Ngày bé, tôi thích nhất là được bố mẹ cho về quê mỗi dịp Tết. Mọi người cùng nhau mổ lợn, giã giò, gói và thức đêm canh luộc bánh chưng. Cái cảm giác lần đầu cầm trên tay chiếc bánh chưng do mình gói, dù hơi méo, nhân không đều, thậm chí có cái còn quên bỏ thịt, thực sự thấy rất hãnh diện, pha chút kiêu ngạo.
Sáng mùng một trong cái mưa phùn rất đặc trưng của miền Bắc, chúng tôi, những đứa trẻ con, lại xúng xính quần áo đẹp theo bố mẹ đi chúc Tếtvà háo hức nhận tiền mừng tuổi. Tếtở quê có cảm giác rất khác với ở thành phố, có cái gì đó giản dị, dân dã, đậm chất cộng đồng nhưng lại rất ấm cúng.
Lớn lên, tôi không còn quá háo hức mỗi khi Tết đến nữa. Không biết bởi bản thân đổi thay, vì quá bận rộn với công việc, học hành và nhiều thứ vui chơi giải trí khác, vì chỉ cần ra ngoài chợ hay siêu thị mọi thứ đồ của ngày Tết đều có sẵn, ngon và đẹp hơn rất nhiều, hay là vì cái gì đó mà chính bản thân tôi cũng không hiểu được.
Đôi khi tặc lưỡi, Tết có gì khác ngày lễ trong năm đâu. Ừ, chẳng qua là ngày nghỉ dài hơn một chút và ăn uống khác một chút so với ngày thường, mà thực ra ngày thường nếu muốn ăn bánh chưng, giò hay bất kỳ món gì của ngày Tết mình vẫn có thể mua được mà.
Mọi thứ sẽ như vậy nếu như tôi không đi du học và đón Tết ở nước ngoài. Thành phố nơi tôi ở khá nhỏ và cộng đồng cũng như du học sinh người Việt ở đây không nhiều so với các thành phố khác ở New Zealand.
Chúng tôi tổ chức Tết vào ngày cuối tuần và theo hình thức potluck, nghĩa là mỗi người sẽ làm một món mang đến góp. Việc góp món này tạo cơ hội để mọi người được thưởng thức hương vị Tết của nhiều vùng miền trong cả nước. Riêng bánh chưng, bánh tét sẽ được cùng gói từ hôm trước. Những bao lì xì đỏ cũng được chuẩn bị dành cho các em nhỏ, và thay vì những tờ tiền giấy, chúng tôi để vào đó những đồng xu 1 hay 2 đô la mà hầu như bé nào cũng thích vì đó là đồng xu may mắn.
Tất cả chúng tôi đều rất háo hức, mong chờ, thậm chí còn đếm ngược thời gian đến Tết. Không biết có phải khi xa quê hương, gia đình, người ta thường có cảm giác cô đơn, hoài niệm và mong chờ không, hay thực sự trong lòng vẫn luôn có cảm giác đau đáu nhớ nhà mà phải khi Tết đến mới thấy mình cần một điều gì đó ấm áp.
Tết ở nhà là sự sum vầy của các thành viên trong gia đình. Tết của chúng tôi ở đây là dịp để gắn chặt tình đoàn kết, là sự sẻ chia của cộng đồng người Việt và là dịp để mọi người tụ tập để hiểu nhau hơn. Tết để nhân đôi niềm vui của người này và làm giảm bớt đi nỗi buồn, cô quạnh của người kia.
Tôi còn nhớ dịp Tết năm ngoái, cô bé hàng xóm có tâm sự là nhớ nhà, nhớ mẹ quay quắt muốn khóc nhưng nghĩ đến được cùng các cô chú, anh chị và bạn bè ở đây chuẩn bị Tết, nỗi nhớ đó dường như đã nguôi ngoai. Đối với nhiều Việt kiều ở thành phố này, có lẽ họ đã nhiều năm chưa có dịp về quê đón Tết. Bởi thế, đây là cơ hội để họ gặp nhau, thưởng thức các món ăn Việt mà thường ngày rất hiếm khi được nếm và để được nói tiếng Việt với người Việt.
Mỗi người đều có những cảm xúc và suy nghĩ riêng cho ngày Tết. Đối với riêng tôi, Tết sẽ mãi là những kỷ niệm và quãng thời gian đẹp khi được sống và học tập tại New Zealand. Cuộc sống xa nhà không hề buồn tẻ hay cô đơn vì chúng tôi được sống trong vòng tay bè bạn và trong một tập thể tràn ngập tình người ấm áp, đầy sẻ chia. Dù có ở đâu thì những nét đẹp trong văn hóa Tết của người Việt vẫn luôn được trân trọng và gìn giữ.
Khiếu Thị Quỳnh Trang
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |