Giám đốc tạp chí quân sự "Kho vũ khí của Tổ quốc" Nga Alexei Leonkov ngày 5/5 cho biết mẫu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới RS-28 Sarmat được biên chế cho quân đội nước này vào năm 2018 sẽ giúp Nga đi trước Mỹ 10-15 năm về công nghệ tên lửa, theo Sputnik.
RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ 5 của Nga, hoạt động bằng nhiên liệu lỏng, được bắt đầu phát triển vào năm 2009. Tên lửa có thể mang theo 10-15 đầu đạn thông thường và hạt nhân có sức công phá lên tới 750 kiloton.
Các đầu đạn của RS-28 đều được trang bị hệ thống dẫn đường độc lập nhằm tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, đầu đạn còn có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, giúp nó vượt qua được lá chắn phòng thủ đa lớp hiện đại.
Các hệ thống phòng thủ hiện đại sẽ gặp nhiều khó khăn khi theo dõi tên lửa hay đường bay của đầu đạn tên lửa RS-28 bởi khi đang bay theo quỹ đạo, đầu đạn có thể đột ngột thay đổi đường bay ở vận tốc siêu âm, ôm sát địa hình, đồng thời thay đổi độ cao cũng như độ nghiêng quỹ đạo.
Tờ Zvezda dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết mẫu tên lửa mới của Nga có sức hủy diệt rất lớn, có thể san bằng một phần lãnh thổ rộng lớn có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
RS-28 Sarmat sẽ được đưa vào biên chế để thay thế toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo RS-20V Voyevoda - xương sống của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga trong hơn 25 năm qua.
Nguyễn Hoàng