23 âm lịch - Táo về trời là cái không khí Tết đã lan toả khắp xóm làng rồi. Nào chú chép vàng, nào mứt nào quả lũ lượt theo chân các chị, các mẹ về nhà chuẩn bị mừng một năm mới.
Khác với cái náo nhiệt của phố phường, nhà tôi vẫn nhịp sống thường nhật không hề thay đổi. Tết là tăng thêm sức nặng, tăng thêm nỗi lo cho mẹ, cho Hai. Nặng bởi gánh hàng, lo vì tiền bạc. Một thân lầm lũi mẹ nhặt từng đồng, đổi cho chị em tôi chiếc áo đẹp, đôi dép xinh để diện Tết.
Cái se se lạnh trước Tết như được khắc hoạ rõ nét hơn qua bàn tay mẹ. Nó dễ chịu khi tay bạn không phải nhúng trong thau nước lạnh cóng. Nó êm ả khi rúc trong chăn ấm nệm dày mà không phải banh mắt thức dậy từ sớm. Những ngón tay thô ráp, sần sùi ngụp lặn trong từng thúng cá, lựa lặt theo kích cỡ nhỏ lớn khác nhau đến khi tê buốt, buộc phải dừng lại. Cái lạnh thấm vào, gân xanh đua nhau kéo lên, hiện rõ qua từng khớp xương.
Đôi bàn tay của hai sáng nào cũng đỏ ửng, đỏ vì lạnh, không phải cái lạnh giao mùa mà là cái lạnh của đá. Hốc mắt tôi cay cay, áo mới tôi mặc, dép đẹp tôi đi được trả bằng nhọc lao của mẹ, của hai. Gánh hàng tôi rửa, cái chổi tôi quét, cái chén tôi rửa, cái đồ tôi giặt thậm chí cả cái việc tôi học cũng chẳng là gì.
Giáp Tết mẹ vẫn bon bon trên từng con đường, tiếng rao không ngừng nghỉ. Gánh hàng có vơi đi thì cái Tết mới đến dần. Miếng ngon miếng ngọt ngày Tết là gánh cá ngày một nặng thêm, là mồ hôi của mẹ trên từng quãng đường dài, là tiếng rao khan đục theo từng năm tháng, là đôi bàn tay lạnh ngắt của hai vào mỗi sớm mai.
Nắng tắt là mẹ về đến nhà, lỉnh kỉnh đồ tết, mứt quả thịt cá… Hai nhanh chóng dọn dẹp thu vén gọn gàng. Mẹ tất bận tính toán đồng lãi đồng lời. Những tờ giấy bạc được tôi phân loại theo mệnh giá rồi bó lại thành cuộn. Gió nhẹ qua cửa mang theo hơi lạnh những ngày cuối năm. Từng giây, từng phút cứ thế lặng lẽ trôi qua.
Trọng trách dọn nhà được mẹ giao lại cho hai và tôi. Từng ngóc ngách trong nhà được “tắm táp” sạch sẽ. Mền, chiếu, gối áo thơm ngát cùng nắng. Cây mai giả năm nào lại dược dịp trưng bày khoe sắc vàng chờ dịp xuân mới.
Tết là nỗi lo, là sự đau lòng dịu nhẹ đến quặn thắt mà lại ngọt ngào không thôi. Ngọt ngào của không khí xuân tràn lan qua từng tán lá, qua từng khung cửa mỗi nhà và qua từng món ăn của mẹ.
Rong ruổi trên đường cả ngày, tối đến mẹ lại cùng hai và tôi chuẩn bị những món ăn ngày Tết. Truyền thống là cái gì đó thiêng liêng, gắn bó đến quen thuộc mà ta không thể chối bỏ dù nghèo, dù khổ.
Công cuộc thái đậu, băm thịt, xả hành, chẻ rau hoàn thành cũng là khi những cuộn chả giò được ra đời. Thon dài dài là bàn tay mẹ. Mập tròn xinh tạo bởi tay hai. Riêng những “que” gầy nhom ốm nhách là thành phẩm của tôi. Từng cuộn, từng cuộn xếp chồng lên nhau đến khi vung đầy cả mâm.
Thoảng trong gió là hương lá chuối, đậu nếp thịt của những nồi bánh chưng quanh xóm. Ngọn lửa đêm bập bùng âm ỉ cùng cái thơm ngát dịu ngọt vị Tết đầu xuân khiến ta nao lòng. Khổ lao của mẹ, cơ cực của hai dường như tan theo thời khắc ấm áp đến lạ này đây.
Tết không phải là điều gì đó quá xa xôi, quá vĩ đại. Đó không phải là chuyến du lịch dài ngày khám phá những điều mới lạ. Đó cũng chẳng là mâm to cỗ bự. Tết chỉ là nơi góc bếp cùng những cuộn chả giò tôi chiên cháy khét vui đùa bên mẹ, bên hai. Tết là cái rát lạnh bỏng tay khi cùng mẹ nhặt từng con cá. Tết chỉ đơn giản là Tết thôi với lời mẹ vọng mãi: “Đừng vì nghèo khó mà đánh mất tuổi thơ, đừng vì tự ti mà bỏ qua hạnh phúc. Tết là niềm vui.”
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Đồng Lệ Quyên