Từ ngày lấy chồng, cứ gần tới Tết là chị Thanh (Thạch Thất, Hà Nội) lại ngao ngán vì bao nỗi lo. Vợ chồng chị làm việc ở thủ đô, thuê nhà trọ ở cùng cô con gái, cứ giáp Tết là kéo nhau về quê nội. Nhà chồng đông anh chị em, cứ đầu năm là tụ tập ăn uống nên chị Thanh - dâu trưởng phải mang trọng trách lớn.
Về quê tối 28 thì sáng 29 chị đã phải dậy thật sớm cọ lá cho bố chồng gói bánh chưng rồi dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế, bàn thờ. Buổi chiều, chị cùng cô em dâu lại tất bật sửa mâm cơm cúng tất niên, ăn xong lại tiếp tục màn gói bánh tro, rồi luộc, canh bánh chín tới nửa đêm.
"Lúc sắp giao thừa nằm ngủ thiếp đi, chồng vào gọi dậy ăn uống vì có họ hàng tới xông đất nhưng tôi chẳng thể mở mắt được. Vẫn nghe tiếng pháo hoa đì đẹt, tiếng chồng lầu bầu nhưng không thể dậy vì quá mệt", chị Thanh kể.
Sáng mùng 1, như thông lệ, chị Thanh phải dậy sớm vì biết mâm cỗ cúng đang đợi. Xuống bếp, chị ngao ngán nhìn một đống bát đũa bẩn bày ngổn ngang. Đêm qua, mấy anh em chồng cùng họ hàng tới xông đất ăn uống xong bỏ đấy. Chị Thanh chào năm mới bằng việc rửa dọn bãi chiến trường rồi cùng mẹ và em chồng bắt tay vào chặt gà, làm nem, nấu miến, ninh măng...
Ăn bữa sáng xong là 10 giờ, chị lại dọn dẹp rồi bắt tay vào nấu bữa chiều. Nhà chồng chị có lệ cứ chiều mùng 1 là 7 anh chị em chồng tụ họp đông đủ ăn uống. Các chị chồng hôm đó còn phải đi chúc Tết nên việc nấu nướng để phần cho vợ chồng hai em trai.
"Chồng với các anh chị em nói cười ríu rít, ăn lai rai tới 9-10 giờ đêm. Mình ăn vội vàng xong lại lo cho con ăn, rồi đợi chờ mọi người xong để dọn dẹp khi người đã mệt rũ", chị Thanh bộc bạch.
Cả cái Tết chị Thanh chỉ mong chờ ngày mùng 2 để được về nhà ngoại. Đến mùng 3, nếu không phải đi trực, chị lại tiếp tục ca điệp khúc ở nhà dọn dẹp sau mỗi lần có đoàn khách đến chơi, rồi làm cơm đãi khách... "Tết đến chỉ thèm được ngủ một giấc ngon. Cũng muốn làm cuộc 'cách mạng' để thay đổi nếp này đi, nhưng nghĩ cũng cả năm mình mới về và vất vả một lần, nên lại thui", chị chia sẻ.
Cũng quanh quẩn trong bếp suốt những ngày Tết, chị Ngân (Hà Nam) thở dài: "Người ta thì quần áo đẹp đi lễ, Tết, mình chẳng dám diện vì người lúc nào cũng ám mùi dầu mỡ".
28 Tết, các anh em chồng lôi lợn ra mổ rồi làm bữa tiết canh lòng lợn tại trận. Phần sơ chế thịt lợn, mổ gà, gói bánh... đều thuộc trách nhiệm của đàn bà con gái. Mẹ chồng chị tính ham làm, bà gói rất nhiều bánh chia cho con cái họ hàng, và nàng dâu tất nhiên cũng phải góp tay đỡ đần.
"Giao thừa tôi vẫn hì hụt với món thịt quay dưới bếp. Phải tẩm ướp gia vị và rán qua trước, để khi có khách tới rán lại là xong. Mấy ngày Tết, mỗi hôm nhà tôi có khi phải bưng mâm tới 5-6 lần. Chẳng biết cái lệ từ bao giờ, khách đến nhà uống nước xong là mời cỗ, người làm cũng mệt mà người ăn cũng chẳng thích thú gì", chị Ngân kể.
Điều khiến chị mệt mỏi nhất là, những ngày lễ này, ông chồng hầu như quên mất mình có vợ con, suốt ngày chỉ vùi đầu vào nhậu nhẹt rồi chơi bài. "Mọi người cho đó là chuyện bình thường nên tôi như bị cô lập khi lên tiếng phản đối chồng. Đã mệt mỏi chuyện bếp núc, lại thêm điều này khiến tôi có lúc muốn phát điên", chị Ngân thổ lộ.
Chưa lấy chồng, nhưng Hồng (Long Biên, Hà Nội) cũng sợ Tết vì quanh quẩn lo nội trợ suốt kỳ lễ. "Bố mẹ em là trưởng nên năm mới nhà nhiều khách đến ăn uống lắm, cứ đoàn nọ nối đoàn kia, đoàn nào cũng mời ăn, có khi họ chỉ đụng đũa tí chút, mình lại đi rửa dọn", cô gái 24 tuổi thổ lộ.
Hồng cho biết, dù ở thủ đô nhưng ngày cuối năm, muốn đi xem bắn pháo hoa cô cũng không có cơ hội vì phải ở nhà phụ bố mẹ làm 4-5 con gà, dọn dẹp, cúng kiếng...
"Bố mẹ mình cũng chẳng khắt khe quá và muốn làm khổ con cái đâu, nhưng lệ từ trước đến nay thế rồi, không làm khác được", cô gái chia sẻ.
Vào những ngày đầu năm, trên các diễn đàn, facebook, ngoài những chia sẻ niềm vui, những lời chúc tốt đẹp, không ít người bày tỏ nỗi niềm chán Tết, sợ Tết... vì quá mệt mỏi, vất vả.
Trên diễn đàn Webtretho, thành niên có nicknam Móng Rồng than thở: "Mình rất sợ Tết, cả nửa tháng trước Tết chiều nào đi làm về cũng phải tranh thủ đi mua đủ các loại như măng, miến, mộc nhĩ... đến rượu, bia, bánh kẹo, hạt bí, ô mai, giấy ăn... khi nào được nghỉ Tết thì mới hãi hùng: Nhà chồng mình toàn bàn ghế, tủ kiểu trạm trổ uốn lượn, có lau chùi hay thuê người thì cũng hết 2 ngày, từ ngày 30 đến hết mồng 3 là chỉ có đi từ bếp đến chậu rửa bát, lại còn phục vụ 2 thằng con".
Vương Linh