A! Mình có Tết rồi!. Ảnh: tác giả cung cấp |
Khi gió heo may ngúng ngoảy dạo khắp phố phường nhộn nhịp, khi những chuyến ghe thương hồ chở mùa xuân về trên mọi nẻo đường Việt Nam thì nơi tôi ở mùa đông vẫn ngự trị. Rovaniemi - quê hương của ông già Noel, thủ phủ của Lapland, vùng đất cực bắc Phần Lan, lạnh -20 độ, tuyết trắng xóa, cây cối khô đen không còn dấu hiệu của sự sống, nói gì đến mùa xuân.
Nhìn cảnh ấy mà nhớ nhà, tủi thân muốn khóc. Lần đầu tiên ăn Tết tha hương, đúng nghĩa “xa nhà vạn dặm”, xung quanh chẳng có gì ngoài màu trắng mịt mùng của tuyết. Coi như năm nay không có Tết rồi!
Nhưng dường như cảm giác rộn ràng nôn nao Tết trong tôi đã được lập trình từ lâu và trở thành một phần của đồng hồ sinh học. Một tuần trước Tết, tôi quyết định mình phải được ăn Tết “hoành tráng” hết mức có thể.
Không có hoa thì học người xưa tự nhủ "Năm trước ở phương Nam, thấy mai trắng như tuyết/ Năm nay ở phương Bắc, thấy tuyết trắng như mai" (ý thơ Trương Thuyết, đời Đường). Dù hoa mai ở quê tôi vàng rực, nhưng hề gì, xem như năm nay đổi món thưởng ngoạn, mai chiếu thủy trắng muốt đất trời, càng thú vị chứ sao.
Xem “gia tài” Tết của mình có những gì nào. Cũng giàu có chán. Này là đủ loại bánh tráng ngọt, bánh tráng nhúng, bánh tráng chả giò, mứt gừng, mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột… mẹ đã tỉ mẩn gửi sang từ tháng trước. Mẹ còn cặm cụi phơi khô ngò gai, rau om, bù ngót, cải thìa để con được nhấm nháp hương vị quê nhà trong từng giọt canh ngọt ngào. Tôi nâng niu từng lá rau, thấy trong dáng vẻ quắt queo đen đúa ấy là kết tinh của tình mẹ bao la, hương bếp Việt và cả cái nắng chói chang xứ nhiệt đới.
Tết Việt của tôi bắt đầu từ 22 âm lịch bằng một bữa tất niên rất “Liên Hiệp Quốc”: 7 khách mời với 6 quốc tịch Phần Lan, Nga, Canada, Ghana, Bangladesh, Trung Quốc. Âu - Á - Phi - Mỹ, xem như gần đủ đại diện quốc tế cùng thưởng thức Tết Việt Nam rồi.
Tôi đãi bạn món bún chả giò và gà rô-ti. Các bạn cứ tấm tắc khen món ăn Việt Nam chẳng những ngon mà còn đẹp, và húp lấy húp để tô nước mắm chua ngọt. Tôi giải thích rằng người Việt Nam luôn chú trọng cân bằng âm - dương trong ẩm thực, nên các vị chua - cay - mặn - ngọt - đắng kết hợp hài hòa ở từng món ăn. Và người Việt không chỉ thưởng thức ẩm thực bằng vị giác mà còn bằng cả năm giác quan, cùng với tưởng tượng, hồi ức nữa. Vị Tết Việt lan tỏa trên đầu lưỡi, giòn tan trong câu chuyện rôm rả, khắc họa ấn tượng Việt Nam trong lòng những người bạn quốc tế của tôi.
23 Tết, tôi xếp một đĩa mứt đưa ông Táo. Rovaniemi xa xôi quá, nhưng tôi tin ông Táo vẫn hiện diện trong gian bếp của mình. Hôm nay, ông Táo về trời, và chắc sẽ bẩm báo rằng xứ tuyết xa xôi có cô gái ngày ngày vẫn chăm chút nấu mâm cơm đậm chất Việt, dù nguyên liệu thiếu thốn trăm bề.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Từ 23 đến 29 Tết là một tuần học hành cao điểm với cả núi bài tập. Nghĩ cũng hay, thời điểm này ở Việt Nam thì mình chẳng tâm trí nào mà nghĩ đến bài vở nữa, vì khắp nơi chộn rộn không khí Tết. Nhưng ở đây vẫn vắng như tờ. Tết tại tâm thôi.
May là 29, mùng một Tết rơi vào cuối tuần nên tôi có thời gian chăm chút. Canh chua với cá lóc khô (thay vì cá lóc tươi), giá tự làm, thơm đóng hộp, rau thơm phơi khô mẹ gửi sang. Tôm khô nhờ đồng hương mua ở Helsinki. Củ kiệu mua tại một tiệm người Việt ở Oulu. Thêm thịt kho hột vịt và chả giò, xà lách trộn là đủ tươm tất mâm cỗ rước ông bà.
Dĩ nhiên không thể thiếu mâm ngũ quả với cà, thơm, kiwi, xoài, tượng trưng “cầu - thơm - quý - xài” vậy, chứ đòi hỏi “cầu vừa đủ xài” thế nào được. Treo lên tường bức tranh Đông Hồ mang tên “Phú Quý”, tôi thay chiếc áo dài, thấy hiển hiện đủ đầy một góc Việt Nam…
Mâm ngũ quả với cà, thơm, kiwi, xoài, tượng trưng “cầu - thơm - quý - xài”. Ảnh: tác giả cung cấp |
Đón cái Tết tha hương đầu tiên, tôi một mình nhưng không thấy đơn côi. Mỗi ngày tôi đều cúng cơm ông bà ít nhất một lần. Dù không nhang khói, không bánh tét, bánh chưng, mai vàng cúc thắm, Tết Nguyên đán với tôi vẫn trọn vẹn đủ đầy và ấm áp tình thân.
Nhưng ý nghĩa lớn nhất của cái Tết xa nhà chưa dừng lại ở đó. Tôi cảm nhận rõ ràng hơn về văn hóa nước mình khi chia sẻ những bức ảnh chụp và phong tục Tết với Mike Hurd – một giáo viên người Mỹ luôn hứng thú với văn hóa Việt Nam, và rất vui mừng khi gặp một sinh viên “100% Việt Nam” như tôi.
Thầy Mike tâm đắc với tập tục cúng ông bà, ca ngợi người Việt đã không cho phép cái chết chia lìa mình với người thân. Khác với phương Tây nơi khoa học và tôn giáo không bao giờ ngồi chung bàn, phong tục này cho thấy tư duy phương Đông không đối lập hai lĩnh vực trên mà chọn cách dung hòa trong chiều sâu tư tưởng và truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Khi nghe tôi nói “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, Mike sửng sốt trước sự trọng thị và tôn vinh mà xã hội Việt Nam dành cho nhà giáo, đồng thời cũng cảm thấy lo lắng về sự bất toàn của mình. Là con người, ai mà không có khuyết điểm, thầy tôi hy vọng rằng trong xã hội mà người thầy đứng thứ ba sau cha mẹ, giáo viên cũng được quyền không hoàn hảo.
Và hơn hết, email kể chuyện Tết của tôi đầy ắp những hình ảnh, sắc màu, hương vị ngọt ngào, không khí rộn ràng và kỉ niệm tươi đẹp. Thầy Mike chia sẻ rằng trước khi đọc thư tôi, ấn tượng đầu tiên mà từ “Tết” gợi nên cho ông là cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 – biểu tượng của cuộc chiến đầy thương đau mà đất nước ông đã gây ra ở Việt Nam. Cho nên đối với Mike và những người Mỹ ở thế hệ của ông, “Tết” là một từ ám ảnh cả đời.
Thầy cảm ơn tôi đã thay đổi định nghĩa về “Tết” của thầy. Từ nay, mỗi khi nghĩ đến Tết, Mike sẽ thấy tôi trong chiếc áo dài Việt Nam tha thướt, thấy bức tranh chú bé ôm vịt rực rỡ, thấy những món ăn ngon mắt ngon miệng, những cuốn chả giò xếp hình ngôi sao… “Tết” sẽ là những điều ấm áp, ngon lành, tươi tắn nhất, chứ không còn là ảm ảnh đau đớn về chiến tranh nữa.
Tôi bất ngờ và xúc động lắm khi đọc thư của thầy Mike. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể tạo nên sự thay đổi lớn như thế ở một người nước ngoài. Thầy tôi không phải là cựu chiến binh, ông biểu tình chống chiến tranh chứ không hề đi lính, thế nhưng ông lại mang nặng mặc cảm tội lỗi mỗi khi nghĩ đến Việt Nam.
Tôi vui lắm khi giúp ông cởi bỏ dần gánh nặng ấy. Tôi cảm nhận rõ ràng và sâu sắc ý nghĩa của việc giao lưu văn hóa, đó là bắc những nhịp cầu để nhân loại hiểu nhau hơn, gần nhau hơn, xóa bỏ khoảng cách và xoa dịu những vết thương quá khứ chưa lành.
Vậy đó, cái Tết xa nhà đầu tiên lại là cái Tết ý nghĩa nhất với tôi. Tôi thấy mình lớn lên nhiều với những trải nghiệm mới mẻ, đưa mình về gần hơn với cội nguồn dân tộc, để hiểu mình hơn và chia sẻ với thế giới rộng lớn.
Đi xa để lại về gần, niềm vui lớn nhất trong Tết này của tôi là giúp được thầy Mike thay đổi định nghĩa về Tết, để rồi chính tôi cũng tái khám phá những vẻ đẹp độc đáo của Tết Nguyên đán mà từ lâu mình nghĩ là đã quá thân quen.
Đỗ Thị Hồng Nhung