Quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên tiết lộ nước này đang muốn hối thúc Nga đẩy nhanh tiến độ chế tạo và chuyển giao các hệ thống phòng không tầm xa S-400. Thông tin được đưa ra trước chuyến thăm Moskva của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hồi tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn - Trung vẫn chưa thực sự hạ nhiệt.
Truyền thông Nga sau đó cho biết Moskva đã đồng ý đẩy nhanh tiến độ hợp đồng, dự kiến hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được chuyển cho New Delhi vào tháng 1/2021, sớm gần một năm so với kế hoạch. Giới chuyên gia đánh giá động thái này sẽ tạo ra mối đe dọa mới với không quân Trung Quốc, nhưng chỉ hiệu quả trong dài hạn và khó thay đổi tình hình hiện nay.
Mỹ nhiều lần khẳng định hợp đồng này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong tương lai, đồng thời đe dọa trừng phạt nước này theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu hợp đồng được thực hiện.
Nhiều chuyên gia tại Ấn Độ cũng tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả tác chiến và vai trò răn đe của hệ thống S-400. Tuy nhiên, cuộc ẩu đả đẫm máu khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6 đã thúc đẩy New Delhi mua gấp nhiều hệ thống vũ khí từ Moskva, trong đó có tên lửa S-400.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hong Kong nhận định tầm bắn 400 km của tên lửa S-400 sẽ là mối đe dọa không nhỏ với Trung Quốc ở khu vực dãy Himalaya. Lưới phòng không chủ lực của Bắc Kinh tại đây chỉ có hệ thống HQ-9 và HQ-16 do nước này tự phát triển, vốn có tầm bắn lần lượt là 200 và 70 km.
"Nếu hệ thống S-400 được triển khai gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Ladakh, nó có thể đe dọa máy bay ở sâu trong không phận Trung Quốc. Điều này sẽ khiến các chỉ huy Trung Quốc đau đầu, gây khó khăn cho hoạt động tuần tra và kiểm soát vùng trời phía tây đất nước", Song nói.
Dù vậy, quân đội Trung Quốc cũng không hoàn toàn bất lực trước tên lửa S-400. Bắc Kinh đặt mua các tổ hợp S-400 với giá 3 tỷ USD hồi năm 2018, trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Nga sở hữu lá chắn phòng không hiện đại này. Tổ hợp đầu tiên được bàn giao hồi tháng 5/2018, hệ thống thứ hai vào tháng 1 năm nay, trong khi các kíp vận hành Trung Quốc đã trải qua quá trình huấn luyện tại Nga.
"Quân đội Trung Quốc đã vận hành hệ thống này, họ hiểu rõ nhược điểm của S-400, cũng như cách chọc mù hoặc loại nó khỏi vòng chiến đấu", Song nói thêm.
Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí cấm máy bay quân sự hiện diện trong khu vực 10 km tính từ LAC, trừ khi thông báo trước cho bên kia. Song cảnh báo việc khóa mục tiêu hoặc tấn công tiêm kích Trung Quốc khi nó chưa vượt qua ranh giới sẽ bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng, dẫn tới biện pháp trả đũa và gây nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho rằng mối đe dọa từ hệ thống S-400 cần nhiều thời gian để trở thành hiện thực, nhất là khi Nga từng trì hoãn hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài, bao gồm cả thương vụ S-400 với Trung Quốc.
"Các kíp vận hành cần một đến hai năm huấn luyện để đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện sau khi nhận bàn giao vũ khí. Thông tin hợp đồng S-400 được đẩy nhanh tiến độ giống như thông điệp cảnh báo Trung Quốc hơn là mối đe dọa thực tế", Zhou nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo SCMP)