Tên lửa Kairos do công ty Nhật Bản Space One phát triển rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Kii ở Kushimoto, miền tây Nhật Bản, lúc 9h01 ngày 13/3 (giờ Hà Nội). Nếu thành công, Space One sẽ trở thành công ty phóng tên lửa tư nhân đầu tiên của Nhật Bản lên tới quỹ đạo. Nhưng chỉ khoảng 5 giây sau, chuyến bay kết thúc đột ngột khi hệ thống hủy bay được kích hoạt, khiến tên lửa nổ tung.
Sự kiện khiến nhiều mảnh vụn rơi xuống bãi phóng. Theo cuộc họp báo sau sự kiện, không có thiệt hại nào xảy ra và không ai bị thương. Những đám cháy cũng nhanh chóng được dập tắt.
"Tên lửa hủy chuyến bay sau khi nhận thấy việc hoàn thành nhiệm vụ sẽ rất khó khăn", Masakazu Toyoda, chủ tịch công ty Space One, cho biết. Lý do hệ thống hủy bay tự động được kích hoạt chưa được nêu rõ. Các chuyên gia sẽ tiến hành một cuộc điều tra về nguyên nhân thất bại. Kế hoạch cho lần phóng tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả và việc thực hiện các biện pháp cần thiết.
Tên lửa Kairos dài 18 m, gồm 4 tầng, 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn và tầng trên dùng nhiên liệu lỏng. Phương tiện này có thể chở hàng hóa nặng 250 kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp. Nó cũng được thiết kế với tính tự động hóa cao.
Space One có trụ sở tại Tokyo, thành lập vào năm 2018. Công ty đặt mục tiêu thực hiện hơn 20 vụ phóng mỗi năm trước khi thập kỷ này kết thúc. Trước đó, một vụ phóng được lên kế hoạch vào ngày 9/3 nhưng bị hủy bỏ do một con tàu đi vào khu vực nguy hiểm khi phóng tên lửa.
Việc thất bại khi phóng tên lửa mới không hiếm. Tên lửa Falcon 1 của SpaceX cũng thất bại trong lần phóng đầu tiên, nhưng cuối cùng lại thành công. Tuy nhiên, việc Kairos thất bại có thể coi là một bước lùi với những kế hoạch lớn hơn của Nhật Bản nhằm phát triển ngành công nghiệp vũ trụ. Ủy ban chính sách không gian Nhật Bản đang xem xét quỹ chiến lược không gian trị giá 6,7 tỷ USD, thời hạn 10 năm, nhằm thúc đẩy sự tự chủ, đổi mới và tính cạnh tranh của nước này trong không gian.
Kế hoạch bao gồm nâng cao tốc độ phóng tổng thể với tên lửa H3 mới và tên lửa của các công ty tư nhân. Interstellar Technologies, một startup khác tại Nhật Bản, đặt mục tiêu thực hiện vụ phóng lên quỹ đạo đầu tiên với tên lửa Zero năm 2025.
Thu Thảo (Theo Space)