![]() |
Ảnh minh họa google. |
Những ngày cuối năm ở Richmond lòng tôi nao nao lạ. Hồi sáng này chat với nhỏ em, nó bảo rằng bên nó ở không có không khí Tết gì hết. Tôi tự hỏi không biết ở Việt Nam như thế nào, nhưng tôi đoán có lẽ chộn rộn lắm rồi. Thế rồi tôi lên YouTube, tìm lại những bản nhạc xuân. Lòng bồi hồi nhớ lại cái Tết năm ấy.
Buổi sáng tinh mơ ấy, tiết trời xanh veo. Cả nhà tôi thức giấc sớm hơn mọi khi. Mọi ngày giờ này tôi còn cuộn mình trong chăn. Hôm nay cũng te tái cầm chổi quét sân phụ má. Ngoại vẫn như mọi ngày đi ra vườn cho gà ăn, sẽ sàng rải những nắm thóc cuối cùng trong thố. Ngoại quày quả vào trong nhà, ngang cây dừa sai trĩu quả. Ngoại bảo sẽ nhờ chú Tám trèo hái. Ngoại tính trái non thì đem róc vỏ rồi đơm cúng ông bà, còn thì để uống nước. Trái khô thì ngoại xắt lát để làm mứt. Tôi trỏ cây đu đủ rồi hỏi:
- Tết nay ngoại có làm dưa món thập cẩm hông ngoại?
- Có chứ con, năm nào nhà mình cũng không thiếu món đó được đâu con. Má bây bữa hổm ngâm củ kiệu rồi, để ngoại hái vài trái đu đủ vô cho có đủ món ba ngày Tết.
Nói là làm, ngoại hái ba, bốn trái. Tôi cũng le te theo ngoại vô nhà.
- Cà rốt nè, tỉa hoa như vậy nè con, còn củ cải trắng nữa. Cứ như vậy ngoại và tôi xắt xong đống dưa món thập cẩm. Tôi thì không khéo léo cho lắm, tỉa hoa cho củ cà rốt không quên tỉa một đường vào ngón tay.
Xong đâu đó ngoại sai tôi mang ra sân phơi cho ráo nước. Ăn sáng vừa xong, ông ngoại bảo sẽ mang lư hương chân đèn lên xóm trên để đánh bóng. Còn lại mấy chị em tôi, đứa lớn đứa nhỏ lăng xăng lấy khăn lau chùi bụi cửa sổ, cửa chính.
Má tôi có một sạp hàng ở chợ. Một bên má bán hàng bạc, còn một bên thì má chất xoong nồi rổ rá, đủ các vật dụng linh tinh cho nhà bếp. Khoảng nửa buổi, tôi xách xe đạp xuống chợ để lấy đồ ăn về cho ngoại nấu. Từ nhà đến chợ phải qua một chiếc cầu mà người dân quê tôi hay gọi là Cầu xi măng. Hai bên đường quốc lộ, người bán chuối, người bán thơm, bán mít vừa được chở từ trên rẫy xuống. Nhưng nhiều nhất vẫn là chuối buồng, lá chuối, lạt. Họ bán cho các thương lái chở ra Thành, xuống Nha Trang, đi lân cận các thành phố khác.
Đến chợ, không khí náo nhiệt hơn mọi khi. Bình thường tôi có thể đạp thẳng một mạch đến sạp của má, nhưng hôm nay đông người quá, phải xuống xe dắt bộ. Tiếng thợ rao mài dao mài kéo đây vang lảnh lót. Người thì cạnh tranh bày cả hàng hóa ra bên ngoài. Đến sạp hàng của má rồi. Má đang bán hàng cho một người Thượng đi mua sắm tết. Tôi lỉnh ra quán chè kế bên ngồi. Hễ lần nào cũng vậy, sạp nhỏ nên mỗi lần có khách mua hàng tôi được ngồi kế bên ăn chè nên thích thú lắm.
Ôi Tết! Chị bán chè cũng đông khách hơn ngày thường. Chắc ai cũng lo mua sắm, trả giá nên thấy khát nước, đói bụng. Vừa hay tôi ăn xong cũng là lúc má tôi rảnh tay, không có khách, biểu tôi qua hàng thịt heo. Tôi nghe má dặn dò chị bán thịt, giữ cho má cái thủ heo, mươi ký thịt đùi, thịt vai. Gọi là chị chứ thiệt ra người bán to lớn, mập mạp, già cũng trạc ngoại tôi. Tay thoăn thoắt thái thịt, miệng đối đáp khách hàng. Rồi má biểu tôi đi qua sạp giày dép để thử đôi dép mới. Miên man suy nghĩ, tiếng chồng bên tai đưa tôi rời khỏi khung cảnh nhộn nhịp của chợ quê ngày hăm mươi tháng chạp ấy. Tôi giật mình nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng rồi ư.
Cũng xin mạn phép cho tôi giới thiệu đôi nét về nơi tôi sống hiện tại. Thành phố nơi tôi sống có rất nhiều người Hoa, phần lớn là người Hong Kong. Đóng cửa tiệm nhưng chưa muốn về nhà, tôi liền rủ chồng đi dạo shopping mall. Vô chợ người Hoa tôi thấy có bán đầy đủ các thứ cho năm mới. Nào là cá chép được làm bằng bột gạo. Những chiếc bánh tròn có, vuông có, được làm giống như chiếc bánh in của quê nhà, nhưng chiên lên ăn thì lại giống chiếc bánh tổ. Trên kệ đầy những bánh, những mứt, nào là hạt bí, hạt dưa. Dạo qua quấy trái cây thì thôi rồi, từ mận, bưởi, lê cho tới xoài, ổi, măng cụt, sầu riêng, đu đủ... Người ta dán lên đó những chữ giấy son son vàng đỏ mà tôi không hiểu nghĩa. Người chen lấn, xếp hàng trông thiệt là náo nhiệt.
Đi ngang quầy bán hoa, đập vào mắt tôi là những cây quất, những giò lan khoe sắc thắm, những đào hồng và nhiều nhất là trường xuân và cây phát tài (mà ngoại tôi hay gọi là cây bông lá). Tôi đảo mắt nhìn quanh nhưng tuyệt không thấy hoa mai. Lòng tôi chợt bồi hồi với khung cảnh của mười mấy năm về trước. Đó là những ngày cận kề Tết. Ngoại tôi đó, đang đứng ngắm cây mai vàng khoe những chùm nụ nhỏ chúm chím như những ngón tay thơ trẻ. Bà tôi đang ngồi bên hiên nhà, nhẹ nhàng lau từng lượt lá chuối đã được phơi nửa nắng. Một bên là thịt heo, là nhân đậu xanh, là nếp tinh khôi trắng ngần. Bà kêu tôi ngồi kề bên rồi dạy cho tôi cách gói bánh tét.
Ngoại trải lá chuối rồi xúc chén nếp đều đặn trải dài trên lá. Ngoại sắp nhân đậu xanh, thịt heo rồi lại trải thêm một lớp nếp nữa lên trên cùng. Đến phần cột bánh, ngoại hướng dẫn cho tôi cách buộc lạt của hai đầu cây bánh tét rồi buộc một sợi lạt nữa vào giữa thân cây bánh. Đầu mối của một vòng lại được luồn vào bên trong vòng lạt đã buộc. Ngoại dặn gói bánh tét thì phải cho chặt tay thì cây bánh mới dẻ dặt, không bị nhão mà rất ngon. Mười hai cây bánh tét gói xong, chay cũng có mà bánh mặn cũng có thì cũng vừa lúc đủ trưa. Trước sân nhà ông tôi đang nhóm bếp dã chiến, được kê lên bằng ba cục đá to-loại dùng để xây nhà. Củi là những cành cây khô, được ngoại để dành từ cách đó mấy tháng. Có những khúc cây to, được ngoại xin từ ông thợ mộc hàng xóm. Nồi được ngoại dùng để nấu bánh to lắm, nghe nói hồi xưa ngoại dùng nó để nấu rượu. Vài người hàng xóm cũng mang bánh đến để nhờ ngoại luộc giùm. Bánh của nhà nào thì đánh dấu riêng của nhà đó để không bị nhầm lẫn. Ngoại liên tục châm thêm nước và luộc cho đến tận mười hai giờ đêm thì cây bánh vừa chín tới. Sang ngày hôm sau, ngoại chở về một cành mai. Ngoại nói mua của mấy người đi núi. Chiếc lục bình cao to được ngoại mang ra lau chùi cẩn thận rồi ngoại cắm mai vào, không quên gắn những cánh thiệp xuân mới có, cũ có. Chậu mai tết như kiêu hãnh hơn với chùm đèn trang trí nhấp nháy.
Rồi tôi nhớ hoài hình ảnh ấy - hình ảnh của má tôi đi bán hàng về. Chiếc nón lá quai nhung, trên cổ lái chiếc xe đạp má treo chiếc giỏ nhựa, má dùng để đựng sổ sách, tiền bạc mỗi buổi chợ. Khuôn mặt má đỏ ửng. Trán lấm tấm mồ hôi. Có lẽ mấy hôm nay người đi chợ mua sắm Tết đông. Má bận bán hàng nên về trễ hơn mọi khi. Về trễ nên chỉ có một mình má ngồi ăn trưa dưới nhà bếp. Tôi thiệt khờ, phải chi lúc đó tôi khôn một chút, đợi má về để cùng ăn trưa cho có bạn. Hình ảnh đó làm má trở nên lẻ loi, càng lẻ loi hơn khi mỗi dịp Tết về.
Buổi xế chiều, má đạp xe lên xóm Tây (người dân quê tôi đặt tên xóm theo phương vị đông ,tây, nam,bắc) để lấy tiền nợ của khách mua hàng chịu. Khổ! Người nông dân quê tôi có thói quen mua ghi sổ nợ rồi đến gần Tết người bán phải đi thâu tiền. Xâm xẩm tối, tôi phụ ngoại lùa đàn gà nhốt vào chuồng. Xong đâu đấy, cơm tối vừa dọn ra thì vừa lúc má tôi cũng về. Tôi không biết má có thâu được tiền hàng không. Má đưa cho hai chị em tôi hai đôi giày đồng kiểu, số lớn số nhỏ rồi biểu chị em tôi thử xem có vừa chân hay không. Đoạn má lấy ra mấy bộ đồ đặt may cho chị em tôi dịp Tết để mặc.Tôi còn nhớ rất rõ đó là bộ váy xanh có kiểu dây choàng chéo vai với chiếc áo tay phồng màu trắng và ren viền quanh cổ. Má nói đồ này ra Tết mặc đi học cũng được. Riêng thằng em út tôi bốn tuổi được má đặt may bộ đồ giả vest vừa size nên mặc vào trông thiệt là kháu khỉnh.
Tôi nghe ông ngoại nói sắp có đoàn cải lương về xã diễn thì tôi lại càng thích thú hơn nữa. Ngoại tôi khi đó làm chủ nhiệm hợp tác xã nên lúc nào cũng có vé mời đi xem cải lương. Ăn tối vừa xong, ngoại tôi lên nhà trên để phân chia từng loại bánh mứt. Phần thì để cúng, phần đãi khách, để con cháu ăn ba ngày Tết. Má tôi sắm Tết trọn vẹn lắm, nào là hạt sen, mứt gừng, táo tàu. Riêng mứt chùm ruột và mứt dừa là của ngoại tôi tự tay làm lấy. Má không quên mứt chà là - món mà ông ngoại tôi rất thích. Riêng hạt dưa, má biết mấy chị em tôi rất khoái khẩu nên mua liền bốn ký. Hai đứa em tôi ngộ lắm, bị sún răng nhưng lại thích cắn hạt dưa, cắn hạt nào là bể vụn hạt nấy, rồi nài nỉ tôi cắn giùm.
Đến giờ cúng tất niên, ngoại tôi bày bàn ngoài sân. Chiếc thủ heo được ngoại luộc, khéo léo trải lên trên một màng mỡ heo trông thật ngộ nghĩnh như miếng ren. Ngoại hay nói trước thì cúng, sau mình cũng ăn, nên lễ cúng tất niên ngoại và má tôi sửa soạn đầy đủ lắm. Thế rồi đêm giao thừa cũng đến. Khoảng chín giờ tối, trong xóm đã có nhà đốt pháo. Tiếng pháo đì đùng khiến cho đàn chó mười mấy con nhà ông Bốn sủa loạn ngầu. Mấy chị em tôi được má tắm rửa sạch sẽ. Chúng tôi được thay đồ mới. Tôi khoan khoái lắm vì rốt cuộc đã được mặc bộ đồ mà tôi yêu thích. Chị em tôi xếp hàng để được ông bà ngoại và má tôi lì xì. Chúng tôi tung tăng đi bộ lên xóm trên nơi đang có rất nhiều người tụ tập. Tiếng bầu cua lục cục, tiếng xổ lô tô. Tất cả những âm thanh đó như reo lên: Tết đến rồi! Đúng mười hai giờ sáng, ngoại treo bánh pháo mà má tôi đã sắm từ cách đó một tháng lên cây chà rang rồi gác lên cây chùm ruột trước nhà. Đốt pháo xong, ông bà ngoại chỉnh tề áo dài đi theo hướng phát hành - đi hái lộc đầu xuân.
Sáng mồng một Tết, ngoại không cho quét nhà, quét sân như mọi khi. Tục lệ này được gia đình tôi giữ cho đến ngày mồng ba. Ngày đầu tiên của năm mới, ngoại và má tôi nấu đồ ăn chay để cúng ông bà. Tôi cũng lăng xăng nhặt rau phụ giúp. Bữa cơm chay đầu năm có canh đậu miếng bún tàu, có bánh tét chay, có đậu phụ kho,đ ậu que xào, đơn sơ mà ấm cúng vô cùng. Ăn uống xong, ngoại kêu mọi người trong nhà chụp hình gia đình để làm kỷ niệm. Tôi theo ngoại đi lễ chùa, cầu xin trời phật phù hộ độ trì cho gia đình tôi - những người tôi thương yêu nhất - được một năm dồi dào sức khỏe, gia đạo được bình an, buôn may bán đắt.
Ngày mồng hai Tết, thật bất ngờ khi nội không báo trước mà vô thăm mấy chị em tôi. Bốn nội cháu đón xe lam đi về nhà nội. Vừa xuống xe, nội hối mấy chị em đi chụp hình chung với nội để làm kỷ niệm.
Ngày mồng ba Tết, tôi được má cho phép đi cùng đám bạn đến thăm thầy cô giáo cũ. Tôi còn nhớ đã cùng lũ bạn đi thăm một cô giáo dạy lớp ba. Nhà cô rất nghèo khó nên một buổi cô đi dạy, còn một buổi thì phải đi buôn đòng nát. Lúc đó tụi tôi hồn nhiên lắm. Trước nhà cô có trồng cây cam, chúng tôi rủ nhau vặt hết mấy quả cam vừa chín tới. Nhưng cô tuyệt nhiên không la rầy. Buổi chiều, ông ngoại chở mấy chị em xuống Nha trang chơi. Tôi thích thú vui mừng ra mặt. Đến giờ tôi vẫn còn giữ tấm hình đó. Tấm hình chụp chị em tôi bên cạnh chiếc xe cúp. Em tôi cười nhe cả hàm răng sún.
Hôm nay tiệm đóng cửa, tôi cùng chồng đi chợ mang về hai chậu hoa thược dược. Bên tôi không có mai như ở quê nhà. Nhớ ngoại tôi liền gọi điện về Việt Nam để được nghe giọng nói thân thương. Thầm hẹn với lòng rằng sang năm, mấy chị em sẽ về thăm ngoại. Chồng rủ mai lên China town xem múa rồng, múa lân rước mừng năm mới. Tết - một khái niệm thật trừu tượng nhưng tôi biết, với riêng tôi đó không phải là bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ mà đó chính là đôi mắt nhăn nheo của ngoại tôi,l à đôi bàn tay gân guốc thô nhám và đôi gò má cháy nắng buổi chợ trưa của má, là Tết ở trong lòng!
Thanh Nguyệt (Canada)
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.