Học viên người Việt gói bánh trong thời gian trước tết Nhâm Thìn tại Anh. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Từ hăm ba tháng chạp trở đi, dường như mọi người đều quên đi gánh nặng bài vở đang đè trĩu trên vai để nghĩ về mùa xuân quê nhà. Chúng mình bắt đầu đếm ngày bằng lịch âm, hỏi thăm nhau Tết này sẽ làm món gì, dò tìm kênh VTV4 và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận một cái tết xa xôi. Riêng về phần mình, từ trước tết một tháng mình đã đăng ký ăn tết với hội sinh viên Việt tại đại học Tây Anh thành phố Bristol. Đây là một trong số rất hiếm các trường ở Anh có hội sinh viên Việt Nam tổ chức đón Tết chung.
Ngày hăm bảy tết mình đến nhà một người em đồng thời cũng là địa điểm chính chuẩn bị Tết của hội. Cảm giác đầu tiên là sự ngỡ ngàng. Giữa phòng khách là lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng. Dưới nền nhà là nồi thịt ba chỉ và đỗ xanh đã được đồ lên để sẵn sàng gói bánh. Trong bếp, các bạn đang hối hả rửa từng chiếc lá dong, lá chuối xanh mướt. Màu lá còn tươi nguyên như vừa được cắt từ trong vườn nhà. Nhóm bạn khác thì đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu món bún bò Huế và bún măng vịt để “nuôi quân” cho buổi tối nay trông nồi bánh.
Lòng lâng lâng đến khó tả, mình cảm tưởng như vừa bước qua cánh cửa thần kỳ. Nó đã giúp mình trở về với Việt Nam, bên những người thân yêu trong không khí mùa xuân đầm ấm. Qua cánh cửa đó, những thanh niên thế hệ 9x, 8x đều trút bỏ đi mọi vỏ bọc của thế giới hiện đại. Không còn quan tâm đến Facebook, iPhone, những món ăn nhanh hay gánh nặng học hành, mọi người chỉ hỏi nhau về cách cắt lá, gói bánh, cách buộc dây sao cho đúng, cho đẹp. Những bàn tay chưa một lần làm bánh chưng, bánh tét cứ cần mẫn từng chút, từng chút một. Dần dần, những chiếc bánh chưng vuông vức, những chiếc bánh tét tròn đều chắc nịch cứ hiện ra trong niềm vui khôn tả.
Thế hệ chúng mình hầu hết chỉ nhìn thấy cảnh gói bánh chưng, bánh tét trên sách báo, truyền hình. Vậy mà Tết xa nhà đã làm thay đổi tất cả. Nó đã đưa chúng mình trở lại với cội nguồn cha ông, trở về là người Việt Nam đích thực, thậm chí còn Việt Nam hơn các bạn Việt Nam đang mua sắm, chơi xuân ở nhà nữa. Các bạn ấy có mấy ai đang ngồi gói bánh như chúng mình? Lòng chợt nhận ra từ bao lâu nay chúng ta đang lưu giữ những giá trị văn hóa rất mãnh liệt, nhưng bị ngủ quên trong tiềm thức. Mình cũng hiểu ra rằng Tết cổ truyền đã đánh thức phần cội rễ nhất trong mỗi người con xa nhà.
Các bạn mình vẫn đang đều tay gói bánh. Từ trong căn phòng nhỏ, mình nhìn ra khung cửa sổ. Chỉ cách nhau một bức tường, vậy mà ngoài kia là một thế giới hoàn toàn khác. Ở đó chỉ có những cơn gió lạnh buốt và bầu trời u ám, những bóng người vội vã bước đi trong mưa rét. Còn trong này là cả một mùa xuân Việt Nam ấm áp. Ở đây có giọng nói của cả ba miền, có những đôi bàn tay đang tự làm bánh chưng, bánh tét và có những câu chuyện râm ran của những người con đất Việt xa quê.
Buổi tối hôm đó, chúng mình đã thức cùng nhau trông nồi bánh. Chiếc nồi rất to, mượn được của một gia đình người Việt, nấu ở sân sau nhà. Mọi người quây quần bên bếp lửa, cùng ăn bún măng và kể cho nhau nghe đặc sản tết của mỗi miền. Những căn nhà xung quanh vẫn ngủ yên trong bóng đêm, chỉ có một góc sân nhỏ là rộn rã tiếng cười và bập bùng ánh lửa. Mình tự hỏi, những con người xứ sở sương mù đang say trong giấc ngủ, có khi nào họ cảm nhận được tình cảm nồng nàn, niềm hân hoan đón chào mùa xuân mới như chúng mình? Chắc họ sẽ không bao giờ hiểu được Tết là gì. Bởi Tết không thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Cho dù giải nghĩa nó bằng cả ngàn trang sách thì hẳn các bạn nước ngoài cũng không thể hiểu được ý nghĩa thiêng liêng ẩn chứa trong một từ giản dị đó đâu.
Bên nồi bánh chưng, bánh tét, chúng mình vẫn đang hỏi thăm nhau về cuộc sống. Ngày mai, có bạn sẽ vẫn phải đi làm thêm, không kịp về trước giao thừa Việt Nam để chúc tết gia đình. Có bạn mùng một vẫn phải lên thư viện để “cày” bù cho những ngày tất bật chuẩn bị đón xuân. Tết với sinh viên du học là như vậy, ngắn ngủi lắm, vội vàng lắm. Bởi vậy mà những phút giây gần bên nhau như thế này đáng quý biết chừng nào.
Trong nhà, ai đó đang mở ca khúc Quê hương tôi: “...Giờ này tôi đang đứng, đang đứng ở một nơi xa, nhưng trái tim thì vẫn mang hình bóng quê nhà. Giờ này mùa xuân tới, chắc phố phường thật đông vui. Một tình người ấm áp, chỉ có Việt Nam thôi...Và tôi tự hào lắm, khi nói tôi là người Việt Nam!”. Mình bồi hồi ngước lên bầu trời đêm, lòng tự nhủ: Tết sau con sẽ về!
Nguyen Le Hoang
Bình chọn bài dự thi tuần thứ 2. Gửi bài dự thi tại đây. Bấm vào đây để xem thể lệ cuộc thi