Anh Thanh Dao cùng hai con gái tại lễ mừng năm mới của người Việt ở Florida. Ảnh minh họa: The Times. |
Thường các bạn trong nước hay hỏi tôi Tết ta tương đương với lễ lạt gì ở Mỹ, tôi sẽ nói đó là sự pha trộn cả ba lễ: Giáng Sinh (Christmas), Mừng Năm Mới (New Year) và Tạ Ơn (Thanksgiving Day).
Sinh sống tại các nước phương Tây, người mình ít có dịp biết đến lễ Tết truyền thống diễn ra bên nhà. Tết ta lại thường rơi vào tháng một hoặc tháng hai dương lịch và ngày đi làm nên cũng ít ai để ý Tết sẽ nhằm đúng vào ngày nào. Tuy vậy, góc Tết Việt vẫn còn thể hiện đôi nét trong cộng đồng người mình, tại ngôi chùa, nhà thờ, hay ở góc thờ tự gia đình.
Ở Mỹ tôi chỉ nhìn thấy Tết rộn ràng đôi chút ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống hoặc phố Tàu, trong cái không khí chộn rộn tại các khu chợ Á đông, đầy người đi mua sắm chuẩn bị Tết. Người mình sinh sống tập trung ở các khu Wesminster, San Jose bang California; Virginia tại thủ đô Washington DC; Orlando ở bang Florida; Toronto, Montréal ở Canađa... Tuy nhiên phải nói người Việt vẫn chưa hình thành nỗi các trung tâm cộng đồng đúng nghĩa như người Hoa, người Nhật, người Hàn đã làm, cho nên lễ lạt cũng diễn ra một cách chắp vá, luộm thuộm.
Trung tâm cộng đồng thường là nơi diễn ra các lễ lạt tưởng niệm cổ truyền của bà con xa xứ. Đặc biệt vào dịp Tết, người ta chộn rộn chuẩn bị “Chợ Tết” từ cả tháng trước Ban tổ chức thì chạy tìm chỗ mướn hội trường lớn hoặc khu đất dành cho sinh hoạt công cộng của thành phố. Phòng lớn diễn được văn nghệ, sân rộng bày bán hàng Tết, gian hàng vui chơi giải trí, triển lãm nghệ thuật. Các nhóm trẻ phụ trách phần văn nghệ, trưng bày, vui chơi, các bà làm bánh mứt, thức ăn. Ở đây không ai chọn ngày lành hoặc kiêng cử gì cho ngày mở chợ Tết, miễn sao thuận tiện rơi vào ngày nghỉ cuối tuần áp Tết là tốt, dễ quy tụ được nhiều người. Văn nghệ thì có ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng thuê mướn từ xa đến hoặc chơi theo kiểu “cây nhà lá vườn”.
Với Chợ Tết, bà con mình ai cũng mong đợi, vì đây là dịp gặp gỡ hiếm hoi của người mình sau một năm dài đầu tắt mặt tối bương chải làm ăn kiếm sống. Gặp nhau để hàn huyên, thăm hỏi sức khỏe nhau, ai còn ai mất, có về quê nhà không, thưởng thức món ăn đượm hương vị quê nhà, sắm hộp bánh mức, tậu bức tranh màu sắc dân gian treo Tết, hòa trong tiếng nhạc Việt gợi nhớ tình quê hương...
Trong sinh hoạt cộng đồng người Việt xa xứ, phải nói ngôi chùa Phật là trung tâm sinh hoạt tâm linh lẫn văn hóa dân tộc sinh động nhất. Chùa là nơi có thể đặt tro cốt người quá cố lẫn tiến hành cúng giỗ người thân, học tiếng Việt hoặc sinh hoạt và biểu diễn văn nghệ dân tộc. Ngày hết Tết đến, ngôi chùa trở thành góc tâm linh để người mình hướng về tổ tiên, đất nước. Dù bận rộn cách mấy, mọi người cũng thường nhắc nhau vào đêm giao thừa đến chùa hái lộc, thắp nén hương cúng Phật và cầu chúc điều tốt lành cho mọi người. Người mình chưa xây dựng được nhiều chùa lớn, đa phần là chùa nhỏ nằm ngay trong phố thị nhưng cũng cung ứng đủ nhu cầu sinh hoạt truyền thống tâm linh Việt.
Khác với người Hoa, bàn thờ trong gia đình người mình không được chú trọng. Nếu có lập một góc thờ tự thì thường cũng chỉ là vài cái giá gỗ hoặc mặt tủ thấp, sắp lên một số hình ảnh Phật, người quá cố với chân nhang, lọ hoa đơn giản. Nơi đặt chỗ thờ miễn sao tiện lợi, không kiêng kỵ phải nằm đúng ở vị trí trung tâm hoặc hướng mặt ra đường như thường thấy ở trong nước. Nhang khói nhất định là phải gia giảm nhiều do sợ gây hỏa hoạn, ngột ngạt trong ngôi nhà đóng kín kiểu Mỹ, hoặc đành phải dùng nhang điện tượng trưng.
Góc Tết trong ngôi nhà gia đình vì vậy cũng tẻ nhạt, con cháu không còn thấy tha thiết với truyền thống cũ, nếu thực hiện cũng chỉ làm lấy lệ. Gia đình nào có người già hoặc nghỉ hưu thì còn chuẩn bị lễ Tết, thực hiện được một vài nghi lễ như đưa rước ông bà, bày ra vài món mua vội ở chợ Tàu hoặc chợ Việt để ăn Tết. Nếu thành viên gia đình gồm toàn người trẻ, sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ thì đừng hòng có giỗ Tết, vì chẳng ai hiểu Tết có ý nghĩa gì!
Góc Tết Việt ở quê người thường là như thế. Từ nơi xa quê hương hàng vạn dặm, kể câu chuyện về góc Tết mà buồn tủi cho thân phận những đứa con lưu lạc xứ người, ngày càng xa dần gốc rễ dân tộc.
Xin gởi đến các bạn mấy dòng thơ Tết của một bạn già là nhà thơ Đạt Nhân ở Orlando :
Ở xứ Tây mà đón Tết ta,
Thêm buồn, thêm tuổi cái thân già
Thiệp xuân lấy lệ bày ra vẻ
Bánh Tết qua loa để gọi là
Chẳng có lư hương thờ tổ phụ
Lại không bát nước cúng ông bà
Ai về đất Việt cho ta hỏi
Có rượu nào khuây nỗi nhớ nhà?...
Nguyễn Hữu Thái