"Sau khi theo dõi và phân tích, vào lúc 10h24 phút ngày 9/5/2021 theo giờ Bắc Kinh (9h24 phút giờ Hà Nội), phần lõi mất kiểm soát của phương tiện phóng Trường Chinh 5B đã rơi trở lại bầu khí quyển. Phần lớn các mảnh vỡ đã tan rã và bị thiêu rụi trên Ấn Độ Dương, gần Maldives", Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái thuộc Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Dịch vụ giám sát rác vũ trụ Space-Track, sử dụng dữ liệu quân sự của Mỹ, cũng đã xác nhận điều này. "Những ai theo dõi sự cố Trường Chinh 5B giờ đây có thể thư giãn. Tên lửa đã rơi. Chúng tôi tin rằng nó đã tan rã trên Ấn Độ Dương, nhưng vẫn cần chờ dữ liệu chính thức từ phi đội 18SPCS của Lực lượng Không quân Mỹ", Space-Track viết trên Twitter.
Tên lửa Trường Chinh 5B cất cánh từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam hôm 29/4, với nhiệm vụ chở module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung lên quỹ đạo. Theo kế hoạch, tầng lõi cao 30 m, rộng 5 m và nặng tới 18 tấn của tên lửa sẽ rơi trở lại Trái Đất theo một quỹ đạo có kiểm soát, nhưng sự cố đã xảy ra khiến thiết bị lao qua bầu khí quyển của hành tinh.
Ngay sau sự cố, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trấn an truyền thông rằng xác xuất gây hại của tên lửa trên mặt đất là "cực kỳ thấp". Tuy nhiên, các cơ quan vũ trụ của Mỹ và châu Âu vẫn theo dõi sát sao vụ việc này, với hy vọng có thể xác định trước thời gian và vị trí rơi của vật thể để tránh thiệt hại.
Lo lắng của Mỹ và châu Âu là có cơ sở bởi vào năm ngoái, một tên lửa Trường Chinh 5B khác của Trung Quốc cũng đã mất kiểm soát và trượt qua bầu khí quyển. Nó chỉ bốc cháy một phần trong quá trình rơi tự do. Trong khi hầu hết mảnh vỡ đáp xuống Đại Tây Dương, một số mảnh đã rơi trúng các ngôi nhà ở Bờ Biển Ngà, theo SCMP. Rất may là không có thương vong nào được báo cáo.
Đoàn Dương (Theo AFP)