5 phút 27 giây sau khi cất cánh, tên lửa nhận lệnh chia tách tầng và đốt cháy tầng thứ hai. 7 phút sau khi cất cánh, nhóm bình luận về vụ phóng trong buổi phát trực tiếp của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát hiện vận tốc của tên lửa đang giảm và không thể xác nhận việc khai hỏa tầng thứ hai.
Nhóm điều khiển nhiệm vụ sau đó phát lệnh hủy tên lửa, khiến chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của H3 phải kết thúc sớm. "Lệnh phá hủy được gửi tới phương tiện phóng vì không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ", JAXA cho biết.
Đây là nỗ lực thứ hai của H3 nhằm thực hiện thử nghiệm bay đầu tiên. Nỗ lực đầu tiên diễn ra hôm 17/2, nhưng tên lửa không thể cất cánh do hai động cơ phụ gắn ở cạnh bên tên lửa không khai hỏa.
Trong nhiệm vụ thử nghiệm, tên lửa H3 mang theo Vệ tinh quan sát mặt đất tiên tiến 3 (ALOS-3), còn gọi là DAICHI-3, hướng tới quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời cách Trái Đất 669 km. Vệ tinh được thiết kế để cung cấp hình ảnh độ phân giải cao về Nhật Bản và các khu vực khác trong dải quan sát rộng 70 km với độ phân giải sắc nét tới 0,8 m.
Vụ phóng thử nghiệm của H3 diễn ra sau một thập kỷ được JAXA và Mitsubishi Heavy Industries hợp tác phát triển. H3 cao 57 m hoặc 63 m, tùy vào độ dài của khoang chứa hàng hóa dùng trong mỗi nhiệm vụ. Tên lửa có khả năng vận chuyển hơn 4 tấn hàng hóa lên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời cao 500 km, hoặc hơn 6,5 tấn hàng hóa lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh.
H3 sẽ thay thế H-IIA, phương tiện phóng chủ lực hiện tại của Nhật Bản. H-IIA dự kiến thực hiện vụ phóng cuối cùng vào năm 2024. Theo JAXA, H3 được thiết kế để có tính linh hoạt cao, độ tin cậy lớn và có hiệu quả chi phí hơn so với H-IIA. Tuy nhiên, mẫu tên lửa mới không thể tái sử dụng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường phóng quốc tế. Một đối thủ đáng gờm là tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của SpaceX, phương tiện phóng đã chứng minh được độ tin cậy và khả năng tiết kiệm chi phí.
Thu Thảo (Theo Space)