Mâm cỗ Tết đơn giản nhưng đầy đủ của mẹ con tôi. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Cô đơn và nỗi nhớ! Năm nay mồng một Tết nhằm ngày Chủ nhật. Cũng là ngày nghỉ của tôi. Đi làm 6 ngày/tuần, tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Nhưng rất vui, vì năm nay mấy mẹ con có thể cùng nhau đi lễ đầu năm.
Mười bốn năm sống trên đất Mỹ, chỉ một lần về thăm quê hương. Mặc dù ở Georgia, người Việt sống rất đông, chợ Hong Kong rất lớn, có đầy đủ thức ăn Việt, trái cây tươi ngon. Nhưng từ ngày sang đây, tôi chưa hề được ăn trái vú sữa, món trái cây miền Tây Nam Bộ, có rất nhiều vào dịp Tết.
Mỗi năm, khi Tết đến, lòng tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. Đặt chân trên đất người, không một người thân, không bà con, bạn bè. Người thân duy nhất, có thể chia sẻ vui buồn thì không thể cùng nhau đi hết quãng đời. Những năm đầu tiên ở xứ người, tôi mong có một ngày trở về thăm quê hương. Nơi đó có người mẹ già yếu đau, mỏi mòn trông con.
Khi chúng tôi ly dị nhau, tôi cố giấu, không để mẹ biết, sợ mẹ buồn và lo lắng. Thế là ước vọng chính đáng, của một người con xa xứ là được sớm trở về thăm quê hương, thăm người mẹ hiền, cũng không thực hiện được. Gần sáu năm xa nhà, tôi sắp đặt một chuyến về quê, chuẩn bị mọi thứ. Tôi náo nức đợi chờ. Nhưng đau lòng biết bao! Một tháng nữa thôi, mẹ tôi không thể đợi! Chuyến trở về của tôi mang đầy thất vọng, không còn ý nghĩa gì.
Trở lại bên này, vùi đầu vào công việc, để quên đi nỗi đau. Ngày tháng qua đi, mỗi dịp xuân về, tôi lại nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Ở đây có rất nhiều người Việt Nam. Đi lễ chùa Việt Nam, thấy những cụ già, tôi lại nhớ mẹ.
Trong chỗ làm, bà chủ tôi, gia đình đông anh em. Cha mẹ già sống ở Pensacola, Florida, cách Georgia năm tiếng lái xe. Cứ mỗi hai tuần, chiều thứ bảy, vợ chồng chở con cái đi thăm ông bà. Thật là hạnh phúc! Hôm 29 Tết, đang bận rộn trong chổ làm. Ông bà bên kia sau khi cúng kiến, chưa thấy con cháu về. Ông buồn, ông gọi điện thoại và khóc. Vợ chồng bà chủ tiệm thấy vậy đóng cửa sớm, tranh thủ về bên đó. Nhìn gia đình người ta, hạnh phúc khi còn cha mẹ, đủ vợ, đủ chồng, ngày Tết sum vầy. Nghĩ đến nỗi cô đơn của mình, lòng tôi quặn đau.
Mấy năm trước, phải tranh thủ gọi về Việt Nam sớm. Nếu đợi đến giao thừa hay mồng một, mồng hai mới gọi, thì đường dây quá tải, không sao gọi được. Nhưng năm nay lại khác, lúc nào cũng gọi được. Nhà tôi gần chợ Việt Nam, nên mọi thứ không cần mua vội. Con gái tôi chỉ thích ăn bánh tét chuối. Ở ngoài, người ta bán nhiều lắm. Nhưng nó vẫn thích bánh mẹ gói hơn.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Người miền Tây, khi gói bánh tét thì thích trộn dừa hay nước cốt dừa trong nếp. Bánh chuối phải có đậu đen. Nhưng chuối thì phải là chuối xiêm thật rục. Nó không quên nhắc tôi làm dưa cải chua, cà rốt, củ cải trắng làm chua. Năm nay, nó giúp tôi làm cây mai giả. Hai chị em nó hút bụi, dọn dẹp nhà cửa. Chiều hăm tám, nó giúp tôi hơ và lau lá. Nếp đã ngâm sẵn, đậu nấu ban sáng, thịt và chuối cũng ướp sẵn. Đi làm về, ăn cơm xong, tôi bắt tay vào gói bánh. Nấu đến 3h sáng, nó buồn ngũ, nhưng cũng muốn thử bánh mẹ gói.
Thấy con vui, tôi nhớ lại những ngày gần Tết ở quê nhà. Sáng hăm chín tôi chuẩn bị nồi thịt kho trứng, nồi khổ qua hầm. Nồi xương hầm, để sẵn. Đứa thì thích hủ tiếu mì, đứa lại thích bánh canh. Mâm trái cây đũ loại: Dừa, đủ, xoài, bánh mứt, cũng xắp sẳn. Bàn thờ với những đóa hoa huệ đỏ.
Thời tiết năm nay ở Georgia, không lạnh lắm. Nhưng những chậu cúc vàng cũng không thể chưng trước cửa. Chúng nó hỏi tôi đủ điều: "Tết là vậy đó hả mẹ?". Sắp xếp mọi thứ, tôi chuẩn bị đi làm. Nói đến Tết, chúng tôi kể cho khách nghe về Tết của Việt Nam, những phong tục, tập quán. Người Mỹ họ rất thích nghe và thích ăn những thức ăn Việt. Mở laptop, cho họ xem những hình ảnh độc đáo của quê hương mình, hội chợ hoa Nguyễn Huệ, đường hoa Đà Nẵng.
Việt Nam mình đổi mới nhiều, những ngày này, quê mình đường phố nhộn nhịp, nơi nơi tưng bừng đón Tết. Còn nơi đây người Việt chúng tôi, vẫn phải đi làm. Có những người độc thân, không biết Tết ra sao. Nhưng trong gia đình, hầu hết, những người làm mẹ như tôi, vẫn giữ truyền thống dân tộc. Điều quan trọng nhất là dạy con giữ nề nếp, văn hóa Việt Nam, học và nói tiếng Việt. Vì thế, dù bận rộn, tôi cũng giữ không khí Tết trong ngày đầu năm.
Sáng mồng một đi lễ, về nhà, chúc Tết, lì xì, ăn uống. Tết ở hải ngoại ngắn gọn và đơn giản. Vật chất khá đầy đủ. Nhưng dù sống nơi đâu, tình cảm vẫn hướng về quê hương. Mỗi khi xuân về, lại chồng chất trong tôi: "Sự cô đơn và nỗi nhớ!". Xuân này, cũng giống những xuân qua, Đất lạ, xứ người nhớ quê ta. Hai chữ: "Quê Hương" thân thương quá! Xa xôi, muôn dặm, vẫn nhớ nhà. Tâm tình gởi trọn về nơi ấy, Người Việt, năm châu, dù cách xa, cơm áo, gạo tiền, bao vất vả, Đón xuân: "Cô đơn lẫn nhớ nhà"!
Luu Ly