Như đa số các gia đình ở đây, nhà tôi không làm tranh, cũng không treo tranh Đông Hồ. Bố tôi thi thoảng tiếc rẻ, giá ngày xưa giữ được nghề, bây giờ đã giàu to.
Nhưng thật ra cái sự “giữ nghề” phức tạp hơn khái quát của bố tôi. Giữ nghề có thể được hiểu là kiếm được tiền nhờ bán tranh; nhưng cũng có thể là ngược lại: cương quyết nói không với dòng chảy tấp nập của thị trường để làm những thứ có giá trị di sản tinh thần và văn hóa.
Ông Quả, 56 tuổi, là nghệ nhân đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Hữu ở làng Đông Hồ theo nghề tranh. Đầu năm 2018, một dự án đương đại hóa dòng tranh này được một nhãn hiệu đồ uống rầm rộ khởi xướng và ra mắt. Ông không ủng hộ. Ông bảo, giới trẻ muốn hiểu dân tộc mình thì phải học, phải đọc. “Văn hóa không phải thứ phải oằn lên để nằm vừa cái khuôn thị hiếu”. Ông Quả kiên quyết chỉ làm tranh cổ.
Ông Chế, 78 tuổi, là nghệ nhân đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Đông Hồ theo nghề tranh. Đầu năm 2018, sân gạch nhà ông phơi chục ngàn bức tranh Bé trai ôm gà selfie, Bé gái đeo tai nghe nhảy hiphop, hay Bà Nguyệt thả tim se duyên. Ông bảo giờ được mấy người chơi tranh cổ. “Phải lắng nghe thị trường”. Ông Chế duy trì in tranh theo cả hai phong cách.
Hai câu chuyện của họ đại diện cho hai hướng “bảo tồn” đang đươc thực hiện trên làng nghề. Trong câu chuyện di sản quốc gia, sự xuất hiện của “quốc gia” xuất hiện mờ nhạt. Nỗ lực bảo tồn lớn nhất có lẽ chỉ là tấm bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Nhà nước, được trao cho địa phương này đầu năm 2013. Một dự án khôi phục đình tranh cũng được lên trang cùng thời gian đó với số tiền đầu tư 60 tỷ đồng.
Nhưng đâu đó, rất thường xuyên, vẫn có những người Việt hỏi nhau Đông Hồ rộng không, sâu không, nối với sông nào. Vẫn có những người trẻ tuổi lặng người không biết trả lời sao khi bạn bè năm châu hỏi về dòng tranh dân gian ấy.
Tôi tìm gặp ông Quả trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất. Ông nói giọng run run, bảo văn hóa không phải thứ cứ rót tiền ào ào là xong, họa hoằn dăm bảy chục năm nhớ về một tí, hứng lên thì bảo tồn, hết hứng lại thôi.
Ông Quả biết bảo tồn không thể làm kiểu ào ào theo hứng, nhưng bản thân ông cũng không biết phải làm thế nào. Không ai biết phải làm thế nào, hoặc chưa ai từng nói với các nghệ nhân rằng họ nên bảo tồn nghề làm tranh ra sao. Và khi công cuộc bảo tồn cấp Quốc gia bất lực, Việt Nam sử dụng đến quyền cầu cứu Quốc tế.
Cuối tháng 6, Bộ Văn hóa Thể thao bắt tay vào xây dựng đề nghị tới UNESCO, đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đề cập đến hình thức hỗ trợ quốc tế bao gồm cả hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật, các khoản cho vay lãi suất thấp và viện trợ không hoàn lại. Việt Nam đang mong đợi những sự hỗ trợ từ thế giới, trong khi chính bản thân mình chưa thể xây dựng được cho mình một kế hoạch sử dụng nó như thế nào.
Sau cả thập kỷ bùng nổ du lịch, sau hàng triệu USD đã được tiêu không kết quả, sau khi Đông Hồ đã trở thành một ký ức quá vãng của chính những người con làng tranh như tôi, sau nỗi thất vọng cùng cực của nhiều nghệ nhân già làng tranh, bây giờ Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận tranh Đông Hồ “cần bảo vệ khẩn cấp”.
Bảo tồn tranh Đông Hồ, đầu tiên là vấn đề của đất nước Việt Nam. Không cần đến UNESCO công nhận, thì việc nó “cần bảo vệ khẩn cấp” là điều chúng ta phải tự ý thức được, và tự triển khai. Việc đề nghị thế giới bảo vệ một thứ tài sản trong nhà của chúng ta, khi bản thân chưa có nỗ lực hiệu quả bảo vệ nó, là một nghịch lý.
Người thứ ba tôi tìm gặp những ngày mưa rét đầu năm nay, là ông Hoán, 88 tuổi, nghệ nhân làm tranh họ Lê Huy. Ông bỏ nghề đã 28 năm. Ông bảo nghề tranh không đủ ăn thì phải bỏ, “phải đi theo thời đại”. Cũng đầu năm 2018, xưởng hàng mã nghìn mét vuông nhà ông chất đầy tận nóc, đợi xe tải chở đi Hà Nội ba lượt một ngày. Đôi tay của người nghệ nhân giờ dùng phết keo, dán giấy.
Làng tranh Đông Hồ giờ đã hóa thân thành làng vàng mã – một cái nghề sinh bạc tỷ - theo một cơn lũ không thể cưỡng lại của thị trường.
Và như thế, trong lúc chờ tiền bạc và kinh nghiệm của UNESCO làm được cái điều mà Bộ Văn hóa đã làm - hay là chưa bao giờ thực sự làm, một người con Đông Hồ như tôi chỉ biết tuyên truyền miệng cho những ai chưa biết Đông Hồ là cái gì, nếu như thực nó không phải là tên một cái hồ.
Thanh Lam