Năm nào cũng vào độ đầu tháng chạp, má liên tục gọi điện lên chỉ để hỏi đứa con gái út: “Khi nào con về?”
Dẫu biết rằng, có thể lần nào má cũng nghe câu trả lời quen thuộc: “29 hoặc 30 Tết má à!”. Vậy mà không hiểu sao, năm nào má cũng hỏi. 7 năm rồi, kể từ khi ra trường, đi làm, Tết năm nào tôi cũng về nhà rất muộn vì công việc.
Chiều nay, giữa guồng quay hối hả cuối năm, bất chợt nhận cuộc gọi của má, vẫn câu hỏi đó, vẫn câu trả lời đó rồi đột nhiên rơi vào khoảng không im lặng ở đầu dây bên kia. Đâu đó có tiếng thở dài… rất khẽ.

Ba má tôi là người gốc Quảng Ngãi, di dân vào vùng đất Kim Long thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày tôi chưa được sinh ra. Nơi tôi ở, bà con, hàng xóm cũng toàn những người miền Trung định cư, sinh sống. Và những người con xa quê ấy, luôn đau đáu một nỗi nhớ quê nhà. Thế nên, có lẽ, mỗi khi Tết về là dịp để họ cùng nhau gợi lại ký ức với quê hương.
Hàng năm, cứ vào độ đầu tháng chạp, cả xóm đã rục rịch làm bánh tết, nào là bánh in, bánh thuẫn, bánh cuốn, bánh mè, bánh bó, mứt gừng… Những bánh, mứt truyền thống mà quê tôi, một xóm Quảng giữa lòng Đông Nam Bộ, năm nào cũng không thể thiếu.
Những ngày ấy trong ký ức tuổi thơ tôi thật tươi vui và ấm áp. Rằm tháng chạp, ba bắt đầu lặt lá mai, chăm sóc những củ huệ được ươm mầm sau khi đã phơi nắng cho kịp nở ngày tết, rồi cả gia đình cùng nhau quây quần làm bánh.
Tất nhiên, má đảm nhận vị trí bếp trưởng, còn ba và 6 chị em tôi tình nguyện làm chân sai vặt cho má với những công đoạn linh tinh.
Những loại bánh đó với gia đình tôi năm nào cũng quen thuộc nhưng để làm được, đòi hỏi phải kỳ công: làm bánh in thì phải khéo léo nhồi bột, đóng khuôn, rồi gõ, ra hình bánh đủ loại như hình con cá, ngôi sao, hoa sen… rồi sấy. Bánh mè thì phải nấu nếp thành xôi, tán nhuyễn, trải mỏng trên lá chuối, phơi khô, cắt lát rồi mang chiên xong rim với đường, làm mứt gừng thì vất vả nhất ở công đoạn cạo vỏ, xắt lát, vừa phải khéo léo xắt cho thật mỏng, vừa phải chịu được cái nóng, rát của gừng khi ngâm trong nước. Má tôi rất giỏi trong chuyện này.

Kỳ công nhất phải kể đến bánh thuẫn. Khâu đổ bánh đòi hỏi phải có kỹ năng, công việc này chỉ có má làm thôi, vì phải biết canh lửa, canh giờ, cho bánh nở đều đẹp, không thì sẽ bị gọi là “thầy tu”.
Những mẻ bánh nóng hổi đầu tiên má luôn dành cho chị em tôi thưởng thức. Năm nào cũng một tháng trước tết, cả nhà tôi vất vả với đủ loại bánh nhưng vui, mâm bánh ngày tết chỉ toàn là do tự tay cả nhà làm ra. Người thân, bạn bè gia đình tôi mỗi lần Tết đến chơi nhà đều tấm tắc khen ngon, bởi những thứ bánh má làm, mang đậm hương vị quê nhà, không lẫn vào đâu giữa hàng loạt bánh công nghiệp ngoài chợ.
Tuổi thơ tôi lớn cùng với những ngày Tết tươi vui như thế. Nhưng rồi theo thời gian, các chị tôi lần lượt lấy chồng, tôi xa nhà, lên Sài Gòn học hành rồi lập nghiệp. Ngôi nhà hạnh phúc ngày nào dần trở nên trống vắng.
Thế là mỗi khi Tết về, chẳng còn ai phụ má làm bánh như xưa nữa. Thế nhưng, dù có một mình, năm nào má cũng cặm cụi làm đầy đủ những món bánh quê ấy. Má bảo: “Để có cái cho các con, cháu Tết về thưởng thức chứ ăn mấy thứ bánh mua bên ngoài, hóa chất không, má xót lắm. Với lại, được làm bánh, má cũng đỡ nhớ quê…”
Nhưng má tôi già rồi, cũng đã bước vào tuổi 60, má lại hay bị đau lưng mà một mình cứ phải vất vả, vật lộn cả tháng trước Tết trong chừng ấy thứ bánh. Điều này đã khiến ba và chị em tôi xót. Thế nên năm ngoái, cả gia đình bàn nhau, không cho má làm bánh nữa, chị em tôi bảo: “Năm nào cũng ăn mấy thứ bánh đó, tụi con ngán lắm má ơi! Bây giờ ngoài chợ thiếu gì bánh trái, muốn loại nào cũng có, chỉ cần cận Tết, ra chợ thu gom về một buổi, vừa khỏe, vừa đỡ tốn công má”.
Thế rồi, dù má không muốn nhưng trước sự khăng khăng của chị em tôi, má tôi cũng đành chấp nhận. Năm đó, khác hẳn mọi năm, chị em tôi, mỗi đứa một ít, tha về bánh Tây, ta đều có. Năm đó, má tôi nhàn lắm, chẳng vất vả làm bánh như mọi lần. Nhưng năm đó, nhà tôi thiếu hẳn nụ cười của má. Bạn bè tôi vào chơi cũng chẳng còn ai tấm tắc khen bánh nhà tôi ngon.
Má bảo, ngày xưa gia đình ngoại nghèo, đông con, má phải đi ở đợ cho người ta, cực nhọc trăm bề. Ngày cưới ba má cũng không có lấy manh áo lành lặn. Một tay ba má tảo tần nuôi 6 chị em chúng tôi nên người như ngày hôm nay, có khó khăn, vất vả nào má chưa trải qua mà bây giờ các con phải lo cho má.
Vậy nên năm nay, mới đầu tháng chạp, má lại rục rịch chuẩn bị quay về “nghề” cũ, với bao thứ bánh quê xưa.
Thoáng phút nghe tiếng thở dài của má rồi nghĩ về ký ức cũ, tôi chợt chạnh lòng. Không cần suy nghĩ, tôi nhủ lòng Tết năm nay sẽ thu xếp công việc về sớm. Tôi sẽ lại lăng xăng phụ má làm bánh, sẽ lại là đứa thưởng thức những mẻ bánh ngon lành, nóng hổi đầu tiên, rồi cười khúc khích như xưa.
Chợt mỉm cười với ý nghĩ năm nay lại đón Tết quê, có lẽ rằng má sẽ vui lắm, càng vui hơn khi đứa con gái út trở về sớm bên má, cùng má làm bánh như gần 10 năm về trước.
Cảm ơn má - người mang đến những mùa xuân yêu thương!
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Lê Thị Phượng