Trước đây, sà lan Pegasus của NASA từng vận chuyển bình nhiên liệu của tàu con thoi từ Michoud, New Orleans tới Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida. Sau đó, các kỹ sư đã cải tiến để sà lan trở nên dài và chắc chắn hơn cho việc chở thiết bị tên lửa Space Launch System (SLS). Hành trình hơn 64 km trên mặt nước từ Michoud tới Stennis cũng là lộ trình vận chuyển tên lửa Saturn V trong chương trình Apollo vào thập niên 1960 và 1970.
Sau khi tới Trung tâm vũ trụ Stennis, tầng đẩy chính của tên lửa SLS sẽ tham gia loạt thử nghiệm toàn diện mang tên Green Run nhằm xác nhận phương tiện đã sẵn sàng phóng hay chưa. Theo dự kiến, đây sẽ là đợt thử nghiệm cuối cùng của SLS. Tên lửa này sẽ cất cánh lần đầu tiên vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
"Việc hoàn thành chế tạo tầng đẩy chính của SLS đưa con người vào kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới", John Honeycutt, quản lý dự án SLS tại Trung tâm bay vũ trụ Marshal của NASA ở Alabama, chia sẻ. "Tên lửa SLS của NASA được thiết kế để thực hiện các chuyến bay tới Mặt Trăng trong chương trình Artemis, sau đó lên sao Hỏa và những điểm đến khác trong không gian sâu".
Tầng đẩy chính của SLS là tầng đẩy lớn nhất mà NASA từng chế tạo ở nhà máy tại Louisiana. Tàu vũ trụ Orion bay trên lưng tên lửa SLS trong chuyến bay không người lái Artemis I cũng đang trải qua thử nghiệm cuối cùng ở Trạm Plum Brook của NASA ở Ohio. Tất cả công tác chuẩn bị này sẽ giúp NASA tiến gần hơn tới mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng năm 2024 và đưa phi hành gia lên sao Hỏa.
An Khang (Theo IB Times)