|
Gala - một hoạt động thường niên của du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tuy là lần đầu tôi đón Tết Nguyên đán xa nhà, nhưng lại là lần thứ hai, tôi cảm nhận được một cái Tết Việt ở Sydney. Ba năm trước, tôi đến Sydney dịp giáp tết với tư cách là một phóng viên thực hiện phóng sự truyền hình về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Australia nhân dịp Tết Nguyên Đán.
Bình chọn cho bài dự thi tuần 1 |
Cái cảm giác tò mò về cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, sự xúc động khi lắng nghe những câu chuyện về sự vươn lên của những số phận nơi đất khách quê người để khẳng định một vị trí trong xã hội Australia đã tạo nên những xúc cảm trong một phóng sự ngắn, theo đó là một quyết tâm tôi sẽ trở lại Australia.
Năm nay, không chỉ là một chuyến công tác chóng vánh trong một tuần, tôi có hẳn một năm ở đây. Một người bạn bảo rằng, sống ở Sydney đâu khác gì Việt Nam, có hẳn ba khu vực người Việt tập trung sinh sống. Lại được các anh chị ở Tổng lãnh sự giới thiệu đến ở một gia đình người Việt định cư lâu năm. Thật còn gì bằng! Tết đến, hẳn tôi sẽ không phải lo cảnh ngồi nhớ nhà.
Tôi cố gắng liên lạc với những người từng có mặt trong phóng sự của tôi, với hy vọng sẽ gặp lại họ. Tôi háo hức, bởi tôi nghĩ rằng mình sẽ có một khoảng thời gian dài hơn để hiểu thêm về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại xứ sở kangaroo.
Khoảng cách…
Rồi thì năm cũng hết và Tết cũng đến. Nếu như ở Việt Nam, giờ này tôi cũng không có đủ thời gian và tâm tưởng đâu để nghĩ tới Tết vì bao nhiêu là công việc cuối năm dồn lại, thì năm nay, tôi lại có khá nhiều thời gian để được thưởng thức một cái tết xa quê hương.
Tôi đang được nghỉ hè - có nghĩa là mặc áo cộc tay đi ra biển, và nhìn rất nhiều người cùng đi ra biển phơi nắng. Ở Australia, cứ có nắng, được nghỉ là người ta ra biển phơi nắng. Dĩ nhiên khi Việt Nam đón Tết thì ở Australia đang là mùa hè, nhưng phải đến khi sống hàng ngày ở đây, tôi mới thấy sao thật khác với cái Tết lạnh co ro, những dòng người tập nập, chạy ngược chạy xuôi trên đường, lau vội những hạt mưa xuân vương trên mặt để tranh thủ sắm sửa cho gia đình đón Tết.
Tôi hỏi cô chủ nhà nơi tôi đang ở rằng gia đình cô đã chuẩn bị được gì cho Tết chưa. Cô có chút trầm ngâm và nói rằng, nếu đúng cuối tuần, thì gia đình sẽ có thể ăn uống cùng nhau, còn không thì vẫn phải đi làm. Mọi người vẫn đón Tết cổ truyền, nhưng sẽ không có cái không khí chuẩn bị Tết như ở Việt Nam.
“Thế gia đình cô gói bánh chưng không? Nếu có, liệu cháu có thể xuống xem và quay ít hình làm kỷ niệm?”. Tôi hỏi.
“Cũng có, người em của cô làm. Nhưng cũng tranh thủ làm từ thứ 7 tuần trước rồi. Trong tuần bận thì không gói được”.
Gói bánh chưng trước Tết hai tuần thì còn gì là không khí Tết. Nhưng Australia mà, đâu như Việt Nam, ai cũng bận, phải tranh thủ. Tôi vẫn mang một thói quen từ Việt Nam là mong đến dịp Tết cổ truyền để gặp lại những người bạn mà tôi đã quen ba năm trước. Họ cũng muốn gặp lại tôi, nhưng ai cũng phải làm việc vì Australia không đón Tết Nguyên đán. Có lẽ rồi tôi cũng sẽ quen nếu tôi còn có dịp đón Tết ở đây trong những năm tới.
Sydney không phải quá rộng, nhưng để gặp nhau, mọi người sẽ phải lên kế hoạch kỹ lưỡng và thu xếp cả về mặt không gian lẫn thời gian. Mọi người cũng không có nhiều thời gian để hàn huyên như ở Việt Nam. Khoảng cách không gian, thời gian, và thói quen đó quả thực không dễ gì thu hẹp chỉ bằng cảm xúc từ một cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Thỉnh thoảng nhớ món ăn Việt, tôi lại xuống Bankstown, một khu vực đông người Việt sinh sống, thưởng thức bát bún bò Huế. Những ngày gần đây, Bankstown bắt đầu rộn ràng không khí đón Tết. Cũng mai, đào, ẩm thực truyền thống, hay câu đối đỏ, ai ai cũng hớn hở. Một cảm giác thân thiện, nhưng trong sâu thẳm vẫn có chút gì xa lạ.
Ở cách đó không xa, độ 30 phút đi xe hơi, chúng tôi, những sinh viên từ Việt Nam sang học tập tại cùng một trường đại học, đang lên kế hoạch tổ chức liên hoan tất niên và đón năm mới. Chúng tôi sẽ xuống Bankstown mua đồ ăn Việt Nam, nhưng buổi liên hoan sẽ không phải ở Bankstown.
Cho dù sinh viên Việt Nam tại Sydney vẫn có những liên hệ với cộng đông người Việt ở đây, nhưng điều đó chưa hẳn đã là sự hoà nhập. Tôi nhớ khi tôi mới tới Australia năm nay, khi tôi hỏi các bạn thủ lĩnh phong trào sinh viên Việt Nam tại Sydney về những giáo sư, nghệ sĩ người Việt đã thành danh - những người tôi đã từng có vinh dự được gặp ba năm trước - các bạn trả lời hoặc không biết, hoặc nghe tên nhưng chưa bao giờ gặp.
Hàng năm, sinh viên Việt Nam ở Sydney vẫn có tổ chức những đêm Gala nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng sinh viên Việt đang học tập tại đây, nhưng lại không thấy sự có mặt của những sinh viên gốc Việt được sinh ra trên mảnh đất này.
Kết nối - bắt đầu từ những việc nhỏ…
Có những khoảng cách mà có lẽ cần thời gian để có thể thu hẹp. Và tôi nghĩ có lẽ, bản thân những người sinh viên như chúng tôi có thể làm được điều gì đó dù thật nhỏ.
Trước lễ ông Công ông Táo một tuần, tôi hỏi cô chủ nhà về bánh cuốn Việt Nam. Cô chia sẻ rằng đã lâu rồi cô không làm, và làm có lẽ không ngon. Tôi khuyến khích cô làm, và chúng tôi đã có một bữa tiệc bánh cuốn thật ấm cúng do cô tự làm với rất nhiều câu chuyện về cuộc sống của cô được kể lại.
Tôi lại hỏi: “Vậy con của cô có ăn được đồ Việt Nam không?”
Cô trả lời: “Cứ cái gì chấm được nước mắm là nó thích”.
Tôi có thể cảm nhận được được niềm tự hào trong câu nói của người phụ nữ đã từng hai lần rời quê hương. Người con của cô rất thành đạt, chúng tôi không mấy khi nói chuyện. Nhưng hôm nay, bằng tiếng Anh, tôi đã mời cậu ấy tham gia buổi liên hoan Tất niên với sinh viên Việt. Hy vọng là cậu ấy sẽ có mặt.
Tôi cũng tự hỏi, đến lúc nào thì khi năm hết Tết đến, những sinh viên Việt Nam sang Sydney học tập lại nói với nhau rằng: “Hãy xuống Cabramatta, Bankstown, hay Marrickville đón Tất niên”.
Lương Minh Đức