Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thông báo vụ phóng thử tên lửa hành trình Nirbhay với tầm bắn 1.000 km đã thất bại hôm 12/10. DRDO cho hay quả đạn gặp vấn đề với động cơ chỉ 8 phút sau khi khai hỏa và không thể bay đến mục tiêu, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Nirbhay là tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ cận âm do New Delhi tự chế tạo, được ví như phiên bản Ấn Độ của tên lửa Tomahawk Mỹ và Klub Nga. Dự án phát triển tên lửa Nirbhay được DRDO khởi động từ năm 2007, trong đó quả đạn sử dụng động cơ turbine phản lực Saturn 50MT do Nga chế tạo.
Giới chức DRDO cho biết tên lửa Nirbhay có tính năng bay bám địa hình, mang được nhiều loại đầu đạn và có thể lượn trên khu vực mục tiêu trong thời gian dài trước khi tung đòn đánh. Nirbhay được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính dùng con quay hồi chuyển laser vòng, hệ thống định vị vệ tinh và đầu dò radar của Nga.
"Các tên lửa hành trình như Nirbhay và Tomahawk không bay theo quỹ đạo cố định, mà bay thấp và bám sát địa hình. Chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn, giúp tăng cường uy lực tiến công theo yêu cầu của lực lượng vũ trang Ấn Độ", quan chức lục quân Ấn Độ giấu tên cho biết.
Tên lửa dài 6 m, nặng 1,5 tấn và có tốc độ hơn 860 km/h, mang được đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 300 kg. Tên lửa được trang bị tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn để lấy độ cao và đạt tốc độ hành trình, sau đó động cơ turbine phản lực sẽ được kích hoạt, đưa quả đạn đến mục tiêu.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ hồi tháng 7 đặt mua 300 tên lửa Nirbhay cho các quân chủng, nhưng loại vũ khí này vẫn cần tiến hành ít nhất 20 lần phóng thử trong 3-5 năm tới để bảo đảm khả năng vận hành đầy đủ. Mỗi quả đạn có giá khoảng 1,5 triệu USD.
Quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên hôm 30/9 cho biết Nirbhay là một trong ba loại tên lửa được nước này triển khai ở khu vực Ladakh, gần biên giới Trung Quốc, bên cạnh tên lửa siêu thanh BrahMos và hệ thống phòng không Akash.
Vũ Anh (Theo Defense News)