúc lên tới bốn trăm đô. Những cây thông này được bày từ cuối năm cũ cho đến hết Giáng sinh.
Đa phần người Nga theo đạo Chính thống, nên ngày Giáng sinh của họ không phải là 25/12 mà là ngày 7/1 theo lịch cũ được lập từ thời Piốt Đệ nhất đầu thế kỷ XVIII.
Giống như ở ta chơi đào, quất, gia đình người Nga nào cũng phải có cây thông. Tùy theo độ rộng từng căn hộ, người Nga chọn mua cây thông về, đặt vào chỗ trang trọng nhất giữa nhà, trang trí đèn, hoa, quả, dây trang kim rực rỡ. Giao thừa đến, cả nhà tụ hội quanh bàn tiệc bên cây thông, mở sămpanh, ăn uống và mở nhạc, chúc nhau những lời đẹp nhất.
Khác với Việt Nam, đã lâu lắm rồi, ta hoàn toàn bỏ pháo, thì ở Nga, pháo Tàu không chỉ bày bán la liệt, công khai tại các chợ đã đành, mà trong các siêu thị, muốn mua loại nào cũng sẵn. Tối 30 Tết, nhiều điểm ở Matxcơva, nhất là trên đồi Chim sẻ (đồi Lê nin trước đây), ở Công viên Chiến thắng và hàng loạt công viên khác, pháo nổ rực trời. Quanh các khu nhà dân, hai, ba giờ sáng, tiếng pháo đùng vẫn đì đoàng không dứt. Năm nay do vấn đề an ninh, chính quyền Matxcơva chỉ quy định trên 200 điểm được đốt pháo.
Trong hàng loạt văn bản của thành phố Matxcơva vào dịp cuối năm, bao giờ cũng có một công văn chỉ thị cho các công sở, trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại… phải tổ chức chu đáo việc vệ sinh và trang trí để đón năm mới.
Dĩ nhiên là các Ốp Việt nam “nhập gia tùy tục”, cũng đều chuẩn bị cây thông, đèn màu treo quanh các logo và bảng hiệu. Tuy nhiên khó mà sánh được với sự trang trí bài bản tại các công sở của Nga. Trên các đường phố, quảng trường, công viên, bến bãi, các tụ điểm văn hoá ở Matxcơva quang cảnh cực kỳ lộng lẫy.
Các cây thông trước Nhà Trắng, trước Toà Thị chính, Quảng trường Puskin, phố Tverxkaia, trước tượng Maiakôvxki, trước Khải hoàn môn đại lộ Kutuzôp, trước trường MGU … đều được trang hoàng bằng hệ thống chiếu sáng huyền ảo và đèn muôn màu sắc. Mỗi cây thông đặt ở những vị trí này đều có chiều cao xấp xỉ với chiều cao của một ngôi nhà 5 tầng.
Hoành tráng nhất là cây thông trước Điện Kremli vừa được chở về bằng xe chuyên dụng hôm 19/12 cao tới 31 mét, nếu mỗi tầng nhà cao chừng 3 mét, thì cây thông này cao xấp xỉ một ngôi nhà 10 tầng! Trong những đêm cuối năm, dưới làn mưa tuyết lất phất, từ trên đồi trước Trường đại học Tổng hợp MGU nhìn xuống, thành phố trông giống như một kinh đô ánh sáng, lung linh tưởng như trong thần thoại.
Các gia đình người Việt ai có căn hộ rộng, có điều kiện thì cũng thửa lấy một cây thông cho có không khí Tết Tây. Mặc dù không phải là người ngoài cuộc, mặc dù sống ở đất Nga không ít năm đi chăng nữa, nhưng hình như Tết Tây đối với những người Việt chỉ như là một nghi thức, chứ chưa thành tiềm thức, và đương nhiên là chưa trở thành một lễ hội thiêng liêng, chí ít là ở thời điểm bây giờ.
Chỉ sau Tết Tây vài tuần, dường như tự thẳm sâu trong lòng người Việt, mạch ngầm của truyền thống dân tộc đã âm thầm chảy trong huyết quản. Các chuyến bay từ Matxcơva - Hà Nội từ cuối tháng mười một âm lịch đã chật ních người, mua được vé về nước lúc này là cả một vấn đề. Từ năm 2004, mỗi tuần có hai chuyến bay của hãng Aeroflot và hai chuyến của Vietnam Airlines, nhưng trước sự đột biến số lượng khách hàng là thừa đủ lý do để khiến tình trạng thị trường vé trở nên sôi động.
Đã có tới hàng chục bài viết trên các báo ở Hà nội phản ánh việc đầu cơ vé, nâng giá vé vô tội vạ, đến mức lãnh đạo của Tổng cục Hàng không phải cho tăng lập tức thêm hai chuyến bay sang Nga vào dịp giáp Tết; đồng thời hãng Cathay Pacific vào cuộc khai thác tuyến bay này một tuần ba chuyến; thành phố Ekaterinburg cách Matxcơva gần hai ngàn cây số cũng đã mở chuyến bay về Hà Nội trực tiếp, thế nhưng cơn sốt vé vẫn chưa chịu hạ nhiệt.
Một tuần trước Tết, tại sân bay Domodedovo xảy ra một vụ khủng bố kinh hoàng tại ngay lối ra của khách nước ngoài. Nơi đây, cứ mỗi chuyến máy bay sang, luôn có hàng chục người Việt ra đón thân nhân, bè bạn. May sao, vụ nổ xảy ra trước khi có chuyến bay từ TP HCM sang, nên người Việt không ai bị thương vong. Do nhiều năm ở Nga, do những vụ khủng bố luôn xảy ra, nên người Việt không hề hoang mang như một số báo ngộ nhận, mà bình tĩnh lạ lùng. Người ta vẫn tất bật người chuẩn bị ra về, người ở lại lo sắm Tết, chỉ có điều mọi người cảnh giác hơn.
Người Việt trước đây từ Nga về nước ăn Tết lỉnh kỉnh với đủ thứ thượng vàng, hạ cám như làm nghề hàng xén; còn bây giờ, bà con ra về thì va li, cặp số sang trọng như dân ngoại giao.Chỉ cần về đến Hà Nội, đổi vài ba trăm đô ra Việt Nam đồng, sà vào một siêu thị bất kỳ thì sắm quà mệt nghỉ, khỏi cần chi chở củi về rừng.
Nguyễn Huy Hoàng
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.