Đã nhiều năm đón Tết xa quê, dù đã quen nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần Tết mình không tránh khỏi nao lòng nhớ những Tết đầm ấm cùng gia đình nơi quê nhà.
Ngày ấy, cứ giáp Tết là mẹ đi chợ mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt về chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ phân công mấy anh chị em chia nhau việc vo gạo, rửa lá, đãi đỗ.
Tiết trời Hà Nội những ngày giáp Tết thường lạnh, rửa lá, vo gạo, đãi đỗ xong là tay chân lạnh cóng nhưng vẫn rất háo hức. Rồi thì gói bánh rồi mang đi luộc ở tổ dịch vụ. Khu tập thể nhà mình ngày ấy còn có tổ dịch vụ, mỗi nhà mang bánh tới luộc phải tự đánh dấu bánh của mình để tránh nhầm với bánh nhà khác.
Các bác làm trong tổ dịch vụ xếp bánh vào thùng phuy rất to, đặt trên lò than đun sình sịch ngày đêm. Các bác chia ca để trông coi than lúc nào cũng đỏ lửa và thêm nước vào các thùng đang luộc bánh. Tụi trẻ con bọn mình khi ấy cứ mỗi khi vớt bánh là thích lắm, vây quanh để xem mà ko biết là sơ xểnh chút thôi có thể tai nạn ngay.
Thời ấy (cách nay cũng chừng hơn 30 năm) kinh tế chung vẫn còn khó khăn nhiều nên những đứa trẻ tụi mình rất háo hức mỗi khi Tết đến để mong có chiếc áo mới, để được cha mẹ mừng tuổi ngày đầu năm, để được quây quần bên mâm cỗ với nhiều món ngon mà ngày thường ít được thưởng thức.
Thời gian trôi đi, mấy anh em dần trưởng thành trong sự thay đổi của nền kinh tế chung. Lớn lên mình đã xa quê, đón Tết trên nước bạn. Những năm đầu, không Tết nào là không khóc vì nhớ nhà, nhớ không khí đầm ấm và hương vị Tết.
Những năm đầu sống ở Đông Đức cũ, điều kiện hạn chế nên không có bánh chưng, chỉ có nem và canh măng trong bữa cơm ngày Tết nhưng tuổi trẻ vui với bè bạn cũng để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Rồi nước Đức thống nhất, điều kiện mua sắm đồ ăn châu Á xuất khẩu mỗi ngày càng thuận lợi hơn nên mỗi năm cũng có sự thay đổi. Tùy điều kiện của từng gia đình vào các thời điểm mà mâm cỗ ngày Tết cũng dần thay đổi để đầy đủ các món cổ truyền.
Dịp Tết hội Người Việt thường tổ chức họp mặt, mỗi gia đình mang góp 1 món, cùng nhau ăn uống, vui chơi cho các con em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu thêm về phong tục của lễ Tết cổ truyền.
Những năm gần đây nhà mình thường ra cửa hàng bán đồ Á châu đặt bánh chưng, mua măng, miến và các phụ gia cho mâm cỗ. Mình thường làm mâm cơm cúng giao thừa và năm mới theo giờ Hà Nội, trước là thắp hương khấn trời Phật tổ tiên phù hộ cho năm mới bình an, sau là cả gia đình quây quần bên nhau.
Năm nay bận đi làm nên mình chuẩn bị nồi măng từ hôm trước. Đặt bánh chưng thì dặn ông xã đi lấy trưa 30 rồi mua thêm bánh mứt. Chiều mình về sớm, vào bếp nấu nướng ngay để kịp cúng giao thừa. Mâm cỗ có bánh chưng, xôi chè, gà luộc, đĩa xào thập cẩm, giò chả, chè kho, nem rán. 30 Tết đúng chiều thứ 7 nên cả nhà đều được nghỉ, cùng nhau quây quần bên mâm cỗ. Cún, thành viên nhỏ bé nhất nhà cũng được tham gia, tay cầm miếng thịt gà ăn ngon lành, tay thì với đòi thử thêm những món khác.
Năm nào cũng vậy, giao thừa xong là mình gọi điện về chúc Tết nội ngoại. Năm nay thời gian ít quá nên chuẩn bị mâm cỗ, cúng xong rồi dọn dẹp, lo cho các con xong thì muộn quá nên sáng mùng 1 mới gọi điện về nhà. Năm nay là năm thứ hai gia đình mình đón Tết thiếu mẹ.
Những ngày gần Tết, gọi điện về cho bố thấy tâm trạng bố nhớ mẹ thật thương. Tâm trạng mình cũng nao nao, lưu lại trong điện thoại trên đường đi làm: "Ngày cuối năm tất bật, đi làm mà phải điện thoại về điều khiển mọi việc ở nhà. Chỉ có 2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa, không biết có kịp không?
Sáng nay trên đường đi làm, nhớ đến dáng vẻ gầy, khuôn mặt buồn của bố, chắc những ngày này bố lại nhớ mẹ và bao Tết có mẹ. Mấy anh em chắc cũng nhớ mẹ nhưng có lẽ không ai bị cảm giác cô đơn như bố. Năm nay lại thêm nhiều lo lắng không biết bố và cả nhà đón Tết ra sao? Năm mới đến hy vọng sức khỏe, may mắn, bình an đến với mọi thành viên gia đình mình!"
Thật dễ hiểu thôi khi bố và mẹ chung sống, cùng nhau đón Tết hơn 50 năm rồi, giờ mình bố đơn lẻ tránh sao khỏi buồn nhớ. Mấy hôm mình đi chợ sắm Tết, nghĩ đến mẹ mà mắt còn rưng rưng xót xa với mất mát lớn của gia đình. Nhớ lắm giọng nói của mẹ và tiếng cười của bố khi nghe 2 mẹ con nói chuyện. Giờ đây mỗi khi gọi điện về chỉ nghe giọng tâm sự buồn buồn của bố.
Bố nghe mình kể làm cơm thắp hương, bố nói: "Khổ thân con, không biết xa xôi thế, các cụ và mẹ có nhận được không?" Thôi thì lòng thành, Trời Phật chứng giám. Mong là mẹ nhận được và biết rằng cho dù mẹ đã đi xa, mấy bố con ông cháu vẫn luôn nhớ đến mẹ, mong mẹ về hưởng lễ lộc gia đình thương yêu dâng lên.
Bạch Dương