Hồi nhỏ chúng tôi hay để đầu trần, chân không, mặc quần cọc áo ngắn tay đi bên những cánh đồng. Tôi sống trọn tuổi thơ hồn nhiên nhọc nhằn bên chân ruộng. Hình ảnh những gốc rạ lôm nhôm ngoài đồng, những đống rơm to làm môi trường cho chuột ở rải rác khắp đồng, những bông "lúa chét" chín vàng cũng ngậm gạo thơm ngon, ta có thể cắt mang về cho gà vịt cả con người ăn được.
Chuyển mùa cả làng đốt rơm sáng lòe không gian màu nhiệm như có núi lửa phun trào. Rơm rạ quấn chân mỏi mòn. Những hình ảnh là tiềm thức suốt đời không tan biến nếu ai đã trải qua với nó.
Sang thập niên 70 về sau, đồng ruộng Việt Nam được canh tác mỗi năm hai vụ, rồi ba vụ. Ngày trước mùa Giêng mới thấy lúa chín vàng, bây giờ mùa nào thậm chí tháng nào cũng có. Cả mùa lũ người ta có thể oằn mình trong nước cắt lúa chín.
Thời trung niên có lúc tôi cuốc đất và bâm tơi cả nửa héc-ta bằng tay để sạ, dùng cây chuối cột hai đầu mang lên vai kéo làm phẳng lớp bùn tạo nhựa đất để hạt mầm mau bám. Lúa và người có sự trả ơn, người chăm lúa cho ra hạt, lúa nuôi người trong cơn hoạn nạn nghèo đói...
Giờ quê mình nơi nào cũng lúa. Lúa từ các đồng bằng châu thổ, lúa lên cả các núi đồi trong các chân ruộng bậc thang. Lúa chạy dọc theo các quốc lộ khắp chiều dài đất nước. Lúa nhìn không hết mắt. Có năm quá nhiều lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không bán kịp, hết chỗ chứa người ta bỏ vô bao chất đầy cả trên các đê ngoài đồng. Nhớ thời ông bà mình có nơi chết đói, có nơi ăn bắp khô giã thay gạo, ăn cả củ chuối củ môn... mà xót xa vô chừng, như bây giờ sao có mấy triệu người chết đói năm 1945?
Rất nhiều người Việt xa xứ không quên được hạt gạo quê hương, vẫn ăn cơm tự nấu, mặc cho môi trường ẩm thực đa dạng chung đụng với trăm sắc dân thách thức.
New York cuối tháng hai dương lịch vẫn còn buốt giá tái tê chưa qua hết mùa đông, nhiều hôm tuyết phủ trắng trời rơi ngập cả bàn chân, những chiếc xe hơi bị tuyết lấp đầy đậu san sát hai bên đường trông như những con rùa "chém vè". Xe hơi có lúc tệ hơn rùa!
Tuyết đọng trên nóc các tầng cao và những nhành cây trơn tru trụi lá. Tuyết rơi lúc đầu rải rác li ti lưa thưa rồi dày đặc to ra hơn. Tuyết như hoa bưởi hoa gòn bay rớt vô tận từ các khu vườn vũ trụ bao la. Tuyết bay từng đàn gặp gió quyện vào nhau lùa qua các kẽ trống tòa nhà, đáp xuống trên các trần cao ốc có khi cả tuần chưa tan biến hết.
Những cơn nắng hiếm hoi không đủ độ ấm làm tuyết tan chảy. Chủ hộ phải tự cào tuyết trước nhà mình để tránh tai nạn cho người đi bộ. Bộ trưởng không làm cũng bị phạt! Họ canh giữ nhọc nhằn cào tuyết trong giá rét tái cả thịt da. Có người dùng len xuỗng cạy tuyết bám trên mui xe. Những chiếc xe phong trần chịu thương chịu khổ trông chúng cũng dạn dày. Xe ở đây thường là phương tiện đi lại không định dạng cho giá trị xã hội, người ta bỏ chúng nằm lạnh lùng trong tuyết nếu ta quen cảm giác quan trọng nhìn chúng mà xót. Bởi có người bảo rằng "cả đời không ước có được một người yêu nhưng hầu như ai cũng mơ có một chiếc xe đẹp để lý thú". Có rồi bỏ nó nằm vắt vẻo ngoài trời thì đau!
Có nơi tuyết chảy tan ra thành nước sền sệt rồi đông đặc như đá. Tuyết đóng dày bên lề lộ, gốc cây, sân chung cư... trông giống như những mảng kem tươi vĩ đại hay nước đá bào thuở nhỏ ta mua ăn với siro bên nhà. Người bán nước đá ngày ấy dùng chiếc bàn bào bằng cây tra lưỡi thép cạo những cục nước đá cứng lạnh tanh không độ cho ra từng miếng nhỏ như dăm cây rồi xịt siro đỏ, vàng vào. Thuở khát thèm ăn nước đá bào nghe có gì quý giá thiêng liêng.
Trời ở đây bắt đầu lạnh kéo dài từ đầu mùa thu đến hết mùa đông. Lá cây xanh chuyển hoá thành vàng, đỏ rồi rụng hết như không gì nhung nhớ chỉ còn lại những thân nhánh trơ trụi đen xịt để thích nghi với cái lạnh nhiều lúc xa tuốt dưới không độ. Đặc biệt chỉ có loài thông là can trường chịu đựng, gía rét lá vẫn không rụng và luôn giữ màu xanh muôn thuở.
Bất chợt tôi nhớ các câu thơ Nguyễn Công Trứ: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữ trời mà reo"... Tôi nhớ Lâm Đồng - Đà Lạt với nghìn trùng thông suôn, có cây cao vài chục mét mọc khắp núi, đồi, thung lũng. Tại các hẻo sâu heo hút vài chục mét phía dưới thông phát triển vươn cao bạt ngàn qua các thác ghềnh đèo dốc.
Thông còn là biểu tượng cây Noel. Hằng năm vào mùa Giáng Sinh người ta hay sử dụng cây thông để treo đèn hoa. Tại New York, Tết Tây vừa rồi người ta đặt cây thông Noel cao 25 mét ở Rockefeller center trang trí đèn hoa lộng lẫy thu hút rất đông người đến chiêm ngưỡng. Gần triệu người tập trung về hưởng không khí đầu năm để đón chào quả cầu nhân tạo khổng lồ rơi xuống đánh dấu năm mới. Người ta vui như cho "cháy" hết nỗi niềm năm cũ. Trên sân khấu ngoài trời nhiều ca sĩ nhảy múa ca hát trong giá lạnh cắt xương, có ca sĩ không mặc ấm để tay trần đứng hát thách thức cả thời tiết khắc nghiệt, có đôi nam nữ lên tặng nhẫn cưới kết duyên tại chỗ vào thời điểm thiêng liêng khi nhân loại bước vào năm 2015...
Có vài buổi nhiệt độ ngoài trời ấm đôi chút, vẫn lạnh nhưng không tái buốt, người ta có thể đi bộ ngoài đường. Người đi đường nói chuyện toả ra sương như khói cà rem thơm lừng ở thập kỷ 50, 60 bên mình hồi tôi còn nhỏ. "Cà rem Gòn đây!", "Cà rem Băng Gia Cần Thơ đây!", "Ai mua cà rem không?"... Tiếng rao lanh lảnh vang vọng nơi các ngả đường trong ký ức xa vời của tôi.
Cà rem trở thành huyền thoại trong tôi. Bột pha đường cho đông lạnh, cắt khúc tròn tròn bỏ vào chiếc thùng sắt bên trong tráng thủy giữ nhiệt, thùng có chiếc quai cho người bán quảy lên vai. Cái mùi thơm ngát, cái vị ngọt thâm trầm của cà rem nó thách thức cả các món ăn lạnh ngày nay làm bằng các công nghệ tối tân nhất trên các bước đường rong ruổi. Ôi cái dĩ vãng cà rem quê hương ngọt ngào như tiết giá mùa Xuân!
Đi giữa lòng thành phố New York lớn của nước Mỹ vào mùa Giêng chỉ vừa qua mười mấy ngày Tết bên quê nhà, nhìn quanh đâu cũng toàn cao ốc nguy nga đồ sộ, bỗng dưng những cánh đồng lúa hiện lên trong trí não tôi: cảnh ngày xưa trâu cày đất lỏm chỏm, những gốc rạ trơ lại sau vụ gặt, lúa chét trổ gượng gạo cố cho thêm những bông hạt nhọc nhằn trả ơn người, ơn đời.
Thỉnh thoảng có vài khu nền trống người ta chưa xây dựng, vài loài cỏ chết héo úa dưới tiết đông, tôi cảm giác nó như là ruộng. Tôi mải mê nhìn không muốn đi. Ruộng đã thành tiềm thức quý hiếm trong lòng một bộ phận người con xa xứ vào mùa Xuân hay mùa Giêng.
Nguyễn Thành Nam
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |