Trang Space Track sẽ cập nhật hàng ngày dự đoán vị trí rơi và chính phủ Mỹ sẽ cung cấp thông tin bổ sung ngay khi có. Các tổ chức theo dõi vệ tinh khác cũng phát hiện vật thể dài 30 m, rộng 5 m có số hiệu 2021-035B, di chuyển ở tốc độ hơn 6,4 km/s, đủ nhanh để bay vòng quanh Trái Đất trong chưa đầy 2 giờ.
"Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang chú ý theo dõi vị trí của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B trong vũ trụ, nhưng điểm rơi chính xác của nó chưa thể định rõ cho tới vài giờ trước khi hồi quyển, dự kiến vào ngày 8/5", phát ngôn viên Mike Howard của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Tên lửa Trường Chinh 5B chở module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung lên quỹ đạo tuần trước. Tên lửa đẩy lớn nhất của Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam hôm 29/4.
"Tình huống có thể không tốt", Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonia, chia sẻ. "Trong lần phóng gần đây nhất của tên lửa Trường Chinh 5B, một cuộn kim loại lớn và dài bay qua bầu trời, phá hỏng vài tòa nhà ở Bờ Biển Ngà. Phần lớn vật thể bốc cháy, nhưng vẫn còn nhiều mảnh kim loại khổng lồ rơi xuống đất. Rất may mắn là không ai bị thương".
Theo McDowell, tầng lõi tên lửa có thể rơi mất kiểm soát trong khí quyển Trái Đất. Đường bay của nó nằm ở vũ tuyến giữa New York và Madrid, phạm vi xa hơn có thể tới giữa miền nam Chile và Wellington, New Zealand. Tầng lõi tên lửa có thể tiếp đất ở bất cứ đâu trong phạm vi này dù nó sẽ bốc cháy phần lớn trong khí quyển trước khi tiếp đất. Mảnh vỡ không cháy hết có thể rơi xuống biển hoặc khu vực không người ở, nhưng vẫn có nguy cơ gây thiệt hại cho người hoặc của.
Các chuyên gia theo dõi mảnh vỡ vũ trụ quan sát vật thể di chuyển chậm và khó dự đoán về phía Trái Đất trong vài ngày qua. Mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B trước đó rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía tây Mauritania ở Tây Phi, sau khi bay qua Los Angeles và New York. Tên lửa Trường Chinh 5B lớn gấp 7 lần tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 từng rơi qua bầu trời Seattle cách đây vài tuần.
Đây là lần phóng đầu tiên trong 11 lần phóng để hoàn thiện trạm vũ trụ mới của Trung Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2022. Trạm Thiên Cung sẽ bay quanh quỹ đạo Trái Đất ở độ cao 340 - 450 km. Trạm có khối lượng vào khoảng 80 -100 tấn, bằng khoảng 1/5 trạm ISS. Trong các nhiệm vụ sắp tới, Trung Quốc sẽ phóng thêm 2 module lõi, 4 tàu vũ trụ có người lái và 4 tàu chở hàng.
An Khang (Theo Mail)