Cuối năm 1995, những căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đã buộc Tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton quyết định điều hai cụm tàu sân bay chiến đấu tới khu vực này nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Một cụm tàu sân bay chiến đấu dưới sự dẫn dắt của tàu USS Nimitz, với những chiếc chiến đấu cơ mang đầy vũ khí sẵn sàng cất cánh trên boong, tiến thẳng vào giữa eo biển Đài Loan, cách đất liền Trung Quốc chưa đầy 80 km, trong khi cụm tàu còn lại đóng vai trò dự bị ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan, theo Newsweek.
Vào thời điểm đó, các lãnh đạo Bắc Kinh đã rất giận dữ với cái mà họ gọi là "sự can thiệp của nước ngoài" vào quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng với việc không có trong tay bất cứ vũ khí nào có thể đe dọa được các tàu sân bay Mỹ, họ đành phải xuống nước trước màn phô diễn sức mạnh của Tổng thống Clinton.
Lần mất mặt trước tàu sân bay Mỹ này đã thôi thúc Trung Quốc phát triển một loạt tên lửa chống hạm tầm xa được trình làng trong lễ duyệt binh hồi tháng 9 năm ngoái. Nổi bật nhất trong số đó là DF-21D, loại tên lửa diệt hạm được trang bị đầu đạn có khả năng tự chuyển hướng, tìm và diệt mục tiêu ở vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh, nhanh đến mức không thứ vũ khí nào có thể đánh chặn được.
Theo tình báo hải quân Mỹ, chỉ một quả tên lửa DF-21D có thể vô hiệu hóa, thậm chí là đánh chìm một tàu sân bay Mỹ. Một loại tên lửa khác đáng "gờm" không kém cũng xuất hiện trong lễ duyệt binh là YJ-12, có khả năng bay là là mặt nước và sau đó đột ngột tăng tốc lên gấp hai lần vận tốc âm thanh khi tiếp cận mục tiêu.
Trong bối cảnh các quan chức quân sự Trung Quốc cảnh báo Mỹ về nguy cơ nổ ra đụng độ quân sự trên Biển Đông, nhiều chuyên gia phân tích quân sự đang xem xét một cách nghiêm túc khả năng của Bắc Kinh trong việc vô hiệu hóa tàu sân bay và các chiến đấu cơ Mỹ bằng những tên lửa diệt hạm mới.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả chương trình đóng mới những chiếc tàu sân bay vô cùng tốn kém của hải quân Mỹ, với giá mỗi chiếc có thể lên tới 12,9 tỷ USD, điều mà thượng nghị sĩ John McCain cho là "không thể chấp nhận được".
Hải quân Mỹ lại không dễ gì chấp nhận rằng hạm đội tàu sân bay của họ sẽ có lúc lỗi thời. Từ nhiều thập kỷ qua, tàu sân bay đã trở thành biểu tượng lớn nhất cho sức mạnh quân sự của Mỹ trên các vùng biển quốc tế. Với 10 tàu sân bay siêu lớn trong biên chế của Mỹ, các siêu cường khác như Nga và Trung Quốc không thể nào so sánh được cả về số lượng lẫn chất lượng.
Những chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân dài hơn ba sân bóng đá gộp lại này có thể mang theo 90 máy bay và 5.000 thủy thủ, chẳng khác nào một căn cứ quân sự di động có thể tới những nơi xa xôi nhất của thế giới. Hồi đầu tháng, hải quân Mỹ đã đề xuất tiếp tục mua mới ba tàu sân bay lớp Ford để tăng cường sức mạnh cho đội hàng không mẫu hạm của mình.
Nguy cơ lỗi thời
Tuy nhiên những loại tên lửa diệt hạm mới của Trung Quốc - và có thể là của Nga, Iran, Triều Tiên trong tương lai - đang làm dấy lên làn sóng tranh luận chưa từng có về tương lai của tác chiến tàu sân bay.
Jerry Hendrix, chuyên gia quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng Mỹ vẫn chưa có những phương án hiệu quả để bảo vệ tàu sân bay trước sức mạnh tên lửa diệt hạm của Trung Quốc.
Theo đó, tất cả các hệ thống phòng thủ trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ hiện nay chủ yếu dùng để đối phó với các loại tên lửa hành trình bay tới từ đường chân trời. Trong khi đó, DF-21D lại được phóng lên tầng cao của bầu khí quyển, sau đó đầu đạn của nó lao thẳng xuống mục tiêu với vận tốc siêu thanh, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn. "Tôi chưa hề nghe nói đến giải pháp nào chặn được loại tên lửa này cả", Hendrix nói.
Các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ hiện nay, chẳng hạn như F-18 Super Hornet, hay F-35C, có tầm hoạt động 800-1.046 km, đồng nghĩa với việc để có thể tấn công được các mục tiêu trong đất liền Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ phải áp sát bờ biển nước này và nằm trọn trong tầm bắn hiệu quả gần 1.500 km của DF-21D.
Video: Tiêm kích F-35C cất hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ
Chuyên gia này cho rằng trong trường hợp một tàu sân bay Mỹ bị trúng tên lửa DF-21D và bị loại khỏi vòng chiến, tệ hơn nữa là bị đắm tại chỗ, hậu quả chính trị mà Mỹ phải gánh chịu là không thể lường trước được. Các quan chức Mỹ tiết lộ với ông rằng chỉ với 10% nguy cơ tàu sân bay bị đánh chìm hay vô hiệu hóa, họ cũng sẽ cố vấn cho tổng thống không điều tàu tới vùng chiến sự.
"Việc một tàu sân bay bị đắm, cùng với đó là hình ảnh hàng nghìn thủy thủ Mỹ thiệt mạng, những chiếc chiến đấu cơ rơi xuống biển, đài radar đổ sập là một đòn giáng chính trị rất nặng nề mà người Mỹ khó lòng chấp nhận trừ phi đó là trận chiến bảo vệ tổ quốc", ông nói.
Bởi vậy, ông cho rằng tàu sân bay là thứ tài sản quá lớn mà người Mỹ tạo ra nhưng không dám đánh mất, bởi khi hình ảnh mang tính biểu tượng này bị phá hủy, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, và đó là "cái giá mà không quan chức quân đội nào dám nói tới".
Theo chuyên gia này, hải quân Mỹ nên từ bỏ kế hoạch sắm mới ba tàu sân bay lớp Ford với giá trị 13 tỷ USD mỗi chiếc, thay vào đó họ nên mua những tàu sân bay nhỏ hơn có giá 5 tỷ USD có thể hoạt động an toàn ngoài tầm bắn tên lửa diệt hạm của Trung Quốc.
Ông cũng đề xuất Mỹ phát triển các loại máy bay không người lái tầm xa vũ trang hạng nặng thay cho những chiếc chiến đấu cơ tầm ngắn hoạt động trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ đang có kế hoạch mua hàng chục tiêm kích F-35C có tầm bay 1.046 km, nhưng không hề có ý định phát triển các loại máy bay không người lái tầm xa.
Phản bác của hải quân
Những đề xuất của Hendrix đã thu hút được sự chú ý rất lớn của giới chuyên gia quân sự, tuy nhiên chúng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của hải quân Mỹ, khi các quan chức lực lượng này ra sức bảo vệ sức mạnh của hạm đội tàu sân bay và các chiến đấu cơ.
Khi được hỏi về nguy cơ tàu sân bay trở nên lỗi thời trước tên lửa diệt hạm Trung Quốc, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson tuyên bố rằng những tàu chiến mới nhất của Mỹ sở hữu các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân có thể loại trừ mối đe dọa đến từ tên lửa Trung Quốc, cũng như những cảm biến và công nghệ xác định mục tiêu cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho các chỉ huy, phi công và thủy thủ trên tàu sân bay.
"Tàu sân bay của hải quân vẫn hữu dụng trong thế giới đang biến động hiện nay, nhờ vào sự linh hoạt, khả năng thích ứng và sức mạnh hủy diệt của nó", phát ngôn viên hải quân William Marks tuyên bố. "Tàu sân bay vẫn là lực lượng trên biển duy nhất có thể thực thi đầy đủ một chiến dịch quân sự để bảo vệ đất nước".
Bryan McGrath, cựu quan chức hải quân từng chỉ huy một khu trục hạm, cũng cho rằng đầu tư vào tàu sân bay không hề lãng phí như tuyên bố của Hendrix. Với 13 tỷ USD, Mỹ có thể sở hữu một căn cứ không quân chạy bằng năng lượng hạt nhân trên biển hoạt động tới 50 năm, mang lại những lợi ích "xứng đáng với số tiền bỏ ra".
Ông này nhất trí rằng tàu sân bay đang phải đối mặt với rủi ro rất lớn khi phải hoạt động trong tầm bắn của tên lửa diệt hạm Trung Quốc, nhưng việc loại bỏ tiêm kích tàng hình F-35C không phải là giải pháp khôn ngoan, thay vào đó, Mỹ có thể nâng cấp động cơ của tiêm kích này để có thể hoạt động ở tầm xa hơn.
"Hãy làm những gì mà chúng ta đã làm trong 70 năm qua, đó là cải tiến hệ thống vũ khí của tàu sân bay để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa", McGrath nhấn mạnh.
Trí Dũng