Chị Thu cho biết vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ (chị quê ở Hải Phòng còn anh Hà là người Ninh Bình), hiện ở Hà Nội. Mỗi dịp Tết về, mệt mỏi với chuyện đi lại, nhiều khi chị nói vui với chồng giá ngày trước chịu lấy người hàng xóm cùng ngõ thì giờ đỡ mệt với chuyện về nhà nội - nhà ngoại ăn Tết.
Hai anh chị quen nhau khi ở cùng xóm trọ thời sinh viên. Ra trường, cả hai quyết tâm bám trụ lại Hà Nội vì tiếng gọi của tình yêu. Cuối cùng họ cũng tìm được công việc đúng mong muốn của mình. Sau 6 năm kết hôn, vợ chồng anh chị cùng hai con vẫn đang ở nhà thuê. Vì thế, ngay sau khi được nghỉ Tết, gia đình chị lại khăn gói về Hải Phòng và Ninh Bình. Hai bên nội ngoại cách nhau khoảng 150 km, nghỉ Tết nguyên đán kéo dài hơn cả tuần nên anh chị vẫn thu xếp về đủ hai bên.
Tết đầu tiên sau ngày cưới, vì là dâu, rể mới, cả hai phải có nghĩa vụ ra mắt họ hàng nên kế hoạch về hai bên nội ngoại là đương nhiên. Tuy nhiên, chỉ vì chuyện về Hải Phòng hay về Ninh Bình trước và ở mỗi nơi bao lâu mà anh chị cũng tranh luận đến mệt người. Ai cũng muốn về đằng nhà mình nhiều hơn. Cuối cùng, vợ chồng chị phải lập danh sách những cô dì chú bác cần đến thăm hỏi của mỗi người rồi quyết định.
Gia đình bên chồng, họ hàng đông hơn hẳn, nhưng lại ở gần nhau hơn, cuối cùng anh Hà chiều vợ đồng ý về Ninh Bình trước, đến sáng mồng 2 Tết thì về Hải Phòng. Sau đó, chị được ở nhà ông bà ngoại thoải mái cho đến khi đi làm.
Tết 2009, miền Bắc rét đậm rét hại, anh chị cũng về Ninh Bình trước. Đến hôm định về Hải Phòng thì trời quá lạnh, xem tivi thấy có gia đình đưa con về quê ăn Tết làm con chết cóng giữa đường, anh Hà không đồng ý về bên ngoại. Đến khi chị gọi được taxi, vợ chồng con cái mới yên ổn ra đi. Tuy nhiên, lúc trả tiền xe cũng thấy xót của. Taxi ngày Tết giá đắt hơn hẳn ngày thường, lại phải mừng tuổi bác tài, may mà năm đó vợ chồng chị được thưởng Tết nhiều.
Chị hy vọng năm nay, Tết ấm ấp hơn vì trong năm có tháng tư nhuận, Tết nguyên đán đã vào trung tuần tháng 2 dương lịch, đi lại đỡ khổ. Năm nay, công ty cắt thưởng lấy tiền đâu mà đi taxi. Mà ở nhà nội cả Tết thì chị không chịu được cũng như anh Hà chỉ thích về nhà ngoại vài ngày.
Vợ chồng chị Ngân, anh Quang (Tây Hồ, Hà Nội) đều người Thái Bình, bố mẹ hai bên vẫn sống ở dưới quê. Nhà chị ở thành phố còn anh ở huyện Thái Thụy, cách nhau hơn 20 km. Từ Hà Nội về Thái Thụy, ôtô khách phải đi qua thành phố. Vì thế, chị Ngân thường xuyên lên kế hoạch đảo qua nhà ông bà ngoại một ngày, sau đó về nhà ông bà nội, ở đến mồng 2 thì về nhà ông bà ngoại, ở cho đến khi quay trở lại thủ đô.
Bố mẹ chị chỉ có hai cô con gái. Chị và chị gái ngầm quy định với nhau, vợ chồng chị gái đón Tết với ông bà đến ngày mồng 2, sau đó vợ chồng chị tiếp quản để bố mẹ không phải ăn Tết một mình. Anh Quang là con cả nên ngày mồng 1 Tết, vợ chồng chị đương nhiên phải ở nhà cùng bố mẹ chồng. Anh Quang còn có hai người em, cậu em sống cùng bố mẹ, cô em gái lấy chồng ở làng trên nên lúc nào gia đình cũng đông vui.
"Tết cả đời chứ đâu phải có một năm mà cứ tranh cãi nội - ngoại cho đau đầu. Mình lên công thức sẵn và ông xã cứ thế mà thực hiện", chị Ngân chia sẻ. Tuy nhiên, có một năm anh Quang "qua mặt vợ", bắt chuyến xe Tết đi từ Hà Nội về thẳng huyện, chị ngủ gà gật trên xe, lúc tỉnh dậy thì xe đã qua nhà ông bà ngoại. Năm đó, chị không thèm nói chuyện với ông xã suốt mấy ngày trong Tết, từ đó anh Quang không dám quyết định gì mà chưa bàn với vợ.
"Nhưng đến giao thừa thì mình chấp nhận xuống thang để đỡ xúi quẩy cả năm", chị cười. "Hơn nữa, lúc đó mình cũng sắp được về nhà ngoại, phải nịnh lại ông xã để về nhà bố mẹ mình cho vui vẻ".
Nhiều cặp vợ chồng chiến tranh lạnh vì chuyện về nội hay ngoại ăn Tết. Ảnh: hanhphucgiadinh.vn
Vợ chồng chị Phương (thành phố Nam Định) sống cùng bố mẹ chồng, cách nhà bố mẹ đẻ của chị khoảng 15 km. Chị phàn nàn, ngày thường có thể về nhà ông bà ngoại ăn uống, ngủ nghê qua đêm, nhưng đến Tết thì cứ răm rắp ở nhà phục vụ gia đình chồng. Dịp Tết nguyên đán, hai người em chồng học đại học trên Hà Nội về nhà cả nửa tháng, mẹ chồng chị sợ con mệt, không cho hai đứa làm gì. Chị với bà cứ nai lưng ra hầu hạ. Chị như bị giam lỏng trong nhà.
Chồng chị nghe lời mẹ, kiêng không cho vợ con đến nhà ông bà ngoại ngủ trong ngày Tết sợ mất lộc, chỉ khi nào hóa vàng xong, chị mới thoải mái đi. Năm ngoái, cô em gái chị đang sống bên Đức dẫn chồng con về nhà ông bà ngoại ăn Tết. Chị dự định đón giao thừa ở nhà bố mẹ đẻ để ôn lại kỷ niệm ngày bé với em gái nhưng chồng chị không đồng ý, lại còn mắng vợ trẻ con. Mãi mồng 5, mẹ chồng chị mới hóa vàng làm chị buồn nẫu ruột.
Chiều mồng một, vợ chồng chị xuống chúc Tết ông bà ngoại, ngồi được nửa tiếng đã phải về. Chị có cảm giác tủi thân, đúng như các cụ bảo, con gái đi lấy chồng là không còn thành con cái trong gia đình nữa. Những lúc ấy, chị lại thấy ghen tị với mấy cô bạn lấy chồng xa, Tết được về nhà bố mẹ đẻ ở cả tuần.
Vợ chồng anh Chiến (Quận 7, TP HCM) sống riêng, ông bà nội ngoại ở ngay cùng quận, đi xe máy 10 phút là tới. Thế mà gia đình anh cũng xảy ra chiến tranh trong ngày Tết chỉ vì đến nhà nội hay nhà ngoại. Anh kể, Tết đến nhà ai cũng được mang bia, giò ra mời nhậu, ngồi khề khà có khi hết cả ngày. Có năm, sáng sớm mồng 1, vợ chồng anh đưa con cháu đến nhà ông bà nội, ăn nhậu từ sáng đến sau bữa tối mới sang ông bà ngoại, thấy ông bà có vẻ không hài lòng. Chưa kể tối về nhà, vợ anh giận dỗi vì cho rằng chồng coi trọng ăn nhậu với anh em nhà mình hơn là hầu rượu ông nhạc, cố tình đến nhà bố đẻ trước để đỡ phải đến nhà bố mẹ vợ.
Có năm thì hai bên nội ngoại phần vàng cùng một bữa, vợ chồng anh đành phải dùng giải pháp chia đôi, chồng mang một con đến nhà ông bà nội, vợ mang một con đến nhà ông bà ngoại. Bố mẹ anh cứ trách sao lại để gia đình chia đôi thế. Anh phải giải thích mãi mà mẹ anh vẫn còn lẩm bẩm rằng "con trai không biết bảo ban vợ". Anh Chiến nhăn nhó: "Ngày Tết ăn nhậu đâu chẳng được mà ba mẹ mình cứ quan trọng hóa vấn đề, mệt ơi là mệt. Chiều các cụ còn khó hơn chiều con nít".
Rút kinh nghiệm, năm nay, anh đã lên sẵn kế hoạch ăn uống với các cụ để không bị mếch lòng ai. Anh tự nhủ phải làm chủ bản thân, không nhậu nhẹt say sưa đến mức ngồi ở nhà này lâu hơn người kia. Còn vợ anh thì đang đi dò hỏi xem năm nay, mồng một Tết, xuất hành hướng nào tốt cho cả năm để đến nhà ông bà nội hay ông bà ngoại trước. "Có thầy bói làm bình phong thì vợ mình thoải mái lắm. Mà đi đúng hướng tốt, mình cũng thấy lạc quan về một năm mới thành công hơn", anh Chiến chia sẻ.
Kim Anh