![]() |
Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Vào một đêm ngày cùng tháng tận. Đầu hồi, tắc kè nhả vào đêm những tiếng kêu dài cô độc. Bà tôi ngồi lụi cụi trên sân giếng sau nhà, tỉ mẩn lật đi lật lại từng chiếc lá dong xanh mươn mướt. Gạo nếp cái no tròn được bà vo rất kỹ, hạt nào hạt nấy trắng ngần tỏa hương ngào ngạt.
Tiết xuân, ban trưa trời ung ủng nắng, đêm về cái lạnh rét tê tê. Tôi ngồi cạnh bên bà, múc từng gầu nước đổ vào trong chiếc chậu nhôm sâu lòng. Bà vẫn chưa ngừng tay, tiếng nước va chạm nhau bì bõm. Chốc chốc, tôi lại đưa tay lên miệng che lấp đi cơn buồn ngủ đang sập đến. Có tiếng xe vã vào cánh cửa xầm xầm, cậu tôi đi đâu từ chiều giờ mới về. Bà lập cập chạy ra bậc thềm nhà, giọng nói với:
"Đi đâu bây giờ mới về? Bổ giùm mẹ mấy khúc gỗ làm củi nấu bánh chưng!"
Dường như bà đã chờ cậu từ lâu, nhìn dáng vẻ sốt ruột của bà, tôi biết. Cậu không nhìn lên, hơi rượu phả ra nồng nồng, ánh mắt trốn chạy đi nơi khác.
"Mẹ bày vẽ ra làm gì! Năm nào cũng bánh trái. Làm rồi có ăn hết được đâu. Ra tết, bánh lại để meo mốc".
Bà đứng tựa hẳn vào cánh cửa, chiếc quần lụa đen bên thả thõng, bên xắn cao. Bà vừa lấy tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt vừa như dịu giọng lại, phân trần.
"Tết mà không có bánh chưng thì gọi gì là tết. Mẹ không bày vẽ thì mấy đứa trẻ con biết đâu cái hay, cái đẹp của ngày tết cổ truyền".
Cậu hậm hực bỏ vào nhà, chiếc áo quăng dài trên ghế tựa.
"Mẹ muốn bánh thì có bánh. Chỉ cần bỏ ra vài đồng thì đầy ra đấy thôi, đâu cần tốn công sức làm gì cho mệt. Mà sao mẹ không bảo thằng Hiếu nó bổ củi cho?"
Tôi vùi người sâu vào trong chiếc chăn ấm, mắt nhắm chặt và cố không cựa mình. Bà tôi lặng lẽ lê đôi dép loẹt quoẹt trên nền gạch, bước chân đi xa dần. Căn nhà tôi trở nên yên ắng, tôi nghe rõ tiếng gió đuổi lá khô lật nhau trên mái ngói. Hình như mưa xuân đang trở mình, những giọt mưa bé lắm, tanh tách nẩy trên những tán lá bưởi sà vào ô cửa sổ. Trong thinh không, tiếng khỏa nước vẫn kiên nhẫn va vào nhau từng hồi bì bõm. Giấc ngủ lại ập tới, vỗ về tôi, xô vào tôi những cơn mơ tưởng chừng như bất tận. Ngày mai, đã là 30 tết.
Khi một vầng sáng lấp lóa đánh thức tôi, mặt trời đã ềnh ang trên ngọn tre già. Bà ngồi nơi giữa sân, mắt vô định bên cành đào đốt dở gốc. Bên cạnh, lá dong, gạo nếp, thịt ướp hạt tiêu…Tất cả được xếp sắp gọn gàng. Và “Đâu rồi những khúc gỗ?”, tôi hỏi rồi tự tìm được câu trả lời khi mắt bắt gặp những thanh gỗ chẻ nằm im lìm nơi góc sân với những mạt gỗ rơi tơi bời.
Cậu tôi cũng đã dậy, hai cậu cháu lặng lẽ đứng phía sau lưng bà, nhìn nhau không cất được nên lời. Năm ấy, tôi tập làm những chiếc bánh chưng đầu tiên, những chiếc bánh chẳng vuông-tròn nhưng với tôi đấy là báu vật. Hai đứa em của tôi ngồi cạnh bên, nói huyên thuyên cả buổi, chúng hết chạy ra rồi chạy vào, ngó bên nọ, nhìn bên kia trong tiếng cười giòn giòn. Bà tôi vui lắm, miệng mủm mỉm cười, âu yếm nhìn tôi và cậu cặm cụi thắt chặt từng chiếc lạt buộc.
Tôi chưa đủ lớn khôn để thấu hiểu hết ý nghĩa của cái Tết. Với tôi, tết chỉ là một kỳ lễ dài với những thú vui triền miên cùng chúng bạn. Và chắc rằng, những đứa em của tôi cũng còn quá nhỏ để hiểu được tấm lòng của bà cũng như tường tận được những điều sâu xa nhất mà bà tôi muốn gửi gắm vào chiếc bánh chưng bình dị.
Tết không đơn thuần là một ngày in đỏ trên trang cuối của cuốn lịch dày, chắc chắn vậy. Nó là một sự kiện ngày tháng giúp con người quần tụ bên nhau để thấu hiểu hơn nguồn cội, biết chia sẻ và yêu thương. Bà đã dạy cho tôi bài học về tình yêu gia đình theo cách giản đơn như thế.
Đã tám năm xa cái tết tôi sống xa quê hương, nhớ da diết cái mùi thơm nồng của nồi bánh chưng sôi ùng ục, thương lắm tiếng khỏa nước trong đêm khuya của bà ngoại tôi. Giờ đây, trong cuộc sống bộn bề có mấy ai ngồi hoài hoặc về quá khứ không nhỉ?
Có lẽ chỉ những người xa nhà, tha hương nơi xứ lạ như tôi mới cảm nhận được sự tận cùng trong nỗi nhớ. Người ta thường tiếc nuối những gì đã đi qua hoặc những thứ không lấy lại được bao giờ, tôi cũng vậy. Nhưng nếu như có một phép nhiệm màu để vơi cạn đi nỗi lòng, ngay bây giờ tôi ước được trở về căn nhà có khoảng sân rộng tán cây để bổ cho bà tôi những khúc gỗ làm củi, rửa cho bà những bó lá dong xanh mươn mướt và gói tặng bà tôi chiếc bánh chưng chẳng biết vuông – tròn.
Hà Trung Hiếu (từ Nhật)
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.