Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) nói rằng 7 trong số 11 tai nạn khiến 17 người bị thương và một người chết. Tất cả các xe Tesla này đều trang bị Autopilot hoặc tính năng điều khiển hành trình cảnh báo va chạm.
Các vụ tai nạn bị điều tra xảy ra trong thời gian 22/1/2018-10/2/2021 trên lãnh thổ 9 bang nước Mỹ, và phần lớn vào ban đêm. Đặc biệt, tại hiện trường tai nạn thường có những thiết bị điều khiển giao thông như đèn báo của xe ưu tiên, biển báo mũi tên có đèn hướng dẫn hướng đi cùng các cọc tiêu hình nón - tức xe Tesla đâm vào một hiện trường tai nạn trước đó, nơi có những tín hiệu cảnh báo rất rõ ràng. Trong một số các trường hợp, xe Tesla thậm chí lao vào xe cấp cứu và xe cứu hỏa.
Sự an toàn của công nghệ Autopilot trên xe Tesla từng đặt ra những tranh cãi. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cũng đã điều tra các vụ tai nạn nghiêm trọng và thấy rằng Autopilot phần nào bị quy trách nhiệm trong một tai nạn ở Florida vào năm 2018 khiến một tài xế xe Tesla thiệt mạng.
Một tai nạn khác, cũng trong 2018, xảy ra khi một ôtô phía trước chiếc Tesla Model S chuyển làn và tài xế mẫu xe điện không kịp phản ứng, dường như do không làm chủ vô-lăng khi chế độ Autopilot được kích hoạt. Chiếc Model S rúc vào đuôi xe cứu hỏa cùng chiều.
Cảnh sát ở một khu ngoại ô Houston nói không có ai ở ghế lái của một chiếc Tesla khi mẫu xe điện khiến hai người chết trong một tai nạn hồi đầu năm nay - cáo buộc mà Tesla từng phủ nhận. Nhưng Lars Maravy, phó chủ tịch công nghệ của Tesla, từng khẳng định vào tháng 4 vừa qua rằng chế độ điều khiển hành trình thích ứng của Tesla đã được kích hoạt và làm xe tăng tốc đạt 48 km/h trước khi tai nạn xảy ra.
Tesla vẫn nỗ lực cung cấp công nghệ tự lái hoàn toàn cho các tài xế. Nhưng trong khi hãng nói rằng các dữ liệu cho thấy xe sử dụng Autopilot sẽ có ít tai nạn hơn trên mỗi 1,6 km (một dặm) so với xe được các tài xế điều khiển hoàn toàn, thì họ cũng lại cảnh báo "tính năng Autopilot hiện nay yêu cầu tài xế chủ động giám sát và không để xe tự lái".
NHTSA nói việc điều tra sẽ cho phép họ "hiểu rõ hơn nguyên nhân của một số vụ tai nạn liên quan xe Tesla", gồm "các công nghệ và phương pháp được sử dụng để giám sát, hỗ trợ, và buộc tài xế tham gia vào việc lái xe khi Autopilot được kích hoạt". Cơ quan này cũng tìm kiếm bất cứ yếu tố góp phần trong các vụ tai nạn.
Việc điều tra gồm các mẫu Tesla Y, X, S và Model 3 đời 2014-2021.
Những tùy chọn lái tự động như Autopilot của Tesla và những hệ thống điều khiển hành trình thích ứng trang bị trên xe của nhiều hãng ôtô hiện nay, vẫn làm việc rất tốt như giảm tốc độ khi xe phía trước đang chạy chậm lại, theo Sam Abuelsamid, một chuyên gia về xe tự lái và nhà phân tích chính của công ty tư vấn Guidehouse Insights.
Nhưng Abuelsamid cũng nói rằng, các mẫu xe này được thiết kế để phớt lờ các vật thể đứng im khi chạy ở tốc độ hơn 64 km/h, vì thế hệ thống sẽ không kích hoạt phanh khi tiến gần đến một cầu chui hay các vật thể bất động khác bên đường, như một chiếc xe hơi đỗ bên lề. May mắn rằng phần lớn các mẫu xe này, với một số dạng phanh tự động, sẽ dừng lại khi gặp các vật thể bất động nếu xe chạy ở tốc độ chậm hơn.
Theo Abuelsamid, vấn đề thực sự là ngày càng nhiều chủ xe Tesla cho rằng chiếc ôtô của họ có thể tự lái, trong khi tài xế của những mẫu xe có trang bị phanh tự động cùng các tính năng an toàn khác thường không nghĩ thế. Ngoài ra, khi đến gần một nơi vừa xảy ra tai nạn, với những tín hiệu cảnh báo như pháo sáng và đèn nháy, thì các tài xế sẽ phản ứng khác so với một hệ thống lái tự động.
"Khi hoạt động, phần lớn thời gian, hệ thống làm rất tốt. Nhưng chúng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn bởi những thứ mà con người thường xử lý mà không gặp vấn đề gì. Tầm nhìn của máy móc không thích ứng được như con người. Và vấn đề là mọi hệ thống máy móc đôi khi có những sai lầm ngớ ngẩn", Abuelsamid kết luận.
Mỹ Anh (theo CNN)