Reuters dẫn hồ sơ tòa án quận Delaware (Mỹ) cho biết Terraform đã nộp đơn xin phá sản vào 21/1. Theo Bloomberg, khối nợ ước tính công ty phải trả từ 100 triệu đến 500 triệu USD.
Chris Amani, CEO của Terraform Labs, nói với Cointelegraph: "Cộng đồng và hệ sinh thái Terra đã thể hiện khả năng phục hồi chưa từng có khi đối mặt nghịch cảnh. Hành động nộp đơn xin phá sản là cần thiết để cho phép công ty tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung, đồng thời giải quyết thách thức về pháp lý còn tồn đọng".
Động thái trên diễn ra chỉ bốn ngày sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đồng ý hoãn phiên tòa xét xử nhà sáng lập Do Kwon. Thông tin này cũng khiến token Luna và USTC (UST đổi tên) giảm giá nhẹ.
Hệ sinh thái tiền số của Do Kwon bắt đầu sụp đổ vào tháng 5/2022. Khi đó, Economic Times gọi đây là "vụ thảm sát" đối với các nhà đầu tư khi token Luna sụt giá tới 99,6%, từ đỉnh 86 USD ngày 4/5 xuống còn 0,005 USD sáng 13/5.
Ngay sau cú sập của Luna và UST, Do Kwon, nhà sáng lập công ty, cũng bặt vô âm tín. Đến tháng 2/2023, SEC đâm đơn kiện Terraform Labs và nhà sáng lập với cáo buộc dàn dựng "vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD". Tháng 3/2023, người này bị bắt ở Montenego do dùng hộ chiếu giả để xuất cảnh.
Hiện Do Kwon vẫn bị giam giữ ở Montenego. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang tìm cách dẫn độ cựu CEO 9x này. Cointelegraph dẫn các nguồn tin cho biết nhà sáng lập Terraform sẽ phải chịu nhiều bản án ở cả hai quốc gia. Nếu bị dẫn độ về Hàn Quốc, người này có thể đối mặt án phạt 40 năm tù.
Kwon liên tục phủ nhận cáo buộc liên quan đến thảm họa Luna, khẳng định dự án của Terra không phải kế hoạch lừa đảo đa cấp. Kwon nói bản thân cũng thiệt hại nặng nề.
Một thảm họa tiền số khác là FTX cũng nộp đơn xin phá sản vào tháng 11/2022. Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried (SBF) cuối năm ngoái bị tòa án Mỹ kết tội lừa đảo, đối mặt bản án 115 năm tù.
Khương Nha