"Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc thử nghiệm với tổ hợp phòng không S-500 nhằm đánh giá khả năng bắn hạ mục tiêu siêu vượt âm. Hệ thống này đã chứng minh được năng lực bám bắt và phá hủy các vật thể dạng này", tờ Izvestia của Nga ngày 27/2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, thêm rằng các cuộc thử nghiệm được tiến hành theo nhiều giai đoạn.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ rất cao, khiến chúng khó bị phát hiện từ xa và chỉ xuất hiện trên radar khi đã đến rất gần, khiến các tổ hợp phòng không có rất ít thời gian phản ứng. "Điều này khiến kết quả mà hệ thống S-500 đạt được trong các cuộc thử nghiệm trở nên có giá trị hơn", báo Nga cho hay.
Dmitry Kornev, biên tập viên của trang tin Militaryrussia, cho biết năng lực này giúp S-500 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, do đầu đạn của nó bay với tốc độ siêu vượt âm trong giai đoạn hồi quyển.
Ngoài ra, nó còn có thể bắn hạ các loại tên lửa dẫn đường tầm ngắn, cũng như phối hợp với tổ hợp đời cũ S-400 tạo ra trận địa phòng không để ứng phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. "S-500 có thể bắn rơi mọi loại tên lửa", Kornev nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng S-500 đánh chặn được vũ khí siêu vượt âm nhờ sở hữu các hệ thống radar tiên tiến và tổ hợp máy tính mạnh mẽ, có khả năng xử lý hiệu quả dữ liệu từ radar và cung cấp chỉ dẫn chính xác cho bệ phóng và hệ thống dẫn đường.
"S-500 nhiều khả năng cũng được trang bị loại tên lửa có độ linh hoạt và tốc độ bay cao để có thể bắn trúng vật thể di chuyển với tốc độ siêu vượt âm", Kornev nói.
Không rõ hệ thống S-500 đã sử dụng loại đạn nào trong các cuộc thử nghiệm. Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết tổ hợp này có thể phóng nhiều loại tên lửa đánh chặn, bao gồm dòng 40N6M chuyên đối phó với máy bay và tên lửa hành trình, cũng như dòng 77N6 và 77N6-N1 có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo và vệ tinh.
Tên lửa 40N6M có tầm bắn khoảng 400 km, trong khi đạn 77N6 và 77N6-1 được cho là có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 500-600 km.
Hệ thống phòng không S-500 được phát triển bởi tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey của Nga, nhằm thay thế các lá chắn tên lửa đạn đạo A-135 cũ kỹ trong biên chế quân đội nước này.
Sau nhiều lần trì hoãn, tập đoàn Almaz-Antey tháng 4/2022 thông báo khởi động dây chuyền sản xuất loạt hệ thống S-500, nhấn mạnh rằng tổ hợp này sẽ trở thành nền tảng cho lưới phòng thủ của Nga trong tương lai.
Phạm Giang (Theo Izvestia, Eurasian Times)