Ngày 17/2, các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 với 8 bệ phóng tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Fox News. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và ngang ngược lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không hoàn toàn bác bỏ thông tin do Fox News đăng tải, mặc dù nói rằng đây là một "nỗ lực dựng chuyện của các hãng truyền thông phương Tây".
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không tầm cao do Tổng công ty Quốc phòng Trung Quốc (CPMIEC) nghiên cứu và chế tạo để tác chiến chống lại các mục tiêu bay như chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay trinh sát ở cả tầm thấp lẫn tầm cao, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa không đối hải, và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Theo Air Défense, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa từ năm 1980 nhưng không thành công. Đến năm 1993, khi những tên lửa S-300 PMU-1 của Nga được nhập về Trung Quốc, các kỹ sư quân sự nước này đã áp dụng gần như nguyên bản các giải pháp thiết kế và những đặc điểm hệ thống tên lửa của Nga để cho ra đời phiên bản HQ-9 đầu tiên vào năm 1997 với xe và ống phóng giống hệt S-300 PMU-1.
Tên lửa HQ-9 có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m, trọng lượng đầu đạn 180 kg, tầm tác chiến thấp nhất là 6 km và xa nhất 200 km, tầm bắn hiệu quả với máy bay là 150 km. Theo các tài liệu của Trung Quốc, tên lửa đạt tốc độ Mach 4.2 (khoảng 1400 m/s) nhưng chưa được kiểm chứng. Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây.
HQ-9 sử dụng hệ thống điều khiển tên lửa kết hợp: máy lái tự động quán tính giai đoạn đầu; giai đoạn giữa kết hợp máy lái tự động quán tính trên tên lửa để chỉnh tầm và lệnh vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng; giai đoạn cuối dẫn bằng lệnh vô tuyến kết hợp dữ liệu về mục tiêu do cơ cấu bám qua tên lửa. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km.
Mỗi lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-9 được biên chế 6 tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn gồm một xe chỉ huy, một xe radar điều khiển hỏa lực, 8 xe chở các hệ thống phóng, tức là ở một thời điểm, mỗi tiểu đoàn có thể phóng đồng loạt 32 quả tên lửa, cả lữ đoàn có cơ số tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 192 quả.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi rằng HQ-9 vượt trội hơn hệ thống S-300, thậm chí ngang tầm với hệ thống tên lửa S-400 mới nhất của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng về thông số kỹ thuật, HQ-9 mới chỉ tạm gọi là tương đương S-300, thậm chí chưa thể so sánh với S-300 đời đầu chứ chưa nói tới thế hệ S-300 PMU-1, S-300 PMU-2. Điểm yếu lớn nhất của HQ-9 nằm ở hệ thống radar và khả năng phòng thủ tầm gần.
Đài radar điều khiển hỏa lực mảng pha HT-233 của HQ-9 được cho là thiết kế giống với radar 30N6E trong tổ hợp S-300 của Nga. Tuy nhiên, kích thước của HT-233 được cho là nặng nề, to lớn hơn so với nguyên gốc, tuổi thọ ngắn, mức tiêu thụ điện năng lớn.
Với kích thước lớn, hệ thống HQ-9 có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hệ thống tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình như Tomahawk của Mỹ và Scalp của Pháp.
Bên cạnh đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 được đánh giá là chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22 và F-35, cộng với thời gian chuẩn bị tác chiến tương đối dài (6 phút) khiến HQ-9 hoàn toàn có thể trở thành "con mồi" của các chiến đấu cơ tàng hình này.
Một điểm yếu nữa của HQ-9 là khả năng phòng thủ gần tương đối kém so với S-300 của Nga, nên trong thực chiến, các loại trực thăng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, bay ở độ cao thấp và linh hoạt như Apache và Tigre được đánh giá có thể trở thành khắc tinh của HQ-9.
Nguyễn Hoàng