Trong lịch sử, người Triều Tiên vốn coi ngày 1/1 dương lịch là ngày đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên đán được coi là một ngày lễ Tết kể từ năm 1989, vì thế phong tục này diễn ra được gần 30 năm. Nhiều người vẫn tới thăm các bậc tiền bối vào dịp Tết dương lịch, song Tết Nguyên đán dần trở nên quan trọng hơn trong văn hóa truyền thống Triều Tiên theo năm tháng.
Vào sớm mồng 1, học sinh sẽ đến thăm nhà thầy cô giáo thực hiện nghi lễ vái lạy sebae. Những người đàn ông cũng lần lượt tới chúc Tết các gia đình với một chai rượu trong túi và thực hiện nghi lễ sebae với các bậc bề trên. Tục lệ này xuất phát từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Trước thời kỳ "Tháng ba đói nghèo" vào giữa những năm 90, chính phủ thường phát cho các gia đình khẩu phần năm mới gồm một chai rượu, dầu ăn, vài lạng thịt cho mỗi người và một ít bánh kẹo nhân dịp Tết Nguyên đán.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, một chai rượu phát chẩn được coi là khá nhiều. Trung bình chai rượu có dung tích 500 ml, tức là uống được khoảng 10 ly. Do đó một người đàn ông có thể ghé thăm 10 gia đình với một chai rượu như vậy. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, mỗi nhà cũng tích trữ một vài chai rượu cho dịp Tết.
Ở một số vùng miền, người ta kiêng kỵ để phụ nữ xông đất. Nếu sơ ý, những vị khách không được mong đợi này có thể nhận lấy sự khó chịu của gia chủ ngay khi họ mới bước ra khỏi. Trên thực tế, phụ nữ hiếm có thời gian đi thăm hàng xóm bởi công việc bếp núc luôn khiến họ bận tối mắt từ 30 Tết.
Người Triều Tiên không có tục lệ ăn canh bánh bao (hay còn gọi là bánh canh gạo) như người Hàn Quốc. Thay vào đó, họ thường dùng songpyeon, một loại bánh gạo có hình bán nguyệt, cùng với những món ăn khác chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên vào sớm mồng 1 (còn được gọi là jesa).
Ở những vùng hẻo lánh hơn, những vị quan chức đứng đầu xã phường sẽ mang theo những giỏ hoa từ các nông trại để vào thăm thành phố. Những người có công chuyện cũng sẽ đi cùng nhau vào thành phố. Những lẵng hoa kia sẽ được bó lại và bao quanh bức tượng cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Bức tượng lớn luôn tràn ngập hoa vào ngày Tết và hiển nhiên trở thành một điểm chụp ảnh phổ biến. Người dân không có quá nhiều sự lựa chọn khi du xuân, do đó bất kể thanh thiếu niên hay học sinh, những cô gái ăn mặc tươm tất đều sẽ ghé qua tượng cố chủ tịch để chụp ảnh.
Những đôi trai gái sẽ không hẹn hò vào những ngày này để tránh bị đàm tiếu. Thường các chàng trai và cô gái sẽ đi theo những nhóm riêng biệt. Rất ít cặp uyên ương dám xuất hiện tại khu vực tượng đài. Người ta cũng thường thấy những chàng trai độc thân đi theo nhóm lẻ, họ sẽ tìm kiếm những cô gái xinh đẹp để hẹn hò. Hầu hết người dân Triều Tiên đều đi bộ từ nơi này đến nơi khác, nên các chàng trai sẽ dễ dàng theo đuôi một cô gái nào đó.
Sau thời gian làm lễ sebae và thăm thú tượng đài, mọi người sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn sau bữa trưa. Ngay cả dịp Tết người dân cũng hiếm khi có điện để sử dụng vì thế việc xem vô tuyến là điều không tưởng. Người lớn sẽ tụ tập chơi bài. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, trò chơi phổ biến là myeongju nhưng sau đó một trò chơi có tên heungsu du nhập từ Trung Quốc đã trở nên phổ biến. Từ bốn đến sáu người sẽ chơi một lượt, sau mỗi vòng họ thường dừng lại để uống rượu. Vì lý do này, ngày Tết Nguyên đán của người Triều Tiên (được gọi là “seol-nal”) dễ biến thành ngày của tiệc rượu (trong tiếng Triều Tiên là “sul-nal”).
Thiếu niên từ khoảng 15 - 16 tuổi có thể tự tổ chức tiệc rượu của riêng mình. Các bậc cha mẹ coi con cái ở tầm này là người lớn do các em sẽ sống xa nhà tới 10 năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Phạm Huyền