Độc giả Thu Pham nói về những ngày tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn trong những ngày Tết:
Ý nghĩa linh thiêng của ngày Tết đó là lúc ta dành cho bản thân và gia đình chút thời gian để suy ngẫm về quá khứ, hiện tại, tương lai, về những cái được, chưa được và những thay đổi trong tương lai.
Trong khi đó Tết mọi người lại tất bật mua sắm, nấu nướng, thăm hỏi ngoại giao nhiều quá và không thoát ra được vòng xoáy của cuộc đời. Chỉ cần mỗi chúng ta sống chậm đi một chút, giảm bớt những nhu cầu vật chất và tham vọng đi một chút thì chúng ta sẽ có thời gian cho bản thân có cơ hội được sám hối.
Với độc giả Ngọc Đạt, hạnh phúc cho bản thân là giúp đỡ người khác:
Giúp người khác chính là giúp chính mình vậy và mình là người hạnh phúc nhất. Tác giả làm tôi nhớ cha mẹ tôi khi tôi còn nhỏ xíu xiu. Khoảng giữa và cuối thập niên 80. Lúc đó có nhiều người khó khăn quá. Họ rất gầy, gương mặt hốc hác, quần áo vá rất nhiều. Họ thường vào nhà tôi xin gạo, có khi họ mang theo túi rách bươm, mẹ vá lại chiếc túi vải cho họ.
Mẹ thường bảo anh chị tôi lấy nước mời cô, bác, tôi cũng lon ton lấy nước mời. Nếu có chuối thế nào mẹ cũng đem cho cô bác mang về. Có lần sắp hết gạo, tôi nói mẹ, mẹ nói mình còn lúa, sẽ đi xay lúa.
Tôi hỏi mẹ sao mà họ khổ vậy. Mẹ nói cuộc sống có đôi lúc sẽ như vậy nên mình giúp được lúc như vậy mới đáng quý. Mẹ hỏi con có thấy gương mặt cô bác vui không, mẹ hỏi tôi có vui không, tôi trả lời là có vì tôi hay lăng xăng phụ mẹ lắm. Mẹ nói giúp người khác chính là giúp mình vì mình được vui vẻ. Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu rõ câu nói đó. Và các anh chị em tôi được nuôi dạy lớn lên trong sự tử tế của cha mẹ. Cầu chúc cho mọi người luôn có mùa xuân thân tâm thường an lạc.
Độc giả Ngọc Hải nói về hạnh phúc:
Nếu ví cuộc sống là chuỗi lựa chọn, có lẽ một trong những điều khó khăn lớn nhất mà ta đối diện là lựa chọn cách sống. Đứng trước lẽ được - mất, mấy ai trong chúng ta đủ can đảm để nhún nhường, thậm chí nhận thiệt thòi về mình?
Để được xem là người thành công - thành đạt, chẳng phải chúng ta luôn phấn đấu nhằm sở hữu nhiều hơn, địa vị cao hơn đó ư? Những tín niệm gắn liền với hạnh phúc/thành đạt theo quan niệm số đông đó đã vô hình trung biến cuộc sống quanh mỗi chúng ta trở thành một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng.
Và trong cuộc đua tranh đó, có những người đã để lạc mất lẽ phải tâm hồn, lương tâm mình... Hạnh phúc bền vững đâu phải sự thoả mãn; càng không là phép so sánh hơn nhất (để một cá nhân trong sự tự mãn, tự cho phép mình xem thường người khác).
Hạnh phúc bền vững chỉ có được khi mỗi cá nhân trang bị được cho mình khả năng tìm kiếm, nhận biết lẽ phải; hành xử theo lẽ phải nơi con tim.
Có những khi ta tự vấn: làm người tốt sao khó khăn? Nhưng chừng nào ta sống đúng theo Đạo sống càng nhiều cũng đồng nghĩa ta càng giảm thiểu được sự ăn năn hay sám hối. Làm được điều mà nhiều người cho rằng mình không làm được, chẳng phải là một hạnh phúc lớn lao đó ư?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.